Romania theo dự liệu sẽ đạt được độc lập năng lượng vào cuối thập niên này nhờ vào dầu đá phiến và những nguồn năng lượng thay thế như điện gió và điện hạt nhân. Thông tín viên Ana Hontz-Ward của đài VOA có bài tường thuật về những mục tiêu năng lượng của Romania và ảnh hưởng của vụ khủng hoảng Ukraine đối với chiến lược năng lượng của quốc gia Đông Âu này.
Là một trong những nước láng giềng của Ukraine, Romania trong vài tháng qua đã chịu ảnh hưởng của vụ khủng hoảng năng lượng và chính trị mới nhất của Âu châu, một vụ khủng hoảng có thể gây gián đoạn cho nguồn cung ứng khí đốt và khiến cho kinh tế của Liên hiệp Âu châu lâm vào cảnh rối loạn.
Trong lúc Âu châu lệ thuộc vào dầu lửa và khí đốt của Nga, Romania là nước duy nhất ở đông nam châu lục này theo đuổi mục tiêu tự túc năng lượng và không bị ảnh hưởng nhiều bởi vụ khủng hoảng Ukraine.
Về việc này, Bộ trưởng Năng lượng Romania Razvan Niculescu cho biết như sau: “Những hoạt động thăm dò mới đây cho thấy Romania có những trữ lượng khí đốt khá lớn ở Hắc Hải mà theo dự kiến có thể bắt đầu được khai thác vào cuối năm 2019. Những tài nguyên đó, cùng với dầu đá phiến, sẽ giúp Romania thỏa mãn toàn bộ nhu cầu năng lượng và thậm chí còn có thể trở thành một nước xuất khẩu khí đốt.”
Được biết, Romania hiện nay tự đáp ứng 80% nhu cầu năng lượng, dựa vào dầu lửa, khí đốt, thủy điện, than đá và điện hạt nhân; và 20% còn lại thì dựa vào dầu lửa và khí đốt nhập khẩu từ Nga – không giống như Ukraine và Bulgarie, là hai nước phải lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào khí đốt nhập khẩu của Nga.
Bên cạnh trữ lượng khí đốt khá lớn ở ngoài khơi Hắc Hải, Nhà Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho biết Romania có khoảng 1,400 tỷ mét khối dầu đá phiến, nhiều hàng thứ ba ở Âu châu, sau Ba Lan và Pháp.
Vụ khủng hoảng vì Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, cùng với một vụ tranh chấp về điều kiện thanh toán của những vụ mua bán khí đốt giữa Nga với Ukraine, đã khiến cho Romania tích cực hơn trong việc theo đuổi mục tiêu độc lập năng lượng. Tháng 5 vừa qua, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến Romania để bàn về những giải pháp nhằm phá vỡ sự lệ thuộc năng lượng của Âu châu đối với Nga và về khả năng Romania trở thành một điểm nối then chốt của thị trường năng lượng giữa Đông và Tây.
Ông Iulian Buga, Đại sứ Romania tại Hoa Kỳ, cho biết vụ khủng hoảng Ukraine nêu bật tầm quan trọng của việc tăng tốc tiến trình đó.
Ông Buga nói: “Điều này không chỉ liên hệ tới vụ khủng hoảng hiện nay trong khu vực mà còn liên hệ tới tương lai, bởi vì nhu cầu năng lượng đã tồn tại khá lâu và sẽ mỗi ngày một tăng. Cho dù có hay không có vụ khủng hoảng đó, chúng ta vẫn cần tìm kiếm những nguồn mới, và vấn đề năng lượng lúc nào cũng là một yếu tố quan trọng cho nền kinh tế của tất cả các nước.”
Một hệ quả khác của vụ khủng hoảng ở bán đảo Crimea là việc xây dựng một hệ thống đường ống giữa Romania và Moldova, một nước Cộng hòa nhỏ thuộc Liên Sô cũ và là nước lệ thuộc 100% vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Romania và Moldova có những mối quan hệ lịch sử và văn hóa rất mật thiết.
Romania cũng đang tiến hành một cuộc nghiên cứu khả thi cho dự án xây một đường ống để khí đốt của Azerbaijan có thể được thông qua Gruzia để tới Romania và các nước xa hơn ở Trung Âu và Tây Âu. Bộ trưởng Năng lượng Romania, ông Niculescu, nói rằng đường ống đó sẽ giúp cho khu vực này giảm thiểu đáng kể những tác động của những vụ gián đoạn nguồn cung ứng năng lượng trong tương lai.
Ông Niculescu cho biết: “Âu châu sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu lửa và khí đốt từ Nga, nhưng lượng nhập khẩu sẽ được giữ ở một mức có thể chấp nhận được và điều đó sẽ tạo ra những tiền đề để năng lượng không bao giờ còn được sử dụng như một loại vũ khí cho các mục tiêu chính trị.”
Khu vực năng lượng phát triển mạnh dự kiến sẽ là đầu tàu tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm trong lúc Romania ra sức bắt kịp các nước giàu hơn trong Liên hiệp Âu châu.