Một đơn vị thuộc Tổng công ty xây dựng điện Trung Quốc (PowerChina) đã kiện công ty điện lực Lào Electricite du Laos (EdL) tại Singapore, đòi 555 triệu USD tiền nợ chưa thanh toán từ một dự án thủy điện, theo hồ sơ trọng tài mà Reuters xem được.
Khiếu nại này bắt nguồn từ nguồn điện được tạo ra bởi dự án Thủy điện Thác Nam Ou trị giá 2,73 tỷ USD – do đơn vị Nam Ou Power của PowerChina vận hành – với công suất 1,27 gigawatt (GW) từ 7 thác dọc theo 350 km trên sông tại quốc gia Đông Nam Á này.
Dự án Nam Ou là một trong những dự án lớn nhất của Lào, chiếm 7% trong tổng công suất thủy điện 18 GW tại quốc gia núi non không giáp biển với gần tám triệu dân này.
Theo một nguồn tin quen thuộc với vụ việc, EdL vẫn chưa phản hồi về đơn nộp. Người này cũng cho biết đây là lần đầu tiên một tổ chức nhà nước Trung Quốc kiện một công ty thuộc chính phủ Lào ra tòa trọng tài quốc tế. Người này từ chối nêu tên vì vụ việc chưa được công khai.
Đây là lần đầu tiên chi tiết về vụ việc được đưa ra trên truyền thông.
Dự án này là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhằm xây dựng các tuyến giao thông và thương mại trên khắp châu Á và xa hơn nữa. Các nhà phê bình phương Tây cho biết các khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc vào các quốc gia đang phải vật lộn để trả nợ đã giúp nước này giành được lợi thế chiến lược, nhưng Trung Quốc lại bác bỏ điều này.
PowerChina, EdL và luật sư của Nam Ou đã không ngay lập tức trả lời các yêu cầu bình luận. Bộ ngoại giao, bộ quản lý năng lượng và bộ thương mại của Trung Quốc cũng không hồi đáp các yêu cầu bình luận.
Đầu tư vào thủy điện
Lào đã chi rất nhiều tiền cho các dự án thủy điện, trong số đó có nhiều dự án do nước láng giềng phía bắc là Trung Quốc tài trợ, với mục tiêu trở thành "nguồn điện của Đông Nam Á" bằng cách xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Những dự án đó, cùng với tuyến đường sắt cao tốc do Trung Quốc xây dựng, đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ.
Trong hồ sơ nộp lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore vào tháng trước, PowerChina cho biết EdL nợ họ 486,27 triệu USD tiền phí cộng với tiền lãi mà họ ước tính là 65,79 triệu USD. Các khiếu nại liên quan đến các hóa đơn hàng tháng được lập từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2024.
Tổng số tiền này tương đương với khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội của Lào.
EdL đã nhượng lại quyền kiểm soát phần lớn đơn vị truyền tải điện của mình cho Công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước vào năm 2020, vì nợ nần chồng chất trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây căng thẳng cho tài chính công và đẩy Lào đến bờ vực vỡ nợ.
Trong cùng một hồ sơ nộp, Nam Ou cũng yêu cầu bồi thường thiệt hại 3,02 triệu USD vì EdL chủ yếu thanh toán phí bằng đồng kip Lào, trong khi thỏa thuận đã quy định rằng 85% khoản thanh toán phải được thực hiện bằng đô la Mỹ.
Lào đã phải vật lộn với tình trạng siêu lạm phát và dự trữ ngoại hối cạn kiệt nhanh chóng kể từ khi xảy ra đại dịch, khi giá trị đồng kip Lào giảm gần ba phần năm trong 5 năm qua.
Diễn đàn