Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, phải đối mặt với những cuộc biểu tình phản đối của cử tri, cho biết ông đã hạ lệnh cho chính phủ ông điều tra về những lời tố cáo gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử Hạ viện trong tuần qua.
Lời loan báo được đưa ra một ngày sau khi hàng chục ngàn người biểu tình tại Mascova và hàng chục thành phố khác đòi hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử ngày 4 tháng 12, trong đó đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Vladimir Putin đã thắng, và đòi tổ chức bầu cử lại.
Hôm Chủ nhật, ông Medvedev đã phá vỡ sự im lặng kéo dài 2 ngày, tuyên bố cuộc điều tra với những người theo dõi trên mạng xã hội Facebook.
Ông nói “tuy ông không đồng ý với những khẩu hiệu hay ngôn từ tại các cuộc biểu tình, nhưng ông đã ra chỉ thị để duyệt lại tất cả những thông tin từ các địa điểm bầu cử liên quan đến việc tuân thủ luật lệ bầu cử.”
Chỉ trong vòng mấy phút sau khi tuyên bố được đưa lên mạng, ông Medvedev đã nhận được hơn 1 ngàn ý kiến trên trang Facebook, hầu hết là bày tỏ sự phẫn nộ và bất kính, nhiều nhất là những lời lẽ như "thật xấu hổ!" và "chúng tôi không tin ông!"
Cả Tổng thống lẫn Thủ tướng Nga đều không thấy xuất hiện trước công chúng trong những ngày gần đây, trong lúc những người trong ban tổ chức các cuộc biểu tình tìm cách điều động phe đối lập phản kháng kết quả bầu cử. Những người chỉ trích lên án đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin đã đồng lõa với những hành vi gian lận phiếu và những bất thường khác. Tuần trước, cựu lãnh tụ Xô Viết Mikhail Gorbachev kêu gọi hủy bỏ kết quả bầu cử và tổ chức một cuộc bầu cử khác.
Phần lớn các cuộc biểu tình vào thứ Bảy tại Mascova, St. Petersburg và các thành phố Khabarovsk và Vladivostok ở vùng Viễn Tây đều ôn hòa. Tuy nhiên những cuộc biểu tình trước đó trong tuần tại Mascova và St. Petersburg đã khiến một lực lượng cảnh sát đông đảo hiện diện và hàng trăm người biểu tình bị bắt giữ.
Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe khuyến nghị giới lãnh đạo Nga "mở cuộc đối thoại, để tránh bạo động, và để cho phe đối lập biểu tình và lãnh hội bài học cho việc tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp."
Ông Juppe cũng chỉ trích kế hoạch của ông Putin muốn trở lại vai trò tổng thống bằng cách đổi chỗ với ông Medvedev. Ông nói thêm dân chúng không muốn thấy tiến trình dân chủ bị thao túng. Khi nói “à, tôi là thủ tướng, còn anh giữ chức tổng thống - rồi kỳ tới ta đổi lại nhé - là một điều gì đó gây phẫn nộ cho người dân.”
Tháng trước ông Putin chính thức nhận sự đề cử của đảng ra tranh cử tổng thống, một chức vụ mà các nhà phân tích thời cuộc cho là ông chắc chắn sẽ đắc cử.
Sự sắp đặt này làm cho nhiều người Nga tức giận. Họ nói kế hoạch này sẽ củng cố sự cai trị độc tài và dọn đường cho ông Putin trở thành lãnh đạo lâu năm nhất kể từ thời cộng sản.
Nếu thắng cử, ông Putin năm nay 59 tuổi, có thể giữ chức vụ tổng thống trong 2 nhiệm kỳ nữa, mỗi nhiệm kỳ là 6 năm, và sẽ ở lỳ chức vụ này đến năm 2024. Ông được bầu vào chức vụ tổng thống lần đầu tiên năm 2000.