Đường dẫn truy cập

Phương Tây đang nương nhẹ với Việt Nam về nhân quyền?


Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp mặt các đại diện xã hội dân sự ở Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội hôm 26/8. Tình hình nhân quyền của Việt Nam thậm chí trở nên tồi tệ hơn sau chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp mặt các đại diện xã hội dân sự ở Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội hôm 26/8. Tình hình nhân quyền của Việt Nam thậm chí trở nên tồi tệ hơn sau chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ.

Tầm quan trọng chiến lược của Hà Nội đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ được cho là đã cho phép Đảng Cộng sản nhiều cơ hội hơn để bịt miệng những người bất đồng chính kiến

Với ba phiên toà xét xử những người bảo vệ nhân quyền và quyền đất đai nổi danh nhất của Việt Nam trong những ngày qua cùng với một chiến dịch trấn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến của chính quyền Hà Nội trong năm vừa rồi, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam được xem là trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Theo nhận định của nhà báo David Hutt trên The Diplomat, việc gia tăng thương mại của phương Tây đối với Việt Nam dẫn tới các quyền chính trị ở Việt Nam trở nên xấu đi.

Chỉ trong ba ngày liên tiếp từ 14-16 tháng này, các toà án của Việt Nam đã tuyên phạt tổng cộng 35 năm tù giam cho nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh nhất của Việt Nam, Phạm Đoan Trang, cùng hai nhà tranh đấu vì quyền đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, cũng như nhà hoạt động nhân quyền chống Trung Quốc, Đỗ Nam Trung.

Sau các bản án này, các chính quyền phương Tây, gồm Mỹ và Liên minh châu Âu, cùng một loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án chính quyền Hà Nội và kêu gọi việc phóng thích những người mà họ cho là bị kết án tù chỉ vì thực hiện các quyền tự do ngôn luận một cách ôn hoà. Nhưng chính quyền Việt Nam vẫn im lặng và dường như không bị ảnh hưởng gì trước những lời lên án đó.

Trong số những người vừa bị kết án, bản án 9 năm tù dành cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, người được Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao giải Tự do Báo chí, gây chú ý nhiều nhất. Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng Anh và Canada, đã ngay lập tức kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang và cho phép mọi người dân Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm mà không sợ bị trả thù.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Bill Hayton của Viện Chatham House ở Anh từng có thời gian làm báo ở Việt Nam, bản án này là “một ngón giữa khổng lồ” (cử chỉ tục tĩu bày tỏ sự khinh thường) của Bộ Công an Việt Nam đối với những người thường chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam ở Mỹ và những nơi khác.”

Bà Trang bị công an TPHCM bắt giữ vào ngày 6/10 năm ngoái, chỉ vài giờ sau khi các quan chức Mỹ và Việt Nam gặp nhau để thảo luận về nhân quyền và tự do ngôn luận.

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng họ có thể bỏ tù những nhà hoạt động như bà Trang vì Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của các cường quốc bên ngoài ở Đông và Đông Nam Á,” ông Hayton nói với The Diplomat.

Việt Nam trong năm vừa qua trở thành một trong hai quốc gia Đông Nam Á duy nhất, bên cạnh Singapore, được cả Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloy Austin tới thăm. Các chuyến thăm này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ để gắn kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Mặc dù trước đó trong năm, các tổ chức nhân quyền nhiều lần lên tiếng chỉ trích chiến dịch đàn áp, bắt bớ và bỏ tù những tiếng nói bất đồng chính kiến trước và sau kì Đại hội Đảng 13 ở Việt Nam. Và sau các chuyến thăm cấp cao của phó tổng thống và bộ trưởng quốc phòng Mỹ, tình hình nhân quyền ở Việt Nam thậm chí còn tồi tệ hơn.

‘Đặc quyền’

Nhiều nhà bình luận đã cáo buộc các chính phủ phương Tây không làm gì để đối đầu với Việt Nam, hiện là đối tác thân cận của phương Tây vì lập trường chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như tầm quan trọng về kinh tế và vị trí then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của quốc gia Đông Nam Á, theo nhà báo Hutt.

Tuyên bố ngầm mà nhiều chính phủ phương Tây đưa ra là khi họ giao thương nhiều hơn với Việt Nam và khiến Hà Nội ngày càng phụ thuộc vào các liên kết kinh tế với các xã hội tự do thì họ sẽ có thêm đòn bẩy để gây áp lực buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải cải cách chính trị có chủ đích. Tuy nhiên theo nhà báo Hutt nhận định trên The Diplomat, cái gọi là “thay đổi thông qua thương mại” đã không có tác dụng.

Một báo cáo do Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố cuối năm ngoái cho rằng có khoảng 170 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam, một con số cao kỷ lục trong lịch sử gần đây, mặc dù Hà Nội luôn phủ nhận về việc giam giữ các tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Dự án 88 khẳng định rằng hiện có 217 nhà hoạt động đang bị cầm tù và 306 người khác đang gặp nguy hiểm. Freedom House, trong một khảo sát mới nhất về các quyền chính trị trên toàn thế giới, đã hạ điểm số của Việt Nam xuống 19/100, tức thang điểm thấp thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Lào, một quốc gia cũng theo Cộng sản.

Trường hợp của Việt Nam, theo nhận định của nhà báo Hutt, cho thấy Mỹ đang thực hiện một cách tiếp cận hai hướng. Các quốc gia có đồng quan điểm hoàn toàn hoặc phần nào với sự cạnh tranh của Washington trước Trung Quốc, như Việt Nam, lại được nương nhẹ về sự độc tài và vi phạm nhân quyền hơn các quốc gia ở phía bên kia của sự kình địch này. Campuchia, nước đang có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, là một ví dụ.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào tuần trước đã đưa ra quan điểm này và cùng lúc tờ Khmer Times có bài viết cho rằng “Mỹ là nước đòi dân chủ từ Campuchia nhưng lại có quan hệ cực kỳ thân thiến với Việt Nam Cộng sản.” Kể từ năm 2017, mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ trở nên xấu đi khi Phnom Penh ngày càng trở thành đồng minh thân cận của Bắc Kinh và bị Mỹ cáo buộc cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân trên lãnh thổ của mình.

Ông Hun Sen được cho là có lý khi đặt ra câu hỏi: Tại sao Campuchia bị trừng phạt và Việt Nam được đặc quyền? Tổng thống Barack Obama vào năm 2016 đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam trong khi vào đầu tháng này Tổng thống Joe Biden đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia. Theo nhận định của nhà báo Hutt, người từng có thời gian làm việc ở Phnom Penh, dù Campuchia có các vi phạm nhân quyền nhưng Việt Nam có một hệ thống chính trị độc tài hơn và là một kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ hơn.

Ông Hutt, còn là một thành viên của Viện nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á, cho rằng khi Việt Nam ngày càng trở nên không thể tách rời với các mục tiêu chiến lược của Mỹ thì Washington sẽ càng phớt lờ sự đàn áp chính trị ở Việt Nam. Nói cách khác, nếu Việt Nam không phải là một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ thì khó có thể tưởng tượng được rằng Washington sẽ không chỉ trích nhiều hơn về sự đàn áp nhân quyền của chính phủ Hà Nội.

Việt Nam được xem là luôn “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc khi không ngả hẳn về bên nào, và theo nhận định của nhà báo Hutt, Washington không thể mạo hiểm đẩy mạnh nhân quyền để rồi sẽ “đánh mất” Hà Nội vào tay Bắc Kinh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG