Đường dẫn truy cập

Quốc hội Việt Nam ‘không ra nghị quyết về biển Đông’


Cơ quan lập pháp của Việt Nam chỉ ra thông cáo về tình hình biển Đông, thay vì một nghị quyết như theo đề nghị của đại biểu.

Phát biểu tại phiên bế mạc hôm 24/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa và Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình là hành động ‘vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết của nhân dân hai nước’.

Ông Hùng nói: “Các vị đại biểu quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc. Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa từ TP HCM nói rằng ‘nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang’ nếu ‘Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông’.

Về việc quốc hội không ra nghị quyết riêng về tình hình biển Đông, ông Đinh Xuân Thảo từ Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội, cho VOA Việt Ngữ biết:

“Chủ tịch Quốc hội đã ra một thông cáo báo chí về tình hình ở biển Đông, thể hiện rất là rõ các nội dung và quan điểm của quốc hội, chứ không ra một hình thức nghị quyết bởi vì theo quy định của hiến pháp và pháp luật Việt Nam, khi mà ra một nghị quyết là nó phải có mục đích, nội dung, phải cụ thể, chứ còn trong vấn đề này, thì cũng chưa có một cái cơ sở hay căn cứ nào. Nếu mà ra nghị quyết thì cái nội dung nó là vấn đề gì thì cái đó nó không rõ ràng. Nó phải có nội dung cụ thể mà phải trên cơ sở đề nghị của chính phủ thì lúc đó quốc hội mới xem xét”.
Chủ tịch Quốc hội đã ra thông cáo báo chí về tình hình ở biển Đông, thể hiện rất rõ các nội dung và quan điểm của quốc hội, chứ không ra một hình thức nghị quyết bởi vì theo quy định của hiến pháp và pháp luật Việt Nam, khi mà ra một nghị quyết là nó phải có mục đích, nội dung, phải cụ thể, chứ còn trong vấn đề này, thì cũng chưa có một cái cơ sở hay căn cứ nào.
Ông Ðinh Xuân Thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội.

Trong khi đó, theo đại biểu Nghĩa, nếu Quốc hội Việt Nam không ra nghị quyết về biển Đông, “phía dư luận thế giới chắc sẽ bình luận rằng một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng chính thức gì thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng”.

Đại biểu từ TP HCM nói thêm rằng “đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa”.

Về nhận xét của ông Nghĩa này, ông Thảo nói:

“Ví dụ trong trường hợp nó vượt qua giải pháp giải quyết bằng cái biện pháp hòa bình thì lúc đó mới tính tới các biện pháp nữa thì cần thiết mới có thể dẫn đến nghị quyết, chứ còn đúng như trong điều kiện hiện nay thì chưa cần thiết phải có một nghị quyết riêng. Chủ trương theo những đề xuất của chính phủ thì quốc hội hoàn toàn đồng tình, hoàn toàn ủng hộ. Chứ còn bây giờ nhiều người cứ nói, hô hào, nói rằng là muốn có một nghị quyết thì chính bản thân tôi, tôi cũng không hiểu họ muốn một cái nghị quyết như thế nào, cái nghị quyết để làm gì”.

Việc quốc hội Việt Nam không ra nghị quyết cũng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.

Theo ông Thảo, cơ quan lập pháp của Việt Nam đã có hành động cụ thể liên quan tới tình hình biển Đông như nhất trí chi 16.000 tỷ đồng để đầu tư cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân.

"Ngay từ đầu cũng có người hỏi là có cần ra nghị quyết hay không, thì tôi cũng đã nói là nếu mà có ra nghị quyết liên quan tới biển Đông thì chỉ có hai chuyện thôi. Một là vấn đề kinh tế, hỗ trợ cho ngư dân và cái thứ hai là có cần thiết kiện ra tòa án quốc tế hay không. Thì có hai việc đó là cần phải có nghị quyết của quốc hội. Về vấn đề hỗ trợ cho ngư dân kinh tế thì đã thực hiện, còn cái việc có kiện hay không thì cái đó chính phủ cũng đang còn nghiên cứu và cũng chưa trình ra quốc hội, nên chưa có cơ sở để mà quốc hội quyết định."

Trong một diễn biến khác, Bắc Kinh một lần nữa mới kêu gọi Hà Nội chấm dứt quấy nhiễu hoạt động của phía Trung Quốc tại biển Đông sau khi Việt Nam công bố đoạn video mới, cáo buộc các tàu của Trung Quốc đâm vào một tàu kiểm ngư của mình, khiến tàu ‘bị biến dạng’.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng tàu Việt Nam đã ‘chủ động đâm và gây hư hỏng tàu của Trung Quốc’.

Bà Hoa sau đó còn kêu gọi Việt Nam ‘ngay lập tức rút toàn bộ tàu bè và người khỏi hiện trường và nhanh chóng khôi phục sự bình lặng’ tại nơi Trung Quốc đặt giàn khoan.

Hà Nội chưa chính thức lên tiếng hồi đáp trước cáo buộc từ Bắc Kinh nhưng báo chí trong nước đã lên tiếng nói rằng ‘Trung Quốc tiếp tục vu cáo Việt Nam’.

Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư, hôm 23/6, tàu KN 951 của Việt Nam bị cùng lúc 5 tàu Trung Quốc ‘vây ép và đâm nát’.

Sau việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình, đẩy hai nước láng giềng vào thế đối đầu, giới lãnh đạo Việt Nam đã có các tuyên bố được một số nhà quan sát cho là ‘không kiêng nể’ khi nói về mối quan hệ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố ‘không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông' cũng như cho báo giới biết rằng Hà Nội có thể xem xét hành động pháp lý chống lại các hành động của Trung Quốc ở biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG