Đường dẫn truy cập

Ngày Quốc Khánh Úc: Buồn hay Vui?


Sydney Opera House, biểu tượng của nước Úc. Hình minh họa.
Sydney Opera House, biểu tượng của nước Úc. Hình minh họa.

Ngày 26 tháng Giêng là ngày quốc khánh Úc.

Ngày quốc khánh của mọi quốc gia lẽ ra phải là ngày vui mừng của đa số, nếu không phải là tất cả. Nó phải và nên là ngày trọng đại nhất, mang ý nghĩa sâu xa nhất, như sự thống nhất, hòa bình, độc lập và tự do, hòa giải, hay toàn vẹn chủ quyền của quốc gia đó.

Đối với nước Úc, ngày 26 tháng Giêng đánh dấu ngày hạm đội gồm 11 chiếc thuyền Anh cập bến Sydney và lá cờ của Anh quốc được giương lên tại đây vào năm 1788. Nhưng vào ban đầu, ngày này chỉ mang ý nghĩa đổ bộ và giải phóng mặt bằng cho các binh lính Anh đóng trại tại bãi biển Sydney, và chỉ có giá trị tượng trưng cho tiểu bang New South Wales mà thôi. Mãi cho đến năm 1935, tức 34 năm sau khi Liên bang Úc được thành lập vào năm 1901, ngày 26 tháng Giêng mới được mọi tiểu bang công nhận như là quốc khánh Úc. Và mãi đến năm 1994 thì ngày này mới được tất cả các tiểu bang và lãnh thổ Úc công nhận là ngày nghỉ toàn quốc.

Ngày hôm nay, 26 tháng Giêng trở thành ngày vui lẫn buồn, hạnh phúc lẫn đau thương, tự hào lẫn tủi nhục, đối với người Úc. Thay vì gọi là ngày quốc khánh, Ngày Thành lập (Foundation Day), thì bây giờ còn được xem là Ngày Xâm lược, Ngày Sống sót hay Ngày Để tang (Invasion Day, Survival Day, or Day of Mourning).

Theo cuộc khảo sát mới nhất với 1114 người thì 49 phần trăm dân Úc vẫn cảm giác mạnh mẽ về ngày này, 32 phần trăm không phân biệt (indifferent, tức không ủng hộ hay chống đối), 13 phần trăm cho rằng nó không quan trọng, và 6 phần trăm cho biết họ không ăn mừng ngày này. Con số lớn hơn, 69 phần trăm, không tin rằng ăn mừng ngày 26 tháng Giêng là bất kính đối với người thổ dân Úc (First Nations), các dân tộc được ghi nhận là có mặt đầu tiên tại lục địa này.

Vào ngày quốc khánh Úc năm nay, Thủ tướng Scott Morrison đã chủ toạ một trong 454 lễ gia nhập quốc tịch Úc cho hơn 27 ngàn người, một con số kỷ lục cho dịp này.

Trong khi đó, thủ lãnh đối lập Anthony Albanese đã dùng bài phát biểu tại Blue Mountain để vận động quốc hội Úc thay đổi hiến pháp để chính thức công nhận vai trò của người thổ dân. Ông Albanese nói thêm rằng: “Chúng ta không thể giả vờ lịch sử của chúng ta bắt đầu vào ngày này năm 1788. Chúng ta không thể phủ nhận những tổn thương đi kèm với sự ra đời của nước Úc hiện đại”.

Hàng ngàn người đã tham dự các cuộc biểu tình khắp Úc phản đối lại ngày quốc khách, mà họ gọi là ngày xâm lược. Ngoài nước Úc cũng có biểu tình, điển hình tại London trước bức tượng Thuyền trưởng Cook (Caption Cook). Họ giương cao những tấm bảng với những từ như "không có niềm tự hào về tội diệt chủng" và "chủ quyền không bao giờ nhượng lại". Nhóm lấy tên Đoàn kết Úc London (London Australia Solidarity) cho biết họ đứng về phía “Người Quốc dân Đầu tiên”. Họ biểu tình tại London vì nó là “cái ghế của đế chế và đại diện cho sự khởi đầu của chủ nghĩa thực dân”.

Dù có nhiều xu hướng chống đối ngày 26 tháng Giêng làm ngày quốc khánh Úc và kêu gọi nên chọn ngày khác để bớt gây chia rẽ, điều không thể phủ nhận là một nhà nước quốc gia (nation-state) Úc đã bắt đầu hình thành từ ngày này vào năm 1788. Nó là một dự án lâu dài và vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay. Truyền thống chính trị của nước Úc tất nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của những người Anh đến Úc đầu tiên, mang theo họ truyền thống hiến pháp Anh, còn gọi là “khế ước xã hội” (social contract), cũng như sự phát triển tiếp theo của hệ thống quản trị quốc gia, với các định chế cấu thành, sự sắp xếp, quy ước, quy trình và các thực hành. Nó là một phần của câu chuyện quốc gia (a national story) kể lại sự hình thành và phát triển nước Úc từ đó đến nay.

Lịch sử của Úc chắc chắn sẽ khác, nếu như không có người Anh đến đây mang theo văn hóa truyền thống ngôn ngữ chính trị Anh. Hoặc nếu người Pháp, Đồ Đồi Nha v.v… đến, thay vì người Anh.

Nhưng cũng kể từ ngày 26 tháng Giêng năm 1788, người thổ dân đã trãi qua những đau thương mất mát mà không bút mực nào có thể tả hết được. Cho nên thay đổi ngày quốc khánh này thành ngày khác sẽ không thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên đổi lại ngày khác có lẽ dễ hàn gắn những vết thương và chia rẽ sâu sắc này.

Dân tộc nào, và quốc gia nào, cũng có những biến cố tang thương, không ngoại xâm thì cũng nội chiến. Việc nước Úc ghi nhận các thế hệ bị đánh cấp, hay lời tạ lỗi chính thức từ chính quyền Úc, là cần, nhưng chưa đủ. Điều nước Úc cần phải làm thêm hiện nay là phải chính thức ghi nhận những quốc dân đầu tiên tại Úc trong hiến pháp và cần các chính sách hòa giải và nâng đỡ bao nhiêu thế hệ người thổ dân bị các chấn thương to lớn của quá khứ để lại mà họ vẫn chưa vượt qua được. Ghi nhận quá khứ và những vấn đề phức tạp, gây chia rẽ để cùng nhau tiến về phía trước là điều cần thiết.

Mọi người Úc có thể tự hào về những ưu đãi về mặt địa lý tại đây, vì Úc vẫn là một trong các quốc gia đáng sống hàng đầu trên thế giới, với không khí trong lành, nước uống trong sạch, mật độ đất đai thưa thớt nhất trên thế giới. Và một xã hội đa văn hóa với một nền chính trị dân chủ cấp tiến hàng đầu nhân loại.

Khép lại quá khứ bằng chính sách hòa giải thật sự sẽ giúp hàn gắn những vết/chấn thương này. Nước Úc đã bắt đầu hành trình này từ giữa thập niên 1960 cho đến nay. Nhưng đây là tiến trình không có điểm kết thúc. Và cần nỗ lực không ngừng.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG