Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence sẽ tới Australia trễ hơn trong ngày thứ Sáu 21/4. Trọng tâm của chuyến đi dự kiến sẽ tập trung vào vấn đề an ninh khu vực và thương mại.
Ông Mike Pence được các giới chức Úc đánh giá là một nhân vật “điềm tĩnh và có cân nhắc” hiện diện trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phó Tổng thống Pence đang thực hiện chuyến công du sang thăm Châu Á để trấn an các đồng minh về cam kết của Washington đối với khu vực dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump. Tại Australia, ông Pence sẽ được đón tiếp như một người bạn.
Các cuộc thảo luận về vấn đề thương mại theo trông đợi sẽ là một phần chủ yếu của chuyến thăm của ông Pence, kể cả làm thế nào dỡ bỏ nốt những rào cản thương mại giữa Úc và Hoa Kỳ, nước đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Australia. Kim ngạch mậu dịch hai chiều vượt ngưỡng 41 tỉ đôla.
Giáo sư Fariborz Moshirian là Giám Đốc Viện Tài chính Toàn cầu tại Đại học Tài chính New South Wales ở Sydney. Ông nhận định:
“Australia và Hoa Kỳ có một mối quan hệ doanh thương mật thiết. Hai nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do song phương, và lẽ dĩ nhiên một trong những điểm chủ yếu có thể được nêu lên là làm cách nào đê củng cố thương mại tự do giữa hai nước, cũng như trong nội bộ khu vực.”
Quyết định của Tổng thống Trump huỷ bỏ hiệp định thương mại lớn nhất của thế giới, là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, đã gây thất vọng tại Australia, một trong khoảng 12 quốc gia đã ký hiệp định này hồi năm ngoái.
Tổng thống Trump cho rằng hiệp định TPP có thể “là một thảm hoạ đối với việc làm” của giới lao động Mỹ. Giáo sư Moshirian nói các giới chức ở Canberra hy vọng rằng một số phần của hiệp định TPP vẫn có thể được hồi sinh dù là không có sự tham gia của Hoa Kỳ.
Giáo sư Moshirian:
“Từ quan điểm của Australia thì huỷ bỏ TPP là điều hết sức đáng thất vọng. Nhưng cùng lúc, nước Úc và ở một chừng mực nào đó, Nhật Bản và ngay cả Mexico, giờ đang tìm cách tiếp tục cuộc đối thoại về TPP bất chấp là không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Thế cho nên chúng ta sẽ phải chờ xem.”
Những căng thẳng liên quan tới các tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, cũng như các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, theo dự kiến cũng sẽ được mang ra thảo luận trong chuyến công du 3 ngày của Phó Tổng thống Pence tới thăm Australia.
Canberra và Washington đã thiết lập một liên minh quân sự vững mạnh từ những năm đầu của thập niên 1950, và nhiều thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau của Australia đều nhấn mạnh quan hệ song phương với Hoa Kỳ là nền tảng của nền an ninh quốc gia Úc.