Việc chuyển giao quyền lực từ cha sang con dự kiến diễn ra vào cuối tháng tới sau khi Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền lâu năm của ông mở rộng quyền lực bằng cách giành được 120 trong số 125 ghế tranh cử trong cuộc bỏ phiếu hôm 23/7.
Đó là kết quả không thể khác đi đối với một cuộc bầu cử quốc gia được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả là “không tự do cũng không công bằng” sau khi Đảng Ánh nến đối lập, hay CLP, bị loại, và việc đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập và những người bất đồng chính kiến chống lại nhà cầm quyền chuyên chế.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Hoa Kỳ đã thi hành các bước để áp đặt các hạn chế về visa “đối với những cá nhân phá hoại nền dân chủ” và đã “tạm dừng một số chương trình viện trợ nước ngoài” đối với Campuchia. Các quốc gia khác, bao gồm Úc và những nước thuộc Liên hiệp Châu Âu, cũng đã chỉ trích quá trình bầu cử tại Campuchia.
Các nguồn tin cho biết con trai cả của ông Hun Sen, Hun Manet, sẽ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào ngày 29 tháng 8, khi Quốc hội dự kiến họp, sau khi ông Hun Sen, 70 tuổi, chấm dứt đồn đoán về thời điểm ông sẽ từ chức.
“Tôi tin rằng Manet có khả năng hơn tôi,” ông Hun Sen nói với Phoenix TV của Trung Quốc hôm 20/7. “Tôi là người hy sinh lớn nhất. Ngay bây giờ, tôi có quyền lực tuyệt đối, nhưng trong khoảng một tháng nữa, tôi sẽ không có quyền ký bất kỳ đạo luật nào như đang làm hiện nay.”
Đảng bảo hoàng Funcinpec đã cải thiện vị thế của mình và chấm dứt tình trạng quốc gia độc đảng cho Campuchia. Nhưng với chỉ năm ghế trong Quốc hội, ảnh hưởng của đảng sẽ rất nhỏ, trong khi mỗi đảng trong số 16 đảng nhỏ khác có thể thu được khoảng một phần trăm tổng số phiếu bầu.
“Kể từ cuộc bầu cử năm 1998, phe đối lập đã bị đánh bại và sau đó việc này tăng cường. Cuộc bầu cử này chỉ là bản sao của cuộc bầu cử trước, tôi gọi đó là cuộc bầu cử quá dễ ăn,” ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Úc, cho biết.
Ông Thayer nói cuộc sống ở Campuchia và các mối quan hệ đối kháng với phương Tây và Hoa Kỳ dự kiến sẽ không được cải thiện dưới sự lãnh đạo của ông Hun Manet, 45 tuổi, bất chấp lý lịch của ông. Ông Hun Manet tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point và có bằng Tiến sĩ tại Đại học Bristol của Anh.
Ông Hun Sen được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Campuchia và tiếp tục phát huy ảnh hưởng của mình thông qua vị trí cấp cao trong bộ chính trị và với tư cách là chủ tịch CPP. Ông Hun Sen cũng cho biết ông muốn cháu trai mình trở thành thủ tướng vào những năm 2030.
Các bộ trưởng nội các cấp cao cũng được cho là sẽ trao quyền cho con trai của mình, đảm bảo tầng lớp chính trị Campuchia, giới tinh hoa kinh doanh cầm quyền và mối quan hệ chặt chẽ của Phnom Penh với Bắc Kinh không thay đổi.
Ông Thayer nói: “Nếu ông Hun Sen 90% thân Trung Quốc, thì ông Hun Manet có thể là khoảng 85%.”
Ông Bradley Murg, nghiên cứu viên cao cấp xuất sắc của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, cũng cùng quan điểm. Ông Murg cho rằng sẽ có rất ít thay đổi dưới thời ông Hun Manet, người cũng là tướng bốn sao và là Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Điều đó cũng có nghĩa là các vấn đề từ việc Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Ream trên bờ biển phía nam, và việc bỏ tù các nhà hoạt động chính trị bao gồm cựu lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha, thành viên công đoàn Chhim Sithar và luật sư người Mỹ gốc Khmer Theary Seng, sẽ vẫn còn.
Hoa Kỳ đã kêu gọi trả tự do cho họ và vào ngày 13 tháng 7, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên hiệp quốc đã phát hiện ông Theary Seng – bị kết tội phản quốc và bị bỏ tù 6 năm vì hai bài đăng trên Facebook – đã bị “bắt giữ tùy tiện vi phạm luật pháp quốc tế”.
Ngày Bầu cử lặng lẽ trôi qua sau chiến dịch tranh cử mờ nhạt không có Đảng Ánh nến CLP. Một nhà văn 29 tuổi ở Phnom Penh cho biết: “Không thú vị bằng cuộc bầu cử cách đây một thập niên khi chúng tôi có một phe đối lập điều hành chiến dịch tranh cử của họ và có rất nhiều người tham gia.”
“Cho dù có thủ tướng mới hay chúng ta giữ nguyên thủ tướng cũ, sẽ chẳng có sự khác biệt,” ông nói.
Một thư ký 27 tuổi nói thêm: “Không có vấn đề gì ở điểm bỏ phiếu của tôi… Tôi nghĩ ông Hun Manet đã được giao một nhiệm vụ khó khăn, với quyền lãnh đạo được truyền cho thế hệ tiếp theo và có thể không dễ nắm giữ, nhưng tôi tin rằng ông ấy có thể làm được. Có thể mất nhiều thời gian để định hướng.”
An ninh được thắt chặt với 100.000 cảnh sát và nhân viên an ninh được triển khai trên khắp đất nước trong bối cảnh chính phủ lo ngại về một cuộc tẩy chay do phe đối lập gây ra và biểu tình phản đối bỏ phiếu thông qua các lá phiếu bất hợp lệ.
Đến đầu ngày 24/7, Ủy ban Bầu cử Quốc gia tuyên bố 440.000 phiếu bầu không hợp lệ đã được kiểm, so với 590.000 vào năm 2018. Tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 84,58%, cao hơn một chút so với 83,2% cử tri đã đăng ký 5 năm trước.
Bà Astrid Noren-Nilsson là giảng viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông và Đông Nam Á tại Đại học Lund của Thụy Điển. Bà Noren-Nilsson nói với VOA rằng ông Hun Manet đã giữ một vị thế thấp trong suốt chiến dịch tranh cử và giờ đây sẽ làm việc để duy trì tính liên tục.
“Tôi nghĩ rằng Campuchia đang dần trở nên quen với các cuộc bầu cử không có cạnh tranh và có kỷ luật, thực sự trở thành một điều bình thường mới đang diễn ra trong tương lai gần,” bà nói.
Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và các nước phương Tây khác từ chối cử quan sát viên tới cuộc bầu cử, cho rằng cuộc bầu cử thiếu các điều kiện để được coi là tự do và công bằng. Nga và Trung Quốc nằm trong số những nước đã cử quan sát viên.
Cuối ngày 23/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ đã “thực hiện các bước” để áp đặt các hạn chế về visa “đối với những cá nhân phá hoại nền dân chủ và thực hiện việc tạm dừng các chương trình viện trợ nước ngoài” sau khi xác định cuộc bầu cử này là “không tự do cũng như không công bằng”.
Ông Michael Greenwald, phát ngôn viên của Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh, ngày 24/7 nói các hạn chế visa sẽ được áp dụng đối với những người liên quan đến “đe dọa và quấy rối phe đối lập chính trị, truyền thông và xã hội dân sự” nhưng ông không chỉ định ai hoặc bao nhiêu cá nhân sẽ bị nhắm vào.
Tương tự, ông không nói chi tiết về phạm vi của việc tạm dừng các chương trình viện trợ nước ngoài, chỉ nói rằng nó liên quan đến “một số” hoạt động mới và lưu ý rằng Hoa Kỳ đã đóng góp khoảng 3 tỷ đô la cho các chương trình trong 30 năm qua.
Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi CPP sử dụng nhiệm kỳ mới để khôi phục “nền dân chủ đa đảng thực sự”.
Nhóm vận động khu vực Nghị viện ASEAN vì Nhân quyền kêu gọi tất cả các nền dân chủ trên thế giới hãy lên án cuộc bầu cử tại Campuchia.
(Nguồn: VOA/AP)
Diễn đàn