Đường dẫn truy cập

Qua 100 ngày, TT Biden vẫn đang tái xét các vấn đề lớn gắn với Trung Quốc


Trước Quốc hội, Tổng thống Mỹ Joe Biden xác định rằng Trung Quốc là đối thủ chiến lược (28/4/2021).
Trước Quốc hội, Tổng thống Mỹ Joe Biden xác định rằng Trung Quốc là đối thủ chiến lược (28/4/2021).

Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cán mốc 100 ngày đầu nắm quyền. Nhưng đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa kiểm điểm xong một số quan điểm chính sách quan trọng và các vấn đề nóng liên quan.

Đó là một loạt các vấn đề kinh tế đã kéo dài cả một thế hệ cho đến các chính sách gây tranh cãi do chính phủ của Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa đưa ra trước khi chính quyền của ông Biden thuộc đảng Dân chủ kế nhiệm.

Nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ. Ông Biden xác định rõ ràng, mà gần đây nhất là trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 28/4, rằng Trung Quốc là đối thủ cuả Mỹ trong một cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên chế để giành quyền kiểm soát nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.

Chính quyền của ông Biden đã bắt đầu đưa ra một chiến lược tổng thể để cạnh tranh với Trung Quốc dựa vào việc đổi mới quan hệ với các đối tác như Ấn Độ và các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, và đầu tư nhiều ở trong nước Mỹ.

Nhưng có những người chỉ trích rằng việc chính quyền Biden kiểm điểm một cách chậm chạp các chính sách cụ thể có thể khiến các công ty và nền kinh tế Mỹ phải trả giá.

Sau bài phát biểu hôm 28/4 của ông Biden, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney nói với các phóng viên: "Tôi nghĩ rằng chúng ta - ở tầm vóc một quốc gia - vẫn chưa có một chiến lược toàn diện để đối phó với ý định thống trị thế giới của Trung Quốc".

Còn một phụ tá dân biểu đảng Cộng hòa tại Hạ viện không muốn nêu tên nói rằng: "Chúng ta không có nhiều thời gian để mà lề mề và cố tìm ra giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này. Chúng ta cần có hành động và các chính sách cụ thể".

Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về những lời chỉ trích từ phía đảng Cộng hòa đối với việc xem xét lại chính sách. Tuy nhiên, trong các cuộc nói chuyện riêng, các đảng viên Dân chủ cho rằng chính quyền Biden vẫn đang chạy đua để giải quyết những việc quan trọng.

Ông Biden vẫn chưa công bố sẽ bổ nhiệm những ai để làm đại sứ tại Trung Quốc và ở nhiều quốc gia khác, hay ai sẽ đảm nhận chức vụ quan trọng tại Vụ Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại, là cơ quan giám sát việc xuất khẩu các công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ sang Trung Quốc.

Các quan chức trong chính quyền cho biết họ sẽ xem xét bổ sung “các hạn chế mới có mục tiêu cụ thể” đối với một số mặt hàng công nghệ nhạy cảm xuất khẩu sang Trung Quốc, và hành động với sự hợp tác của các đồng minh, nhưng họ không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Thuế đánh vào hàng Trung Quốc

Chính quyền Biden cho biết họ sẽ tiến hành xem xét lại kỹ lưỡng các mức thuế của Hoa Kỳ do chính quyền Trump áp dụng đánh vào hàng hóa Trung Quốc trị giá gần 400 tỷ đô la, nhưng chính quyền Biden chưa đưa ra thời hạn cụ thể.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng Hoa Kỳ chưa sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan, một phần do sức mạnh đòn bẩy mà nó mang lại cho các nhà đàm phán Mỹ.

Theo báo cáo của Tổ chức Thuế vào tháng 9 năm ngoái, chế độ thuế quan đó làm cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ mất 80 tỷ đô la. Trung Quốc đã không thực hiện đúng cam kết mua hàng hóa của Mỹ được nêu trong thỏa thuận thương mại hồi tháng 1/2020.

Chính quyền Biden đang rà soát lại các chuỗi cung để đảm bảo cho sức khỏe của kinh tế Mỹ.
Chính quyền Biden đang rà soát lại các chuỗi cung để đảm bảo cho sức khỏe của kinh tế Mỹ.

Xem xét lại về chuỗi cung

Hồi tháng 2, ông Biden khởi động cuộc đánh giá kéo dài 100 ngày về các rủi ro đối với các chuỗi cung quan trọng, với lý do là Hoa Kỳ cần hàng hóa an toàn, đa dạng, đáng tin cậy trong các lĩnh vực như dược phẩm, chất bán dẫn, pin xe điện và đất hiếm.

Riêng các bộ Quốc phòng, Thương mại, Năng lượng, Nông nghiệp, Giao thông, An ninh Nội địa và Y tế dự kiến sẽ nộp các báo cáo về mức độ vững chắc của các chuỗi cung sau một năm kể từ khi tổng thống ra lệnh vào tháng 2.

Lệnh cấm đầu tư

Chính quyền Biden cũng chưa cho biết họ sẽ sử dụng ra sao một công cụ trừng phạt cứng rắn do ông Trump đưa ra nhằm cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm nói rằng chúng là do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.

Triều Tiên

Trong nhiều tuần qua, chính quyền Biden báo hiệu rằng họ sắp hoàn tất một cuộc đánh giá chung về Triều Tiên. Các chính quyền nối tiếp nhau của Mỹ đã tìm cách thuyết phục quốc gia theo đường lối Stalinist từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ. Chính quyền Biden nói họ "sắp kết thúc cuộc đánh giá", nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Nhà Trắng chia sẻ rất ít thông tin về cuộc đánh giá, cũng như không cho biết liệu họ có nhượng bộ gì không để Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán. Cùng lúc, Nhà Trắng báo hiệu về một đường lối cứng rắn liên quan đến nhân quyền, phi hạt nhân hóa và trừng phạt.

Cuba, Venezuela

Ông Biden đã hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 là sẽ đảo ngược một phần các biện pháp khắc nghiệt của ông Trump đối với Cuba, và các phụ tá của ông Biden cho biết rằng họ đang hết sức chú ý xem xét quyết định vào phút cuối của ông Trump liệt Cuba vào diện nhà nước bảo trợ cho khủng bố.

Nhưng chính quyền mới dường như không vội vàng. Và bất kỳ động thái lớn nào kiểu này cũng có nguy cơ gây ra phản ứng chính trị ở bang Florida, một bang dao động quan trọng, trước cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2022. Cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump nhận được sự ủng hộ trong cộng đồng lớn của người Mỹ gốc Cuba ở khu vực Miami, giúp ông giành chiến thắng tại bang này hồi tháng 11/2020, mặc dù ông đã thua trong tổng thể cuộc bầu cử tổng thống.

Ngoài ra, một trong số các vấn đề vẫn đang được cân nhắc là làm thế nào để xây dựng một chính sách mới về Venezuela, nơi mà chiến dịch trừng phạt "gây áp lực tối đa" của ông Trump không thể lật đổ Tổng thống theo đường lối xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro; và một vấn đề nữa là sẽ đóng cửa nhà tù quân sự tại Căn cứ hải quân ở vịnh Guantanamo, Cuba, ra sao. Đây là nơi Mỹ giữ các các nghi phạm nước ngoài và bị quốc tế lên án.

VOA Express

XS
SM
MD
LG