Đường dẫn truy cập

VN có dám ‘khai thác dầu khí bình thường’ ở Biển Đông?


Hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha lặng lẽ rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ tháng Bảy, 2017.
Hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha lặng lẽ rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ tháng Bảy, 2017.

Phạm Chí Dũng


Kể từ tháng Bảy năm 2017 khi lần đầu tiên phải cắm mặt yêu cầu hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha lặng lẽ rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, cho đến gần đây chính thể độc đảng ở Việt Nam mới lần đầu tiên ‘hé răng’ một cách ẩn dụ rằng họ vẫn phải tìm cách khai thác dầu khí chứ không thể ngừng hoạt động này do sức ép của ‘đồng chí tốt’ ở phương Bắc.

Lần đầu tiên thừa nhận ‘tháo chạy’

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 31/5/2018, khi phóng viên đặt câu hỏi về khả năng Việt Nam cân nhắc lại các dự án dầu khí của mình hay không khi Việt Nam đã đề nghị công ty dầu Repsol của Tây Ban Nha dừng khai thác, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao là bà Lê Thị Thu Hằng đã không phủ nhận câu hỏi này và trả lời: ‘Các hoạt động dầu khí cũng như các hoạt động kinh tế biển khác của Việt Nam được tiến hành bình thường trong khu vực biển hoàn toàn thuộc vùng thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam - được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982’.

Mặc dù ‘công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982’ vẫn là cụm từ được Bộ Ngoại giao và giới chuyên gia ‘bảo vệ chủ quyền’ của Việt Nam lặp đi lặp lại không biết chán, nhưng từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào Biển Đông như một cái tát nổ đom đóm vào mặt những quan chức Việt vẫn còn mơ màng hay chăm bẳm về tình hữu nghị Việt - Trung, Bộ Chính trị đảng cầm quyền ở Việt Nam vẫn không có nổi một nghị quyết lên án Trung Quốc can thiệp vào Biển Đông hay đệ trình hồ sơ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Vậy dựa vào cơ sở nào mà Bộ Ngoại giao Việt Nam phát ra ẩn ý ‘khai thác dầu khí bình thường’ ở Biển Đông?

Trong khi đó, hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam là hoàn toàn không bình thường, hoặc cực kỳ bất bình thường kể từ tháng Bảy năm 2017 đến nay.

Mất ăn ngay trong vùng chủ quyền

Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra một sự kiện mà xứng đáng được liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại Giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam.” Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại Giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí. Sau vụ bỏ chạy không ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam - Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.

Vào tháng Tư, 2018, một lần nữa Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Lần thứ hai phép thử lấy tiền trong túi quần của mình đã không thành công. Chính thể Việt Nam đã rơi vào cảnh nạn bĩ cực đến mức dù quá muốn khai thác dầu khí ngay trong vùng chủ quyền của mình cũng phải bó tay. Cũng vẫn do sức ép không hiểu đến mức độ nào của Trung Quốc.

Đến lúc đó, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn: không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu Tháng Ba, 2018 –- theo lời “cầu viện” chính thức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam - cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.

Và thay vì tiếp tục “can đảm bám biển,” “bản lĩnh Việt Nam” lại thể hiện bằng cơ chế “tự xử”: nếu ở “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD - phần kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Tư năm 2018, con số bồi thường đã lên đến 200 triệu USD.

Chính trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng Năm năm 2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gián tiếp thừa nhận rằng họ đã yêu cầu Repsol - một hãng dầu khí Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam - dừng khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính.

Trong khi đó, Tập Cận Bình lại cử Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc - đến Việt Nam ngay sau vụ Bãi Tư Chính lần hai, với một “tối hậu thư”: Việt Nam phải “cùng hợp tác khai thác” mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, “bản lĩnh Việt Nam” sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.

Hy vọng gì ở Lan Đỏ?

Sau vụ Repsol và nỗi nhục Cá Rồng Đỏ, chính thể độc đảng ở Việt có vẻ ‘khôn ra’ khi tìm cách dựa dẫm vào Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km.

Nhưng ‘cái khó lại ló cái ngu’. Ngay cả Rosneft của người Nga cũng đang có thể rơi vào tình trạng cám cảnh như Repsol của Tây Ban Nha khi bắt đầu bị Trung Quốc gây sức ép buộc phải rời bỏ mỏ Lan Đỏ.

Theo Reuters, ngày 17/5/2018 Rosneft đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.

Một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính và mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, và mỏ Lan Đỏ là một số ít tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt.

Chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, lại đang lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ.

Cho Bộ Chính trị ra khơi để khai thác dầu khí?

Trong khi đó, ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.

Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.

Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật “áo lưỡi bò” của du khách Trung Quốc phô diễn tại sân bay Cam Ranh - mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh - đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách “Ba không” của Việt Nam hầu như tê liệt.

Giờ đây, cái bộ máy tê liệt đó sẽ ‘quyết tâm’ ra sao và sẽ làm cách nào để ‘khai thác dầu khí bình thường’ khi còn không dám nhìn thẳng vào mặt Bắc Kinh? Sẽ đủ can đảm để chấp nhận một cuộc xung đột quân sự khi không muốn chia bôi lợi nhuận với kẻ cướp? Cả Bộ Chính trị và 200 ủy viên trung ương đảng có dám chường mặt ra để khai thác dầu khí? Hay lại ‘huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc’ như cách hô hào của thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ - Nguyễn Tấn Dũng - và được di truyền cho các đời quan chức sau này vào bất kỳ khi nào chính quyền cần tróc thuế dân, mị dân và đàn áp dân theo cách ‘hèn với giặc, ác với dân’?

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG