Trong tuần qua, Việt Nam hai lần lên tiếng chống lại Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải kéo dài lâu nay, sau nhiều tháng im lặng. Thế nhưng, các nhà phân tích hy vọng những phản ứng phẫn nộ như thế sẽ thường xuyên hơn thế chỗ cho những sự im lặng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 24/4 tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam bằng cách lắp đặt các thiết bị quân sự làm nhiễu sóng tại quần đảo Hoàng Sa trong vùng biển đang tranh chấp. Các thiết bị này có thể làm gián đoạn các chuyến bay và hoạt động quân sự của Việt Nam, giáo sư danh dự Carl Thayer chuyên về Đông Nam Á thuộc Trường đại học New South Wales ở Australia, nói.
Công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam cùng ngày tuyên bố là căng thẳng tại Biển Đông có thể làm cản trở hoạt động thăm dò dầu khí dưới đáy biển ngoài khơi Việt Nam. Các nhà phân tích nói áp lực của Trung Quốc đã làm ngưng trệ hai nỗ lực thăm dò kể từ giữa năm 2017. Một công ty khoan dầu Việt Nam hiện đang có kế hoạch hợp tác thăm dò khí đốt với ExxonMobil trị giá 4,6 tỉ đô la.
Tuy nhiên, trong 7 tháng qua, Việt Nam chẳng lên tiếng chống lại Trung Quốc ngay cả khi Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận hải quân quan trọng vào tháng 3 vừa rồi và lên án chuyến viếng thăm Việt Nam của một tàu sân bay Mỹ. Các nhà phân tích nói Việt Nam ngày càng đánh giá cao các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và tìm đến các kênh chính trị để giải quyết tranh chấp.
Ông Thayer nói “Trong nội bộ, giới lãnh đạo Việt Nam phải thường xuyên cân nhắc phản ứng của Trung Quốc ra sao theo những tình huống đặc biệt nào đó. Nếu họ đang tìm kiếm điều gì đó từ Trung Quốc, họ có thể không muốn lắc lư con tàu mà di chuyển cẩn trọng hơn. Đó là chiến thuật, tuy nhiên chính sự cân đo thường xuyên đó khiến hoặc sa đà hoặc thiếu hành động, nhìn vào những áp lực trong nước.”
Những khoảng lặng
Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp nhiều khu vực tại Biển Đông ngoài khơi bờ biển Việt Nam dài 3.444 kilômét.
Brunei, Malaysia, Đài Loan và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ vùng biển trải dài 3,5 triệu kilômét vuông có các trữ lượng cá và nhiên liệu hóa thạch. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền khoảng 90% Biển Đông, nhưng những nước khác hiếm khi lên tiếng.
Bất cứ phản đối nào chống lại sự bành trướng quân sự của Trung Quốc đối với chuỗi đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giới phân tích thường nhìn vào Việt Nam trước tiên. Tuy nhiên, mãi cho tới tuần rồi, Việt Nam mới buông lời chỉ trích Trung Quốc kể từ khi lên án những cuộc tập trận hồi tháng 8 năm 2017. Một số học giả nói Việt Nam muốn có quan hệ chính trị và kinh tế mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.
Việt Nam dựa vào Trung Quốc như là một nguồn lợi về du lịch và nguyên liệu thô cho sản xuất. Cách đây một năm, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang viếng thăm Trung Quốc để thúc đẩy mở rộng thị trường Trung Quốc cho hàng hóa Việt Nam, gia tăng quan hệ thương mại hai chiều trị giá 72 tỉ đô la mà Việt Nam nói là lớn nhất từ trước tới nay.
Chú trọng quan hệ ngoại giao
Giáo sư Thayer nói Việt Nam có thể không muốn đưa ra những chỉ trích vì các mối quan hệ chính thức sâu rộng với Trung Quốc. Quân đội hai nước đã thực hiện 23 cuộc tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ, lần cuối cùng kết thúc vào tháng 12 năm ngoái. Hai bên cũng cùng thăm dò dầu khí và tuân thủ thỏa thuận đánh bắt cá tại Vịnh Bắc Bộ.
Hai đảng cộng sản Việt-Trung thường gặp nhau để ngăn tranh chấp leo thang, một yếu tố khiến Việt Nam nhiều lần ‘im lặng,’ theo giới phân tích.
Trung Quốc nỗ lực làm hòa thông qua các mối quan hệ kinh tế với các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển tại Đông Nam Á kể từ năm 2016 khi Tòa án trọng tài quốc tế ra phán quyết chống lại căn bản pháp lý những tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc.