Đường dẫn truy cập

TQ đang ‘đẩy’ Việt Nam đến gần Tòa án Quốc tế?


Binh lính Trung Quốc tuần tra ở Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 9/2/2016.
Binh lính Trung Quốc tuần tra ở Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 9/2/2016.

Một số chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhận định với VOA rằng động thái “phản đối” quen thuộc của Việt Nam trước những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một “phản ứng cần thiết” theo yêu cầu của luật pháp quốc tế, nhưng “không đủ”, thậm chí đang tạo ra một vòng “luẩn quẩn”.

Giải pháp đưa nhau ra Tòa trọng tài Quốc tế, theo họ, là một lựa chọn “ôn hòa” và “tối ưu” mà Việt Nam “không sớm thì muộn” cũng sẽ phải thực hiện.

Trả lời câu hỏi của báo chí hôm 24/4 liên quan đến việc Trung Quốc vừa lắp đặt các thiết bị tác chiến điện tử mới gây nhiễu sóng trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối các động thái này, cùng một loạt hành động khác của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây như cho tàu You Lian Tuo 9 thi công dưới nước, và tổ chức cuộc đua thuyền buồm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói các hành động của Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, “trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Phía Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải “chấm dứt ngay” các hoạt động trên và “tôn trọng” chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Nhận xét về phản ứng “quen thuộc” của Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng đây là một phản ứng cần thiết và “phù hợp với quan điểm của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế”.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà sử học nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, cũng đồng ý với quan điểm này và giải thích thêm:

“Bởi vì nếu không phản đối, theo luật pháp quốc tế, là công nhận những gì Trung Quốc làm là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho nên đó là một việc làm đương nhiên”.

Tuy nhiên theo TS. Hà Hoàng Hợp, động thái “phản đối” của Việt Nam sau mỗi hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông là “không đủ” và đang tạo ra một vòng “lẩn quẩn”.

Ông nói:“Nó sẽ không đủ vì Trung Quốc hung hăng lắm. Họ cứ thế mà làm thôi. Việt Nam cứ phản đối, còn họ cứ làm. Và cuối cùng thì bây giờ trên thực tế đang có vấn đề lẩn quẩn”.

Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra sau khi thông tin về việc Trung Quốc lắp đặt thiết bị quân sự gây nhiễu sóng tại quần đảo Trường Sa được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ trên báo chí Mỹ ngày 9/4, giữa lúc Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc tập trận được đánh giá là “lớn nhất từ trước tới nay” ở Biển Đông.

Trong tuyên bố gửi cho Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ tại buổi điều trần hôm 17/4, Đô đốc Mỹ Philip Davidson cho rằng Trung Quốc hiện đã có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông, và chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn chặn nước này “thâu tóm” toàn bộ khu vực.

Đô đốc Philip Davidson điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ ngày 17/4/2018.
Đô đốc Philip Davidson điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ ngày 17/4/2018.

Trước những diễn tiến dồn dập, mà một số giới chức Mỹ cho là Bắc Kinh “tăng tốc quân sự hóa” khu vực Biển Đông, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang bị đẩy tới chỗ phải nhờ đến sự can thiệp của Tòa án trọng tài Quốc tế.

“Hướng duy nhất, theo tôi, là đưa ra tòa. Không có con đường nào khác cả”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Theo ông, mặc dù việc kiện tụng không đảm bảo sẽ giải quyết hoàn toàn vấn đề tranh chấp (như kinh nghiệm của Philippines), nhưng “không sớm thì muộn”, Việt Nam sẽ phải lựa chọn giải pháp này vì đây là phương pháp đấu tranh “ôn hòa” và “tối ưu nhất”.

Còn theo đánh giá của TS. Nguyễn Nhã, Việt Nam sẽ nắm nhiều phần thắng nếu kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Vì theo ông, chủ quyền của Việt Nam trong khu vực là một “sự thật lịch sử” không thể chối cãi, với nhiều chứng cứ có thể tìm thấy ở các nước.

“Nước Pháp là một trong những nước mà tôi nghĩ nắm rất rõ về quá trình xác lập chủ quyền ra sao. Chỉ có điều, như tôi từng nói, Trung Quốc có hơn cả ngàn luận văn nghiên cứu về Biển Đông, trong khi Việt Nam lại có quá ít”, TS. Nguyễn Nhã cho biết.

Đầu tuần này, báo chí Trung Quốc cho biết nước này vừa khánh thành một tượng đài trên Đá Chữ Thập, nơi Bắc Kinh xây dựng thành đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự và đường băng, với lý do là để “đánh dấu các công trình xây dựng ở Biển Đông”.

Một nghị sĩ của Philippines, ông Gary Alejano, ngày 24/4 lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc này, nói rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên đảo nhân tạo là “một cái tát” vào mặt các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Tại cuộc họp báo ngày 24/4, phát ngôn viên Lục Khảng của Trung Quốc nói: “Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đá chủ yếu là nhằm cải thiện các cơ sở liên quan trên đảo, đá, cũng như điều kiện sống và làm việc cho nhân viên tại đây, để Trung Quốc có thể thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình, chu cấp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế và giúp bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông, vốn rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc và các nước trong khu vực”.

Chuyên gia: TQ ‘đẩy’ Việt Nam đến gần Tòa án Quốc tế
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:12 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG