Đường dẫn truy cập

Tại sao các nước lo lắng về xung đột Sudan?


Khói bốc lên từ Khartoum, Sudan, gần Bệnh viện Quốc tế Doha, ngày 21/4/2023.
Khói bốc lên từ Khartoum, Sudan, gần Bệnh viện Quốc tế Doha, ngày 21/4/2023.

Xung đột đang diễn ra ở Sudan đang làm náo động các nước láng giềng và khiến Hoa Kỳ cũng như các nước khác lo lắng vì nhiều lý do, từ lo ngại về việc chia sẻ nguồn nước chung của sông Nile và đường ống dẫn dầu cho đến việc thành lập một chính phủ mới và một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới đang hình thành.

Sudan, quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, không xa lạ gì với xung đột. Nhưng lần này giao tranh đang xé nát thủ đô thay vì một góc xa xôi của một quốc gia, nằm trong khu vực bất ổn giáp với Biển Đỏ, Sahel và Sừng châu Phi.

Năm trong số bảy nước láng giềng của Sudan - Ethiopia, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Libya và Nam Sudan - đã phải đối mặt với những biến động hoặc xung đột chính trị trong những năm gần đây.

Cuộc giao tranh nổ ra giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) vào ngày 15/4 tại Khartoum đã làm chệch hướng một kế hoạch được quốc tế ủng hộ để chuyển sang chế độ dân sự sau vụ lật đổ ông Omar al Bashir vào năm 2019, tổng thống Hồi giáo đã tự nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 1989.

Các cuộc xung đột là đối đầu giữa Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu hội đồng cầm quyền của Sudan chỉ huy quân đội, với các lực lượng RSF không chính qui do lãnh đạo dân quân giàu có một thời, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được biết đến với cái tên Hemedti, phó của ông Burhan trong hội đồng.

Nguy cơ nào cho các nước trong khu vực?

Ai cập - Lịch sử của Ai Cập, quốc gia Ả Rập đông dân nhất với quân đội hùng mạnh, và Sudan gắn bó với nhau bởi chính trị, thương mại, văn hóa và chung nguồn nước sông Nile. Cairo đã lo lắng về biến động chính trị ở phía nam kể từ cuộc nổi dậy năm 2019 lật đổ ông Bashir. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, người cũng nhậm chức trong một cuộc thâu tóm quyền lực quân sự, gần gủi với ông Burhan.

Người Sudan cho đến nay là cộng đồng nước ngoài lớn nhất ở Ai Cập, với số lượng ước tính khoảng 4 triệu người, trong đó có khoảng 60.000 người tị nạn và người xin tị nạn.

Ai Cập và Sudan, cả hai đều dựa vào sông Nile để lấy nước ngọt, lo ngại về các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp của họ từ dự án Đập Grand Ethiopian Renaissance (GERD) ở thượng nguồn trên sông Nile Xanh. Hai quốc gia đã nỗ lực điều chỉnh hoạt động của con đập ở Ethiopia. Bất kỳ căng thẳng nào trong quan hệ giữa Khartoum và Cairo đều có thể làm gián đoạn nỗ lực của họ nhằm đạt được một thỏa thuận.

Libya - Lính đánh thuê Sudan và các chiến binh dân quân đã hoạt động tích cực ở cả hai bên của cuộc xung đột dân sự chia cắt Libya sau năm 2011. Trong những năm gần đây, nhiều chiến binh Sudan đã quay trở lại Sudan, góp phần gây căng thẳng ở khu vực Darfur phía tây Sudan, nơi một cuộc xung đột khác đã nổ ra trong nhiều năm và giao tranh vẫn tiếp diễn sau một thỏa thuận với một số nhóm phiến quân vào năm 2020.

Sudan cũng là một điểm khởi hành và một tuyến đường quá cảnh cho những người di cư tìm cách đến châu Âu qua Libya, nơi những kẻ buôn người đã lợi dụng cuộc xung đột và bất ổn chính trị.

Chad - Nước láng giềng phía tây của Sudan là Chad, một quốc gia nghèo có khoảng 400.000 người Sudan phải sơ tán khỏi các cuộc xung đột trước đó, đã chứng kiến thêm khoảng 20.000 người tị nạn đến từ Sudan kể từ khi cuộc giao tranh mới nhất bắt đầu, theo Liên hiệp quốc.

Chad lo lắng về cuộc khủng hoảng tràn qua biên giới đến các khu vực nơi họ tiếp nhận người tị nạn, hầu hết trong số họ đến từ Darfur. Trong cuộc xung đột Darfur, Chad phải đối mặt với các cuộc tấn công xuyên biên giới từ lực lượng dân quân Ả Rập của Sudan, được gọi là Janjaweed, đã biến thành RSF. Những kẻ đột kích đã tấn công những người tị nạn Darfur và dân làng Chad, tịch thu gia súc và giết chết những người chống cự.

Chính phủ Chad cho biết họ đã tước vũ khí của một đội gồm 320 lực lượng bán quân sự tiến vào lãnh thổ của họ hôm 17/4.

Chad cũng lo lắng rằng các nhà thầu quân sự tư nhân thuộc Tập đoàn Wagner của Nga ở nước láng giềng Cộng hòa Trung Phi, được cho là có quan hệ chặt chẽ với RSF, có thể hỗ trợ phiến quân Chad đe dọa chính phủ của ông N’djamena.

Wagner phủ nhận có bất kỳ hoạt động nào ở Sudan.

Các nước Ả Rập trong vùng Vịnh - Các nhà sản xuất dầu mỏ giàu có Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ lâu đã tìm cách định hình các sự kiện ở Sudan, coi việc chuyển đổi từ sự cai trị của ông Bashir là một cách để đẩy lùi ảnh hưởng của Hồi giáo và ổn định khu vực.

Các nhà đầu tư từ cả hai quốc gia có thỏa thuận đầu tư vào một loạt dự án từ các dự án nông nghiệp, nơi Sudan nắm giữ tiềm năng to lớn dựa trên các khu vực được tưới tiêu rộng lớn, đến một hãng hàng không và các cảng chiến lược trên bờ Biển Đỏ.

Nam Sudan - Nam Sudan, đã tách khỏi Sudan vào năm 2011 sau cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập niên, xuất khẩu sản lượng dầu 170.000 thùng mỗi ngày thông qua một đường ống dẫn qua nước láng giềng phía bắc.

Các nhà phân tích nói rằng không bên nào trong cuộc xung đột ở Sudan có lợi ích trong việc làm gián đoạn các dòng chảy đó nhưng chính phủ Nam Sudan cho biết trong tuần này giao tranh đã cản trở các liên kết vận chuyển và hậu cần giữa các mỏ dầu và Cảng Sudan.

Sudan cũng có 800.000 người tị nạn Nam Sudan. Bất kỳ sự trở lại hàng loạt nào cũng có thể gây thêm căng thẳng cho những nỗ lực cung cấp viện trợ quan trọng cho hơn 2 triệu người phải di dời ở Nam Sudan, những người đã rời bỏ nhà cửa của họ trong nước vì xung đột dân sự.

Ethiopia - Các cuộc giao tranh thường xuyên bùng phát dọc theo các khu vực tranh chấp ở biên giới của Sudan với Ethiopia. Các nhà phân tích cho rằng một trong hai bên có thể lợi dụng tình trạng bất ổn ở Sudan để đạt được mục tiêu của mình.

Khi chiến tranh nổ ra ở khu vực phía bắc Tigray của Ethiopia vào năm 2020, căng thẳng nổi lên ở biên giới Al-Fashqa màu mỡ nhưng đầy tranh chấp và đẩy hơn 50.000 người tị nạn Ethiopia đến các khu vực vốn đã nghèo khó ở phía đông Sudan.

Ethiopia cũng sẽ theo dõi các diễn biến do căng thẳng liên quan đến đập GERD trị giá 4 tỷ đô mà Sudan cho rằng có thể gây ra mối đe dọa đối với các đập sông Nile và người dân của họ.

Eritrea - Sudan tiếp đón hơn 134.000 người tị nạn và những người xin tị nạn từ Eritrea và là con đường chính để người Eritrea chạy trốn khỏi chế độ cưỡng bức nhập ngũ dưới chế độ đàn áp của chính phủ Asmara.

Nhiều người tị nạn Eritrea ở miền bắc Ethiopia đã chạy trốn khỏi trại của họ trong cuộc chiến tranh Tigray từ năm 2020 đến năm 2022. Người tị nạn Eritrea ở Sudan có thể đối mặt với hoàn cảnh tương tự nếu bất kỳ cuộc xung đột nào bên ngoài Khartoum leo thang.

Các cường quốc thế giới có mối quan tâm gì?

Nga - Moscow, từ lâu tìm kiếm các cảng nước ấm cho hải quân của mình, đã đạt được một thỏa thuận với ông Bashir để Sudan thành lập một căn cứ hải quân và các nhà lãnh đạo quân sự của Sudan cho biết điều này vẫn đang được xem xét. Năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn việc thành lập một cơ sở hải quân của Nga ở Sudan có khả năng neo đậu các tàu nổi chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Các nhà ngoại giao phương Tây tại Khartoum cho biết vào năm 2022 rằng Tập đoàn Wagner của Nga đã tham gia vào hoạt động khai thác vàng trái phép ở Sudan và đang lan truyền thông tin sai lệch. Hai năm trước đó, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai công ty hoạt động ở Sudan có liên quan đến ông chủ của Wagner, Yevgeny Prigozhin.

Trong một tuyên bố vào ngày 19 tháng 4, Wagner phủ nhận việc họ đang hoạt động ở Sudan, nói rằng nhân viên của họ đã không ở đó hơn hai năm và nói rằng họ không có vai trò gì trong cuộc giao tranh mới nhất.

Vào tháng 2 năm 2023, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp các quan chức ở Sudan trong chuyến công du châu Phi nhằm tìm cách mở rộng ảnh hưởng của Moscow vào thời điểm các quốc gia phương Tây đang tìm cách cô lập Moscow bằng các chế tài vì nước này xâm lược Ukraine.

Hoa Kỳ và phương Tây - Hoa Kỳ, giống như các cường quốc phương Tây khác, rất hài lòng khi loại bỏ được ông Bashir, người bị Tòa án Hình sự Quốc tế buộc tội diệt chủng và tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột Darfur.

Nhưng những người chỉ trích nói rằng Washington đã chậm chạp trong việc chuyển đổi sang các cuộc bầu cử. Hy vọng về nền dân chủ của người Sudan đã tan vỡ khi ông Burhan và ông Hemedti tổ chức một cuộc đảo chính vào năm 2021.

Cuộc giao tranh mới nhất dự kiến sẽ làm hỏng bất kỳ sự trở lại nhanh chóng nào đối với chế độ dân sự nếu cả hai đối thủ ở Khartoum đều không thể hiện sự sẵn sàng thỏa hiệp.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG