Đường dẫn truy cập

Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua CPTPP


Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình trước Quốc hội về việc phê chuẩn CPTPP.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình trước Quốc hội về việc phê chuẩn CPTPP.

Ngày 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để xem xét thông qua, sau khi Austraulia là nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định vào đầu tuần này, biến thỏa thuận thương mại của 11 nước trở nên có hiệu lực kể từ ngày 30/12 tới.

Trong tờ trình Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng việc phê chuẩn CPTPP thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam, theo VOV.

Tuy nhiên, hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, đòi hỏi quốc gia độc đảng phải điều chỉnh các quy định về pháp lý và thể chế, lãnh đạo Việt Nam thừa nhận trước Quốc hội.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định của 12 quốc gia, TPP-11 được đổi tên thành CPTPP nhưng phần lớn nội dung vẫn như TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), chỉ tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng.

Là một đối tác trong hiệp định có quy mô chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu, Việt Nam được xem là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP với thế mạnh về xuất khẩu dệt may, giày dép, hải sản và các sản phẩm nông nghiệp. Dự kiến, hiệp định sẽ giúp tạo ra khoảng 20.000 – 26.000 việc làm mỗi năm và giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, CPTPP sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 1,3 điểm phần trăm và tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại khác như Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Dự kiến, Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua CPTPP vào tuần tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG