Trong lúc xuống xe xuất trình giấy tờ cho công an trên đoạn đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, một tài xế lái xe thuê cho chủ chiếc Lexus biển số “tứ quý” 8888 đã bị một xe tải cùng chiều cán chết, còn viên công an bị thương và vẫn đang nằm viện. Vụ tai nạn đang gây xôn xao dư luận và làm dấy lên tranh cãi quanh “thói quen” dừng xe trên đường cao tốc của công an Việt Nam.
Truyền thông trong nước phỏng vấn những người chứng kiến vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường cao tốc thuộc xã Bắc Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết chiếc xe Lexus mang biển số 20L-8888 đã bị cảnh sát giao thông dừng lại vào khoảng 3 giờ chiều ngày 15/9.
Trong lúc tài xế Nguyễn Việt Hùng đậu xe vào làn đường khẩn cấp và xuống xe để xuất trình giấy tờ cho công an, một chiếc xe tải container cùng chiều đã tông vào cả hai người khiến tài xế Hùng tử vong, còn viên cảnh sát bị thương nặng và đang được chữa trị tại bệnh viện Việt Đức, theo Tin tức 24h.
Thông tin về vụ tai nạn đang được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến nhiều người dân bức xúc về thói quen dừng xe trên đường cao tốc của công an, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
“Việc những người thi hành công vụ, bao gồm cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến đường cao tốc, mà chủ yếu là tuần lưu-kiểm tra giám sát giao thông nếu có trục trặc thì ứng phó kịp thời, là một nhiệm vụ rất vất vả. Tuy nhiên, việc tiến hành dừng đỗ trên đường thực sự tạo ra nguồn nguy hiểm cao độ cho tất cả mọi người, trong đó có người tham gia giao thông và bản thân những người làm công tác”, Luật sư Trương Anh Tú nhận định với VOA từ Hà Nội.
Người dân địa phương nói với tờ Zing rằng khu vực xảy ra tai nạn là địa điểm cảnh sát giao thông thường “lập chốt” kiểm tra, ngay cả vào ban đêm.
Trong lúc một số ý kiến trên mạng chỉ trích việc dừng xe trên đường cao tốc của cảnh sát là để dễ “kiếm bánh mì” (từ lóng để chỉ việc vòi tiền của cảnh sát), thì nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu cảnh sát giao thông có quyền dừng xe tham gia giao thông trên tuyến đường quy định tốc độ cả trăm km/giờ hay không.
Trả lời trên infonet, LS. Diệp Năng Bình-Đoàn Luật sư TPHCM, nói rằng cảnh sát giao thông được phép dừng các phương tiện tham gia giao thông để kiểm soát và xử lý vi phạm, nhưng phải tuân thủ quy định “đón ở chỗ được phép dừng đỗ, sau đó mới ra lệnh dừng và phải dừng xe theo đúng quy định”.
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh nói với VOA rằng theo quy định ở nhiều nước, trong đó có Canada, cảnh sát giao thông được phép dừng xe vi phạm trên cao tốc, nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt.
Nhận xét về thực tế việc điều khiển, giám sát giao thông tại Việt Nam, LS. Khanh cho rằng dễ thấy sự “bất cẩn” của đội ngũ công lực khi không đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu.
Ông nói: “Điều quan trọng trước nhất là bất cứ nhân viên công lực nào cũng cần phải đảm bảo không những tính mạng và tài sản của người bị chặn xe, mà cả tính mạng và tài sản của người đang thi hành công vụ”.
Ngoài việc thiết kế làn đường đảm bảo an toàn cho việc dừng đỗ xe, LS. Khanh nói: “Ở tất cả các nước khác cũng như tại Canada, người lái xe không được ra khỏi xe khi chưa có lệnh của nhân viên công lực. Khi cảnh sát dừng xe, họ chỉ ngồi trong xe và chờ. Khi nhân viên công lực nhìn thấy đã đủ điều kiện an toàn, thì họ mới tới để gặp người lái xe và yêu cầu xuất trình giấy tờ và thông báo về vi phạm của họ”.
Tại Mỹ, khi dừng xe vi phạm, cảnh sát luôn đậu chiếc xe đang chớp đèn của mình phía sau xe vi phạm. Nhờ vậy, các phương tiện tham gia giao thông đều có thể nhìn thấy từ rất xa việc xử lý vi phạm của cảnh sát.
Từ vụ tai nạn, LS. Vũ Đức Khanh cho rằng “Đây là bài học cho Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an để nhìn lại và lấy an toàn của người tham gia giao thông là tiêu chí đầu tiên khi đưa ra các quy định, cũng như trong việc điều hành, giám sát, thực hiện Luật Giao thông”.
Zing dẫn nguồn tin từ một đại diện của Cục Cảnh sát Giao thông hôm 19/8 cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã thụ lý vụ việc và đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân.