Ở nước Mỹ, một cô gái 14 tuổi đi mất tích; các bản tin trên mạng đăng hình cô lên; cả nước hỏi nhau: Có ai thấy cháu gái ở đâu không? Ai gặp cô cháu lần chót? Có nghi ngờ ai bắt cóc cháu không? Cho tới khi, mấy năm sau, bỗng cô tái xuất hiện; tìm đến sở cảnh sát ở một tiểu bang cách nhà mấy ngàn cây số! Cháu đến nhờ báo tin cho gia đình, chờ được đưa về nhà, được mẹ ôm, khóc thút thít!
Đó là một chuyện gần như “thường ngày” ở nước Mỹ.
Chuyện ở Trung Quốc đặc biệt hơn. Một người đàn ông 57 tuổi bỗng dưng biến mất. Cả nước thắc mắc, lên mạng hỏi nhau, hơn một tháng trời không ai biết ông ta ở đâu. Chỉ gọi tên, không cần đăng hình, vì khuôn mặt ông quen thuộc, ai cũng biết. Một hôm, bỗng dưng, báo, đài của nhà nước loan tin rằng Ban Thường Vụ Quốc hội đã quyết định có người lên thay thế chức vụ của ông.
Nhân vật đó là ông Tần Cương (Qin Gang) nguyên bộ trưởng ngoại giao, mới nhậm chức được nửa năm. Bản tin vắn tắt không giải thích tại sao ông “thất tung,” bị cách chức vì lầm lỗi gì, và ông giờ này ông vẫn ở nhà với vợ hay đã bị bắt giam? Các dấu vết của Tần Cương bị xóa sạch trên mạng tin học của Bộ Ngoại Giao, trong một tháng trời. Không thấy tên, không còn đăng tiểu sử, thành tích, không giữ hình ảnh nào của ông bộ trưởng – như thể con người đó chưa bao giờ có mặt.
Bí Mật! Đảng Cộng sản cầm quyền trong bí mật. Chính quyền thay đổi, hơn 1.4 tỷ dân không cần được báo tin, không cần phải hiểu lý do. Cả guồng máy gần trăm triệu công chức không chịu trách nhiệm trước dân chúng. Họ chỉ chịu trách nhiệm với Đảng. Đúng ra, chỉ chịu trách nhiệm với một người: Tập Cận Bình.
Khi một ông bộ trưởng ngoại giao biến mất mà cả hệ thống truyền thông im hơi lặng tiếng thì bộ máy tin đồn được khởi động, bàn tán ồn ào. Người ta phao tin rằng ông bộ trưởng mất chức vì đang gian díu với một cô xướng ngôn viên đài truyền hình. Cô này vốn rất hoạt động trên các mạng xã hội, mỗi ngày đều đăng tin cập nhật; bỗng dưng cũng mất hết dấu tích, cùng một thời gian như ông bộ trưởng.
Nhưng ở nước Trung Quốc, quan chức “có mèo” không phải chuyện lạ. Nhà nước kiểm soát hết hệ thống truyền thông, sẵn sàng cắt bỏ những tin tức bất lợi cho các lãnh tụ.
Năm 2021, cô Bành Soái (Peng Shuai,彭帅), một đấu thủ quần vợt 35 tuổi, đã viết trên mạng tố cáo cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), là người phụ trách các môn thể thao, đã cưỡng ép cô suốt mười năm trời không thoát được. Lời cáo giác xuất hiện trên mạng Weibo, giống như Twitter ở Mỹ, chỉ trong vòng 20 phút lập tức bị cắt bỏ. Bành Soái bỗng nhiên “mất tích” trong mấy tuần. Dư luận xôn xao vì cô đã chiếm nhiều giải lớn; Tổ chức Thế Vận Hội Thế giới phải hỏi thăm, lúc đó mới được gặp cô qua điện thoại. Bành Soái nói, “Không có chi! Không có chi!” Trương Cao Lệ, già gấp đôi tuổi cô, vẫn tiếp tục làm trưởng ban tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2022.
Như thế thì nếu ông bộ trưởng Tần Cương có “vụng trộm” với một cô xướng ngôn viên truyền hình, đó cũng chỉ là một “chuyện nhỏ,” đôi bên thỏa thuận, không ai ép uổng. Vậy tại sao Tần Cương bỗng nhiên phải mất tích?
Chắc chỉ một người biết câu trả lời, là Vương Nghị; được đưa lên nhậm chức tạm thời thay thế Tần Cương.
Địa vị của Vương Nghị cao hơn nhiều bậc. Hiện ông đang đứng đầu Ủy ban Ngoại giao của Trung ương Đảng, nắm quyền giám sát và quyết định chính sách cho Tần Cương thi hành. Ông đã làm bộ trưởng ngoại giao trước đây, cũng từng làm giám đốc Đài Loan Vụ. Nhưng đối với công chúng, không mấy người biết đến ông. Báo, đài, dư luận hầu như chỉ nói đến người thừa hành, quên luôn ông thủ trưởng.
Khuôn mặt của Tần Cương nổi quá, che khuất cả “cấp lãnh đạo” của mình. Tần Cương cao lớn, đẹp trai, có vẻ như đã được Tập Cận Bình ưu ái, cất nhắc.
Khi làm phát ngôn viên bộ ngoại giao, Tần Cương đóng một bộ mặt cứng rắn, bênh vực đến cùng các chính sách của đảng Cộng sản, bác bỏ các lời tố cáo vi phạm nhân quyền, dùng tiền mua chuộc và lấn áp các nước nhỏ. Nhưng các nhà báo quốc tế cũng mô tả một khía cạnh khác của Tần Cương: Hoạt bát, hấp dẫn, có lúc cũng hài hước, dám bước ra ngoài những khuôn khổ bài bản cứng nhắc.
Được Tập Cận Bình nâng lên làm đại sứ ở Washington, Tần Cương có dịp biểu diễn hình ảnh một con người thân thiện, tự tin. Nói tiếng Anh thông thạo, Cương còn biết sử dụng thứ ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu nhất đối với dân Mỹ: Thể thao! Cương tới dự mấy trận đấu bóng chày (baseball); có lần được mời ra ném trái banh khai mạc một trận đấu! Cương “làm ngoại giao” với phong cách quen thuộc của các chính trị gia bản xứ! Sau đó, còn đưa hình ảnh lên Twitter cho mọi người coi.
Một nhà báo đài BBC công nhận Tần Cương có óc thực tế, không tự ái vặt. Một lần hai người nói đến chuyện đội túc cầu của Trung Quốc, một đội banh không làm sao ngóc đầu lên nổi. Nhà báo tỏ ý lạc quan, nói an ủi, “Phải chờ một thời gian!” Tần Cương gạt ngay, nói thẳng sự thật: “Bọn đó vô dụng!”
Khi Tần Cương được đưa từ Washington về Bắc Kinh, thăng lên làm bộ trưởng ngoại giao, nhiều người phỏng đoán Trung Cộng muốn bắt đầu một chính sách mềm dẻo với Mỹ. Nhưng cả guồng máy ngoại giao của Đảng và Nhà nước Cộng sản chưa sẵn sàng chấp nhận. Các quan chức trong bộ ngoại giao có thể còn ganh tị đối với một đồng nghiệp quá nổi bật lại mang một bộ mặt ôn hòa. Họ phải đặt câu hỏi: Đảng có thay đổi chính sách đối với Mỹ hay không?
Vương Nghị là câu trả lời: Không thay đổi.
Tập Cận Bình có thể sủng ái, nâng đỡ Tần Cương; nhưng Vương Nghị có cách lý luận không thể bác bỏ được.
Joe Biden và Tập Cận Bình có hai cơ hội gặp nhau trong năm nay. Nên gặp mặt, khi Tập Cận Bình qua San Francisco họp APEC vào tháng Mười Một sắp tới. Vì cần “bình thường hóa” việc giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hai bên nên xác định rõ ràng, những gì có thể hợp tác và những gì nhất thiết không. Chính phủ Mỹ đã cấm bán các thứ chíp tối tân, cần thiết để cải tiến công nghiệp Trung Quốc. Bắc Kinh đã trả đũa, cấm vận không bán mấy khoáng chất hiếm cho Mỹ, nhưng hậu quả không nặng bằng. Kéo dài tình trạng mập mờ, bất định, vì mỗi bên có thể đánh và trả đòn bất cứ lúc nào, thì giới đầu tư quốc tế không dám bỏ tiền vào Trung Quốc như mươi năm trước đây nữa. Cho nên, Tập Cận Bình cần gặp Joe Biden, cùng quyết định rõ ràng, dứt khoát.
Nhưng trước khi gặp Biden, Tập Cận Bình phải biểu diễn một thái độ cứng rắn, không khoan nhượng. Không nên để cho chính quyền Mỹ nghĩ rằng Bắc Kinh đã thấm mệt, sẵn sàng nhường nhịn! Cho nên, Tần Cương không thích hợp trong lúc này. Một khuôn mặt thân thiện, hòa hợp, đến mức được mời ném banh khai mạc một trận baseball, coi hơi “Mỹ hóa” quá!
Diễn đàn