Đường dẫn truy cập

Sau chiến thắng của ông Trump, Nga tập trung gây chia rẽ Mỹ-Ukraine


Trụ sở Kênh Truyền hình Một của Nga ở Moscow (ảnh chụp ngày 27/11/2024) .
Trụ sở Kênh Truyền hình Một của Nga ở Moscow (ảnh chụp ngày 27/11/2024) .

Trong khi Tổng thống Joe Biden tận dụng những ngày cuối cùng tại nhiệm để tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine, Nga lại đang chơi một trò chơi khác: phát tán thông tin xuyên tạc nhằm mục đích làm xói mòn sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine trước khi ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc vào tháng tới.

Kể từ cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào ngày 5/11/2024, Điện Kremlin đã sử dụng phương tiện truyền thông do nhà nước điều hành và các mạng lưới trang tin tức giả mạo và tài khoản mạng xã hội để thúc đẩy các câu chuyện gây chia rẽ về cuộc chiến và tổng thống đắc cử của Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ. Các nhà phân tích cho biết nội dung được dịch sang tiếng Anh cho khán giả Hoa Kỳ có mục đích chuyển hướng tình cảm chống lại Ukraine vào thời điểm quan trọng, với hy vọng cắt giảm viện trợ quân sự của Hoa Kỳ và đảm bảo chiến thắng cho Nga.

Các ví dụ gần đây bao gồm các video giả được cho là có cảnh binh lính Ukraine đốt hình nộm ông Trump hoặc những người ủng hộ ông. Một đoạn clip mô tả cảnh những người lính Ukraine nói rằng không được để cho ông Trump nhậm chức và rằng ông Trump “chớ bao giờ được làm tổng thống nữa”. Nhiều nhà nghiên cứu đã vạch trần đoạn video này, lưu ý những dấu hiệu rõ ràng của sự thao túng kỹ thuật số.

Một đoạn video khác cho thấy cảnh những người lính Ukraine bắn vào một hình nộm đội chiếc mũ đỏ “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” và mặc áo phông vận động tranh cử của ông Trump. Đoạn video đó đã được các nhà phân tích tư nhân và Trung tâm chống thông tin xuyên tạc của Ukraine, một cơ quan chính phủ theo dõi hoạt động tuyên truyền của Điện Kremlin, phân tích và xác định là giả mạo.

Các phiên bản khác — cũng giả mạo không kém — mô tả cảnh những người lính Ukraine đốt sách của ông Trump hoặc gọi ông là kẻ hèn nhát. Trong những tuần sau cuộc bầu cử, các đoạn clip đã lan truyền vượt xa Ukraine và Nga, lưu hành trong số những người ủng hộ ông Trump và những người tin vào QAnon, thuyết âm mưu cho rằng ông Trump đang chiến đấu chống lại một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới quyền lực theo chủ nghĩa Satan.

Theo các nhà phân tích đã theo dõi hoạt động tuyên truyền và thông tin xuyên tạc của Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu, đây là một phần trong nỗ lực liên tục của Nga nhằm chia rẽ người Mỹ trong cuộc chiến kéo dài gần 3 năm ở Ukraine và coi người Ukraine là những đồng minh không đáng tin cậy và không trung thực. Bằng cách ngăn cản sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine, Điện Kremlin hy vọng sẽ cắt đứt nguồn viện trợ quân sự quan trọng nhất đã duy trì hy vọng của Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

Vào đầu cuộc chiến, những nhà tuyên truyền Nga đã mô tả các nhà lãnh đạo Ukraine là những kẻ tham nhũng và ích kỷ. Truyền thông nhà nước Nga tuyên bố các nhà lãnh đạo Ukraine có cảm tình với Đức Quốc xã — mặc dù Tổng thống Volodymyr Zelenskyy là người Do Thái — hoặc có liên quan đến nghiên cứu vũ khí sinh học bí mật mà Moscow tìm cách liên hệ với đại dịch COVID. Mỗi tuyên bố sai sự thật đều được sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược của Nga.

Ông Rupert Smith, một vị tướng người Anh đã nghỉ hưu và cựu phó chỉ huy tối cao của NATO, hiện đang lãnh đạo một công ty tư vấn có trụ sở tại Brussels có tên là Solvo Partners, nói: “Người Nga đã gieo rắc ý tưởng rằng ‘Ukraine tham nhũng đến mức không nên là một quốc gia và chúng tôi là những người phù hợp để điều hành nơi này’.” “Bây giờ điều này đang được sử dụng như một cái cớ để không ủng hộ Ukraine”.

Video giả mạo có cảnh binh lính Ukraine bắn vào hình nộm ông Trump đã lan truyền trên các nền tảng như X, Telegram và YouTube, được các trang tin tức ủng hộ Điện Kremlin thúc đẩy trước khi chuyển sang các trang web phổ biến với người Mỹ, theo phân tích của các nhà nghiên cứu tại NewsGuard, một công ty theo dõi thông tin xuyên tạc.

Một số phiên bản của video được tạo ra từ lâu trước cuộc bầu cử nhưng được coi là mới hơn. Trong vòng vài ngày, video đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem và đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ ngoài tiếng Nga và tiếng Anh, bao gồm tiếng Đức, tiếng Trung và tiếng Ba Lan, NewsGuard phát hiện ra.

Theo tình báo Hoa Kỳ, Nga đã tìm cách ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, tin rằng ông sẽ làm giảm sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine và có lẽ là liên minh NATO. Tổng thống sắp nhậm chức đã ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, chỉ trích viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine và NATO cũng như hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ, những bình luận dường như cho thấy ông sẽ gây sức ép buộc Ukraine giao nộp lãnh thổ hiện do Nga chiếm đóng.

Để trả lời các câu hỏi về vai trò của Nga trong việc phát tán thông tin xuyên tạc về Ukraine, một phát ngôn viên của Tòa đại sứ Nga tại Washington đã nhắc đến các tuyên bố trước đây bác bỏ mọi sự liên quan.

Trong thời gian còn lại, chính quyền Biden đã thúc giục Ukraine nhanh chóng tăng quy mô quân đội bằng cách tuyển thêm quân và đã tăng cường các chuyến hàng vũ khí trong khi xóa hàng tỷ đô la tiền vay cho Kyiv. Cho đến nay, Tòa Bạch Ốc đã thúc đẩy hơn 56 tỷ đô la viện trợ an ninh cho Ukraine và dự kiến sẽ gửi thêm hàng tỷ đô la nữa trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào ngày 20 tháng 1 năm 2025.

Ông Joshua Tucker, giáo sư Đại học New York và chuyên gia về Nga, người nghiên cứu về thông tin xuyên tạc trực tuyến, cho biết động cơ của Nga khi cố gắng cắt đứt nguồn cung cấp viện trợ đó là điều dễ hiểu. Ông nói điều khó đánh giá hơn là hiệu quả của thông tin xuyên tạc của Nga, đặc biệt là trên các nền tảng truyền thông xã hội vốn đã tràn ngập những tuyên bố sai sự thật, kỳ quặc và bị vạch trần.

Một lý do khiến Nga có thể tiếp tục tung tin xuyên tạc nhắm vào người Mỹ là do các hoạt động như vậy tương đối dễ dàng và dễ chi trả so với các giải pháp thay thế về ngoại giao hoặc quân sự.

Ông Tucker cho biết Nga có thể coi tin xuyên tạc là một phần trong nỗ lực dài hạn nhằm làm suy yếu vị thế lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ bằng cách chia rẽ người dân và làm suy yếu sự ủng hộ đối với các định chế của nước này. Ông nói dù chủ đề là di trú, chính phủ, nền kinh tế Hoa Kỳ hay chiến tranh ở Ukraine thì mục tiêu vẫn như vậy và vượt ra ngoài một chu kỳ bầu cử hoặc một ứng cử viên.

Ông Tucker cho biết “Tôi nghĩ rằng điều mà họ thực sự hy vọng là một kết quả gây tranh cãi với rất nhiều người xuống đường, cho rằng cuộc bầu cử không hợp pháp”.

Tuy nhiên, nếu họ không thể có được điều đó, các cơ quan thông tin xuyên tạc của Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy các câu chuyện mà họ tin rằng sẽ kích động người Mỹ và tăng cơ hội của họ ở Ukraine, ông Tucker nói.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG