Bà Lindsey W. Ford, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách Nam và Đông Nam Á, đánh giá rằng hợp tác quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang phát triển, nhưng đó chỉ là một khía cạnh trong mối quan hệ đang ngày càng mở rộng giữa hai nước.
Cổng thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một bản tin hôm 23/1, dẫn lời bà Ford phát biểu cùng ngày tại Hội nghị Hoa Kỳ-Việt Nam năm 2024 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại thủ đô Washington.
Bà Ford nói rằng năm vừa qua là “thời điểm thực sự hấp dẫn” với việc hai nước nâng cấp mối quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Năm 2023 “không giống bất cứ điều gì tôi từng thấy, và tôi nghĩ, từ quan điểm của chúng tôi tại Bộ Quốc phòng, nó mang đến cho chúng ta một cơ hội thực sự thú vị để tiếp tục phát triển dựa trên sự hợp tác rất hứa hẹn mà chúng ta đã thực hiện trong nhiều thập kỷ”, bà phát biểu.
Tuy là một chuyên gia quốc phòng, song bà Ford lưu ý rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Bà cũng cho rằng, dù quan điểm của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh với Trung Quốc, “nhưng điều đó không chỉ đơn giản như vậy”.
Bà nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ các lợi ích chiến lược, trong đó bao gồm cả kinh tế và quốc phòng.
Bà điểm qua vài lĩnh vực tiêu biểu trong quan hệ quốc phòng, với có nhiều hoạt động diễn tập giữa hai nước, từ an ninh hàng hải đến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Bà nói: “Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Đông Nam Á”.
Mối quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt bắt đầu từ việc tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh và đã phát triển qua nhiều năm, bản tin của Bộ Quốc phòng viết. “Nhìn chung, quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt đã phát triển”, bà nhấn mạnh.
Bà Ford đặc biệt nói về việc Hoa Kỳ giúp Việt Nam đào tạo và trang bị để họ thực hiện sứ mệnh gìn giữa hòa bình ở Nam Sudan trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc.
Các khía cạnh khác bao gồm hợp tác về phòng chống và khắc phục thảm họa, ứng phó với hiểm họa biến đổi khí hậu, thành lập và vận hành các trung tâm điều phối quản lý thảm họa và gần đây nhất là xây dựng quan hệ hỗ trợ quân y, một lĩnh vực hợp tác ngày càng phát triển.
Về các lĩnh vực hợp tác mới nổi lên, bà ghi nhận công việc giữa hai quốc gia về an ninh hàng hải với tình hình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “đang đầy thách thức”.
“Chúng tôi đang làm rất nhiều việc và muốn tiếp tục giúp Việt Nam xây dựng năng lực theo dõi-giám sát không gian biển, đào tạo thủy thủ để giúp giải quyết một số hành vi quấy nhiễu, đồng thời [giải quyết] việc đánh bắt trái phép và các loại vấn đề khác mà chúng ta đang gặp phải trên Biển Đông”, bà nói.
Bà phát biểu thêm tại hội thảo được truyền trực tiếp trên trang CSIS:
“Đó là các tàu tuần duyên, khả năng ISR [tình báo- giám sát và trinh sát], năm nay chiếc máy bay huấn luyện T-6 đầu tiên mà chúng tôi cung cấp sẽ đến Việt Nam”.
“Có rất nhiều cơ hội để chúng tôi tiếp tục xem xét các công nghệ và khả năng mới mà chúng tôi có thể trợ giúp, điều đó sẽ cho phép Việt Nam mở rộng cách nhìn, cảm nhận và đóng góp trong lĩnh vực hàng hải”.
Cùng phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng việc Mỹ cung cấp tàu khu trục, bán thiết bị IRS ScanEagle, thông qua đào tạo, giúp luyện tập về xây dựng năng lực đều là điều hữu ích cho các quốc gia về khả năng thực thi luật pháp quốc tế trong khu vực lân cận và đảm bảo rằng các hoạt động vùng xám được làm sáng tỏ và đưa ra ánh sáng.
“Tôi nghĩ điều này rất quan trọng vì thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt trong lĩnh vực hàng hải trong khu vực là các hoạt động vùng xám và điều này không chỉ đến từ bất kỳ quốc gia nào khác mà còn có thể đến từ các chủ thể phi nhà nước như buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia”, ông Sơn nói.
Ông Sơn nói rằng mục đích của các quan hệ Đối tác Chiến lược đối với Việt Nam, có lẽ cũng như đối với các nước ASEAN, là “nhằm xây dựng khả năng ứng phó kiên cường, tăng cường khả năng chống lại ảnh hưởng và để giảm bớt sự phụ thuộc vào bất cứ cường quốc lớn nào ở gần, chứ không tạo ra kiểu răn đe nào” như Mỹ đang tìm kiếm.
Nhà ngoại giao Việt Nam cho rằng trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ, Việt Nam muốn chú trọng nhiều đến kinh tế.
“Quan điểm của chúng tôi là quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được xây dựng trên mối quan hệ lâu dài giúp nhau xây dựng khả năng ứng phó kiên cường. Và vì điều đó, chúng tôi kêu gọi những người bạn Mỹ của chúng tôi xem xét mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện này thiêng nhiều hơn về mặt kinh tế”.
Trang thông tin Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, phát biểu tại sự kiện này rằng Việt Nam xem hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và sáng tạo là “động lực chính và nền tảng then chốt” cho quan hệ hai nước, và hợp tác khoa học, công nghệ và kỹ thuật số là “đột phá mới”.
Đại sứ Dũng khẳng định những lĩnh vực này đều phù hợp với ưu tiên phát triển của mỗi nước, đồng thời đóng góp cho mục tiêu chung của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện “là hoà bình, ổn định và phát triển”.
Diễn đàn