Lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại đề cập đến... “đột phá” và... “kỳ tích”. Lần này, điểm... “đột phá” là Hưng Yên và nhân vật bày tỏ hy vọng, khuyến khích Hưng Yên tạo ra... “kỳ tích sông Hồng” là ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Cộng hòa XHCN Việt Nam [1].
Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc - tiền nhiệm của ông Chính – thường xuyên khuyến khích các ngành, các địa phương trở thành... “đầu tàu” và việc hỗ trợ các ngành, các địa phương trở thành... “đầu tàu” vừa là chủ trương, vừa là nền tảng để hoạch định chính sách từ khi ông Phúc làm Thủ tướng cho đến lúc trở thành Chủ tịch Nhà nước thì ông Chính – nhân vật kế nhiệm – lại rất yêu... “đột phá”. Không chỉ động viên các ngành, các địa phương... “đột phá”, ông Chính còn khuyên các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam (FDI) tham gia “đột phá” nếu muốn phát triển tại Việt Nam [2]. Thậm chí ông Chính còn đề nghị những quốc gia khác nên cùng Việt Nam... “đột phá” [3]!
Hiện trạng kinh tế - xã hội Việt Nam mươi năm vừa qua cho thấy các chủ trương, chính sách trong việc tạo ra vô số... “đầu tàu” cùng kéo đoàn tàu Việt Nam vươn tới “bốn phương, tám hướng” nên không những không thể nhúc nhích mà còn... “trật khỏi đường ray” tạo ra hậu quả càng ngày càng nghiêm trọng!
Đó có thể cũng là lý do Thủ tướng đương nhiệm liên tục nhấn mạnh phải có... “giải pháp đột phá, xoay chuyển tình thế” [4]. Ngoài việc khẳng định các địa phương phải có “tư duy đột phá” như Hưng Yên trong “quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024”, ông Chính còn yêu cầu cả khu vực (ví dụ như Đông Nam bộ)... “tăng tốc đột phá” [5]. Nếu chịu khó theo dõi, hẳn sẽ nhận ra... “đột phá” trở thành phần không thể thiếu trong tư duy của ông Chính. Ông muốn “đột phá” trong mọi lĩnh vực, từ “tư duy đột phá chiến lược” về thể chế [6], đến nhà ở cho công nhân [7]...
Do “đột phá” hiện là then chốt nên cần so với “đầu tàu” cả về hiệu quả lẫn triển vọng...
***
Cùng với “tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu” và “đối ngoại, hội nhập đạt những thành tựu lịch sử”, việc “phát triển hệ thống cao tốc” cũng được xem là “dấu ấn nổi bật của Việt Nam năm 2023” nhờ “đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông” [8]. Ông Chính là người tạo ra “dấu ấn nổi bật” ấy!
Cũng trong năm 2023, Bộ Công an Việt Nam gửi cho Bộ GTVT một văn bản, đề nghị hạ cấp cao tốc Cam Lộ - La Sơn vì “cao tốc” ấy chỉ tương đương “đường cấp ba đồng bằng”, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) “khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc”.
Sau văn bản vừa đề cập, hai bộ được yêu cầu cùng khảo sát cả cao tốc Cam Lộ - La Sơn lẫn 11 tuyến cao tốc khác và... “Phát hiện bảy đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế... Trên tuyến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ va chạm khác” [9]... Có thể vì hạ cấp “cao tốc” thành “đường cấp ba đồng bằng” làm giảm số lượng và ấn tượng về “dấu ấn nổi bật” nên chính phủ nhất trí không làm gì cả!
Khoảng bốn tháng sau, hồi trung tuần tháng 2/2024, có thêm ba người trong một gia đình bốn người cùng tử nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn [10]. Dư luận rúng động và trước sự phẫn nộ của công chúng về việc dán nhãn cao tốc cho những tuyến đường thiếu an toàn (hẹp, không có hệ thống chiếu sáng, không có làn dừng khẩn cấp, không có dải phân cách), thiếu tiện nghi (không có trạm nghỉ - nhà vệ sinh),... khiến nhiều người uổng mạng, Bộ GTVT điềm nhiên giải thích, đó là do... cần hoàn thành chỉ tiêu nên hệ thống công quyền nhất trí thực hiện cao tốc theo kiểu “phân kỳ”, chỉ đầu tư vào phần chính để có “cao tốc”, còn phần phụ thì... từ từ mới... tính [11]!
Trước sức ép của dư luận, tháng tư vừa qua, Bộ GTVT công bố một báo cáo, giải thích, muốn nâng cấp các “cao tốc” hiện chỉ có hai làn hoặc bốn làn nhưng thiếu dải dừng xe khẩn cấp, cùng thuộc nhóm cao tốc chưa hoàn chỉnh thì cần phải có hơn 494 ngàn tỉ đồng và đó là điều vừa... “khó khả thi”, vừa “ảnh hưởng mục tiêu hoàn thành 5.000 km cao tốc theo nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra” [12]. Nói cách khác, tuy thừa nhận hệ thống cao tốc hiện nay chưa đạt cả “hiệu quả đầu tư” lẫn “năng lực thông hành” đúng nghĩa và dẫu những yếu tố cốt lõi này cần được “nâng cao” song không thể và cũng không nên nâng bởi đảng đã có “nghị quyết” kèm “chỉ tiêu” cụ thể!
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cách nay vài tuần, ông Phạm Minh Chính khoe “từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành 674 km cao tốc, nâng chiều dài cao tốc lên 2.001 km” và tuyên bố sẽ “phát động phong trào thi đua hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc trước ngày 31/12/2025” [13].
Việt Nam sẽ ra sao khi liên tục... “đột phá” kiểu đó và tạo ra những... “kỳ tích” như thế?
Chú thích
[6] https://www.youtube.com/watch?v=Sjp9EL500aQ&ab_channel=ĐảngvớiDân
[7] https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phai-co-buoc-dot-pha-ve-nha-o-cho-nguoi-lao-dong-post1097661.vov
[11] https://dangcongsan.vn/kinh-te/hoan-thien-cao-toc-theo-quy-mo-phan-ky-658197.html
Diễn đàn