Đường dẫn truy cập

Âm nhạc xóa bỏ mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo


Nghệ sĩ Thúy Quỳnh nói: "âm nhạc là một phương tiện quan trọng để đưa mọi người đến với nhau trên con đường mưu cầu hòa bình và hạnh phúc."
Nghệ sĩ Thúy Quỳnh nói: "âm nhạc là một phương tiện quan trọng để đưa mọi người đến với nhau trên con đường mưu cầu hòa bình và hạnh phúc."

Tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, nghệ sĩ dương cầm cổ điển người Việt hiện đang sống ở Mỹ, từng được tạp chí âm nhạc Musical America bình chọn là một trong 19 ngôi sao dương cầm trẻ tuổi. Cô đã tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới và nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Nghệ sĩ Thúy Quỳnh cũng được báo Boston Globe nhận xét là một nghệ sĩ tài năng, có khả năng tiết chế âm thanh, nét nhạc sang trọng, nhạy cảm và giàu chất thơ. Tạp chí The New York Concert Review ca ngợi cô là một nghệ sĩ thực thụ, một người biểu diễn có sức truyền cảm tuyệt vời, thể hiện tầm cao trí tuệ và sự tinh tế. Trong Câu chuyện phụ nữ kỳ này, nghệ sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh sẽ chia sẻ với quí vị quan điểm của cô về vai trò của âm nhạc đối với xã hội và đời sống của mỗi con người.

Với Thúy Quỳnh, âm nhạc là thứ gần gũi nhất với tâm hồn cô, và là lĩnh vực mà cô đam mê và gắn bó nhiều nhất. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp loại ưu tại trường Trung học Venice High School ở Los Angeles cùng với Giải thưởng của Tổng thống về thành tích học tập suất sắc, cho dù có rất nhiều lựa chọn như theo học trường y giống như chị gái cô để trở thành bác sĩ hay một giáo sư đại học, nhưng khi nhận được học bổng để theo học trường âm nhạc Juilliard School ở New York cô đã không ngần ngại rời xa gia đình ở Los Angeles để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc ở trung tâm văn hóa và nghệ thuật nước Mỹ.

Sau đó cô tiếp tục học thạc sĩ tại trường âm nhạc Mannes School on Music và bảo vệ tiến sĩ tại trường đại học City University of New York.

Hiện tại Tiến sĩ Thúy Quỳnh đang giảng dạy tại trường Hunter College cũng như Viện International Keyboard Institute and Festival của trường đại học âm nhạc Mannes College of Music ở thành phố New York.

Thúy Quỳnh nói rằng cô rất yêu thích cơ hội được truyền cảm hứng cho các sinh viên và chia sẻ những kiến thức của mình sau nhiều năm được học hỏi từ những nghệ sĩ dương cầm lừng danh như Jerome Rose, Bella Davidovich, Jacob Lateiner, Andras Schiff, và Garrick Ohlsson.

“Giảng dạy đem đến cho tôi niềm hạnh phúc tuyệt vời khi được chia sẻ những kinh nghiệp học tập cũng như tình yêu âm nhạc của mình với những người khác. Việc dạy học cũng là điều vô giá đối với tôi bởi tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ các sinh viên của mình. Nghệ sĩ lừng danh Arthur Schnabel từng nói rằng ông học được nhiều điều hơn từ học trò hơn là học trò học được từ ông.”

Nói về tầm quan trọng của âm nhạc trong giáo dục, Tiến sĩ Thúy Quỳnh cho rằng việc học âm nhạc cũng quan trọng giống như các môn khác như khoa học và toán học.

“Âm nhạc là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giáo dục trẻ nhỏ và có thể đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của trẻ. Một số nhà khoa học tin rằng có mối liên hệ giữa việc viết nhạc và sự phát triển của trí não. Vào năm 1999, tạp chí Neurological Research có đăng một bài viết trong đó nói rằng những học sinh học âm nhạc ở trường trung học có điểm số cao hơn những học sinh không học âm nhạc ở cùng một ngôi trường. Nhiều nhà giáo đã liên kết việc viết nhạc một cách tích cực với khả năng tăng cường sự phát triển ngôn ngữ và nâng cao khả năng toán học, đồng thời thái độ ứng xử trong xã hội cũng tốt hơn ở trẻ em. Hơn nữa, âm nhạc là một hình thức nghệ thuật khuyến khích sự phát triển, tính sáng tạo và nguồn cảm hứng, đó là hai yếu tố quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Ý tưởng đưa âm nhạc trở thành một phần quan trọng trong giáo dục đã tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại và Thời Phục hưng. Đối với mỗi một người có học vấn, học chơi một nhạc cụ hay đọc các nốt nhạc được cho là cũng quan trọng như học đọc và học viết.”

Dù đã đi biểu diễn nhiều nơi trên đất Mỹ cũng như các nước châu Âu như Hungary, Đức, Thụy Sĩ, Áo và Pháp, nhưng chuyến trở về Việt Nam năm 2007 trong một buổi gây quĩ cho trẻ em tàn tật lại là chuyến biểu diễn gây cho nghệ sĩ Thúy Quỳnh nhiều xúc động nhất.

“Tôi đã gặp những em nhỏ ở trường âm nhạc đặc biệt, các em bị khiếm thị nhưng vẫn chơi nhạc với một niềm đam mê và hạnh phúc. Tôi đã rất cảm động khi thấy âm nhạc đã làm thay đổi và làm phong phú thêm cho cuộc đời các em như thế nào. Buổi biểu diễn từ thiện của tôi đã gây được ngân quĩ cho Hội Bảo trợ Trẻ em Tàn tật Hà Nội và tôi rất hạnh phúc vì đã có thể đóng góp một phần nhỏ vào việc giáo dục và chăm sóc thể chất cho các em. Sau buổi biểu diễn mọi người cũng nói với tôi rằng các khán giả đã cảm động rơi nước mắt. Đối với tôi, được chia sẻ tài năng hay âm nhạc và được tác động tới người nghe một cách sâu sắc và cảm động như vậy là phần thưởng lớn nhất trong quá trình biểu diễn âm nhạc của tôi."

Với Thúy Quỳnh, âm nhạc là thứ gần gũi nhất với tâm hồn cô, và là lĩnh vực mà cô đam mê và gắn bó nhiều nhất.
Với Thúy Quỳnh, âm nhạc là thứ gần gũi nhất với tâm hồn cô, và là lĩnh vực mà cô đam mê và gắn bó nhiều nhất.

Nghệ sĩ Thúy Quỳnh nói rằng chúng ta đang sống trong một xã hội đa dạng, mà ở đó có sự trao đổi, tiếp xúc và hợp tác giữa những người thuộc mọi chủng tộc khác nhau, tôn giáo, tín ngưỡng hay học vấn khác nhau. Âm nhạc chính là chiếc cầu nối để liên kết những cá nhân ấy lại và âm nhạc cũng là một phương tiện quan trọng để đưa mọi người đến với nhau trên con đường mưu cầu hòa bình và hạnh phúc. Cô nhớ lại một buổi biểu diễn quốc tế, nơi mà âm nhạc đã đẩy lui bức tường ngăn cách về ngôn ngữ, văn hóa hay chủng tộc:

“Trong buổi hòa nhạc vào mùa đông năm 2009 tại Berlin Konzerthause với dàn nhạc của trường đại học Berlin University, tôi đã trình diễn trước gần một ngàn khán thính giả, những người đã không quản thời tiết băng giá của mùa đông lạnh nhất trong vòng 60 năm qua để tới dự buổi hòa nhạc của tôi. Tôi và khán giả không cùng chung một ngôn ngữ, nhưng tôi có cảm giác thật tuyệt vời là tôi có thể dùng âm nhạc để nói chuyện với họ. Tôi không có đủ ngôn từ để diễn tả lại cái không khí sống động và phấn khích ấy, nơi mà sự thấu hiểu, niềm đam mê và tất cả mọi tình cảm đã dâng trào và thăng hoa trong phòng hòa nhạc sau phần biểu diễn bản Concerto số 1 của Chopin. Đó là cuộc trò chuyện bằng âm thanh, bằng cảm xúc và âm nhạc, không có bất kỳ một rào cản nào về ngôn ngữ hay chủng tộc, không có chướng ngại vật hay bình phong nào giữa tôi và thính giả."

Theo cô âm nhạc là sự phản ánh cuộc sống, và để diễn đạt được cảm xúc trong âm nhạc thì người nghệ sĩ phải cảm nhận được sự sâu sắc của âm nhạc trong tâm hồn mình. Để trở thành một người nghệ sĩ nổi tiếng cần phải có nhiều tố chất hơn là chỉ có sự luyện tập miệt mài. Một buổi biểu diễn âm nhạc thành công đòi hỏi người nghệ sĩ phải hiểu về ý nghĩa của tác phẩm đó, về phong cách âm nhạc, về ngữ cảnh lịch sử, văn hóa cũng như hoàn cảnh sáng tác. Cô nói:

“Âm nhạc không được tạo nên một cách xa rời thực tế mà nó là sự phản ánh và đúc kết kinh nghiệm của con người, được diễn tả bằng phương tiện âm thanh. Việc sáng tác âm nhạc có ảnh hưởng của những sự kiện lịch sử, của những gì đang diễn ra trên thế giới cũng như những gì đang diễn ra trong chính cuộc đời của nhà soạn nhạc. Nó phản ánh tính cách và niềm tin của người nghệ sĩ, và lột tả cảm xúc, suy nghĩ, đam mê, khát khao và tâm trạng của người nghệ sĩ đó. Ví dụ như khi nghe tin về sự thất bại của cuộc cách mạng Ba Lan, Chopin đã tuyệt vọng và trút hết cảm xúc của mình vào các tác phẩm của ông ở thời điểm đó. Một trong những tác phẩm đó là tác phẩm hùng tráng và mãnh liệt có tên “Luyện khúc Cách mạng – Revolutionary Etude.”

Cô nói tiếp:

“Dòng âm nhạc cổ điển rất đa dạng và phong phú, và nó bao trùm toàn bộ các khía cạnh trong kinh nghiệm của loài người. Trách nhiệm vô cùng quan trọng của người nghệ sĩ là cảm thụ được thông điệp của bản nhạc, đắm mình vào âm nhạc và hiểu âm nhạc một cách sâu sắc để có thể truyền tải ý nghĩa của tác phẩm đó tới thính giả. Âm nhạc là một ngôn ngữ quốc tế có thể vượt xa các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Khi được sáng tác với cảm hứng nghệ thuật cao, âm nhạc còn có thể được biểu lộ một cách sâu sắc hơn cả lời nói.”

Nghệ sĩ Thúy Quỳnh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Cô là cháu của các nghệ sĩ tài danh Tôn Thất Triêm, Tôn Nữ Y Lan và Tôn Nữ Nguyệt Minh.

Cô bắt đầu học piano từ năm 4 tuổi, và năm lên 6 cô vào học tại Nhạc viện Hà Nội. Năm lên 9 tuổi, cô đã lên sân khấu trình diễn lần đầu tiên. Năm 13 tuổi cô giành được học bổng theo học tại Nhạc viện Gnessin ở Moscow, một trường quốc tế danh tiếng dành cho các em học sinh có tài năng đặt biệt. Cô theo gia đình sang định cư ở Mỹ khi 15 tuổi.

Nghệ sĩ Thúy Quỳnh đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng của các cuộc thi mang tên Artist International Presentation, Bellflower Orchestra, the Artists of Tomorrow Competition of the Brentwood-Westwood Symphony Orchestra, và International Piano Concerto ở San Francisco. Cô từng độc tấu với các giàn nhạc giao hưởng San Francisco, Westwood, và Bellflower (Mỹ) cùng một số giàn nhạc giao hưởng khác. Cô cũng thường xuyên biểu diễn trên đài phát thanh và các chương trình truyền hình giới thiệu về nghệ thuật dương cầm.

Quí vị có thể nghe thêm các bản nhạc của nghệ sĩ Thúy Quỳnh ở địa chỉ www.quynhnguyen.com.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG