Đường dẫn truy cập

Vì sao Cuộc chiến Việt Nam nóng trở lại trên báo Hoa Kỳ?


Bức tường tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam. Hình minh họa.
Bức tường tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam. Hình minh họa.

Những ngày vừa qua Cuộc chiến Việt Nam xuất hiện nhiều trên truyền thông Hoa Kỳ dù không trùng vào dịp kỷ niệm lớn nào.

Một trong những lý do là các ứng viên cho cuộc Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào năm sau đều bị báo chí soi vì không ai trong số họ từng đi lính ở Việt Nam dù khi đó họ thuộc độ tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự.

Tổng thống Trump được hoãn quân dịch vì đang học dở dang và sau đó có giấy của bác sỹ chứng nhận bị gai xương gót chân. Tuy nhiên con gái của bác sỹ viết giấy chứng nhận đó từng nói cha cô viết giấy vì quen thân phụ của ông Trump.

Thượng nghị sỹ của Đảng Dân chủ Tammy Duckworth, người mất cả hai chân khi phục vụ trong quân ngũ ở Iraq, thậm chí gọi ông Trump là “kẻ hèn nhát” vì tìm mọi lý do để không sang Việt Nam hồi cuối những năm 60 và đầu thập niên 70.

Thượng nghị sỹ Duckworth nói như vậy sau khi ông Trump phát biểu với báo chí Anh rằng ông “không thích cuộc chiến Việt Nam” và cho rằng Hoa Kỳ đáng ra không nên tham chiến ở đó.

Trong phỏng vấn với CNN, vốn được hơn nửa triệu người xem và hàng chục ngàn người tán thưởng, bà Duckworth nói: “Tôi không biết bất cứ ai mặc áo lính, nhất là những người ra trận, lại nói họ thích chiến tranh. Thực ra tôi phản đối Cuộc chiến Iraq nhưng tình nguyện tới đó khi đơn vị của tôi được điều động. Còn vị tổng thống hiện nay đã làm mọi chuyện để không đáp lại lời kêu gọi của đất nước. Nếu ông thực sự là người yêu nước, ông đã đáp lại lời kêu gọi của đất nước. Không chỉ một lần mà ông đã trốn quân dịch năm lần liền.”

Bài báo của CNN cũng nói các tổng thống Kennedy, Johnson, Nixon, Ford và George H.W. Bush đều từng tham chiến trong lực lượng hải quân. Tổng thống Reagan và Carter không tham gia chiến đấu nhưng đều tham gia quân ngũ. Trái lại, các Tổng thống Clinton, Obama và Trump không phục vụ trong quân đội ngày nào còn ông George W. Bush cũng tìm cách để khỏi phải đi Việt Nam bằng cách tham gia lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Trong các ứng viên tổng thống cho kỳ bầu cử vào năm 2020, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, ứng viên độc lập, nộp đơn phản đối cuộc chiến Việt Nam và từ chối đi lính cách đây hơn 40 năm nhưng ông cũng đã quá tuổi vào thời điểm tuyển nghĩa vụ. Về sau này ông nói ông chỉ phản đối chính sách chứ không phản đối những người tham chiến.

Ứng viên của Đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden, từng hoãn nghĩa vụ năm lần vì còn đang đi học và sau đó bị loại vì bị hen suyễn, vẫn theo CNN. Hãng truyền hình này cũng cho rằng có thể sẽ không có ai từng tham chiến ở Việt Nam trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Trong khi nhiều người tìm cách để ở lại Hoa Kỳ trong thời gian diễn ra cuộc chiến Việt Nam, New York Times đưa tin về một trường hợp khai tăng tuổi để nhập ngũ và tới Việt Nam chiến đấu. Tờ này dẫn tin của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng Dan Bullock có thể là người lính Mỹ trẻ nhất bị thiệt mạng kể từ Thế Chiến I khi ngã xuống ở tỉnh Quảng Nam hôm 6/6/1969 khi mới 15 tuổi. Tin về kỷ niệm 50 năm ngày người lính trẻ hy sinh đã được hơn 16.000 lượt chia sẻ và hơn 1.000 bình luận trên Facebook.

Một tin khác cũng được hàng ngàn người chia sẻ là thông báo hôm 10/6 của nhà tang lễ ở bang South Carolina chiêu mộ tình nguyện viên tham dự tang lễ của cựu binh Cuộc chiến Việt Nam James Miske. Ông Miske qua đời ở tuổi 75 và không có ai thân thích.

Tháng Sáu này cũng đánh dấu 47 năm ngày ‘Em bé Napalm’ Phan Thị Kim Phúc bị bom Napalm đốt cháy quần áo và gây bỏng nặng hôm 8/6/1972. Video về bà Kim Phúc nhân dịp này cũng thu hút hàng chục ngàn phản ứng trên trang Facebook mang tên Brut, trang chuyên về các video thời sự ngắn. Video nói hồi năm 1996 bà Kim Phúc đã tới dự và phát biểu nhân Ngày Cựu binh Hoa Kỳ tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, vốn là bức tường ghi tên hơn 58.000 lính Hoa Kỳ không trở về sau cuộc chiến.

Bản sao của bức tường này hiện vẫn đang trên đường đi vòng quanh Hoa Kỳ. Hồi đầu tháng Sáu bức tường đã tới bang Colorado. Bang Ohio sẽ là một trong những điểm dừng chân sắp tới của bức tường ghi nhớ hàng triệu lính Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam và hàng chục ngàn người tử trận.

Năm 2020 sẽ đánh dấu 45 năm ngày Cuộc chiến Việt Nam kết thúc nhưng những bàn cãi về cuộc chiến này sẽ vẫn còn kéo dài trong nhiều năm tới đây.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG