Đường dẫn truy cập

Tăng trưởng việc làm ở Mỹ giảm mạnh dù nhiều người vẫn tìm việc


Với số ca nhiễm đang giảm dần, các bang và địa phương nới lỏng các hạn chế, các doanh nghiệp đã thêm việc làm trong bốn tháng liên tiếp, Bộ Lao động Mỹ cho biết.
Với số ca nhiễm đang giảm dần, các bang và địa phương nới lỏng các hạn chế, các doanh nghiệp đã thêm việc làm trong bốn tháng liên tiếp, Bộ Lao động Mỹ cho biết.

Các nhà tuyển dụng ở Mỹ chỉ thêm được 266.000 việc làm vào tháng trước, thấp hơn nhiều so với tháng Ba và là dấu hiệu cho thấy một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm đủ lao động trong khi nền kinh tế phục hồi nhanh chóng.

Con số việc làm mà Bộ Lao động Mỹ cáo cáo ngày thứ Sáu cho thấy sự phục hồi kinh tế từ suy thoái đại dịch diễn ra nhanh đến mức nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề - đã không kịp chuẩn bị và không thể lấp đầy tất cả các vị trí tuyển dụng của mình, theo AP. Một số người thất nghiệp cũng ngần ngại tìm việc vì sợ nhiễm COVID-19.

Những người khác thì chuyển sang nghề mới thay vì quay trở lại công việc cũ của họ. Và nhiều người phụ nữ, đặc biệt là những người mẹ đang đi làm, đã phải rời bỏ công việc để chăm sóc con cái.

Khắp các ngành nghề, sự sụt giảm mạnh nhất trong tháng trước là ở việc làm tạm thời, với 111.000 việc làm bị mất đi. Các công ty xây dựng không thêm việc làm trong tháng Tư sau khi thêm 97.000 vào tháng Ba. Ngành sản xuất mất 18.000 việc làm sau khi thuê mướn 54.000 người vào tháng trước. Ngành vận tải và kho bãi cắt giảm 74.000 việc làm sau nhiều tháng tăng trưởng vững chắc.

Trái lại, nhà hàng, khách sạn và địa điểm vui chơi giải trí - những doanh nghiệp mà gần đây phàn nàn nhiều nhất về tình trạng thiếu nhân công - đã thêm 331.000 việc làm trong tháng Tư, thậm chí nhiều hơn mức tăng 206.000 của họ trong tháng Ba.

Với số ca nhiễm đang giảm dần, các bang và địa phương nới lỏng các hạn chế, các doanh nghiệp đã thêm việc làm trong bốn tháng liên tiếp, Bộ Lao động cho biết. Nhưng khi ngày càng nhiều người bắt đầu tìm việc, càng nhiều người được xếp vào diện thất nghiệp: trong tháng Tư, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 6,1% so với 6% hồi tháng Ba.

Đối với những doanh nghiệp đã thuê mướn đủ nhân công, tình hình kinh doanh vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc dù những biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã được nới lỏng.

Bà Tô Ngọc Huệ, chủ nhà hàng Hủ Tiếu Mì Lacay Chợ Lớn bên ngoài thủ đô Washington, nói tình hình kinh doanh vẫn trong trạng thái cầm chừng hơn năm tháng sau khi nhà hàng của bà được mở cửa lại vào cuối năm ngoái.

Bà cho biết tất cả nhân viên đều đã quay trở lại làm việc nhưng lượng khách đến quán chỉ bằng 50% so với trước dịch. Bà cho rằng điều này có thể xuất phát từ sự e ngại dịch bệnh của nhiều người sau hơn một năm không ra ngoài ăn uống.

Dù vậy bà vẫn phải cố gắng duy trì hoạt động của nhà hàng để có thể chi trả tiền thuê mướn mặt bằng.

"Tình hình nó như vậy thì mình phải ráng nhưng mà khá hơn trước một chút là bây giờ đã mở cửa tương đối nhiều, ngày xưa chỉ có 25% thôi, bây giờ thì được 50%," bà nói, nhắc tới quy định của giới hữu trách hạn chế số lượng thực khách ăn uống bên trong các nhà hàng để ngăn ngừa virus lây lan.

"Ảnh hưởng thì đương nhiên nó ảnh hưởng rồi," bà nói về tác động của các hạn chế này đối với hoạt động kinh doanh. "Miễn mình có tiền trả tiền nhà cho chủ nhà, tiền trả tiền lương cho thợ, không có bị lỗ vốn là được rồi."

"Lượng người đi chích ngừa cũng đông rồi, hơn nữa cũng đã mở cửa lại rồi nên tương lai tôi hy vọng là tình hình buôn bán sẽ tốt hơn vào mùa hè này."

Lạc quan về sự phục hồi kinh tế đang tăng lên. Nhiều người Mỹ có thêm tiền sau khi nhận được ngân phiếu cứu trợ liên bang trị giá 1.400 đô la, cùng với tiền tiết kiệm mà họ tích cóp được sau khi cắt giảm chi phí đi lại, giải trí và ăn uống bên ngoài trong năm qua. Hàng triệu người tiêu dùng đã bắt đầu chi thêm tiền cho các bữa ăn tại nhà hàng, vé máy bay, các chuyến đi đường dài, xe hơi và nhà mới, AP cho biết.

Hầu hết các nhà kinh tế đều kì vọng tăng trưởng việc làm sẽ tăng lên khi thêm nhiều người được tiêm chủng và hàng ngàn tỉ đô la tiền cứu trợ của chính phủ lan tỏa khắp nền kinh tế. Ngay cả khi số ca COVID-19 có tăng lên đi nữa thì các nhà phân tích cũng không cho rằng hầu hết các bang và thành phố sẽ tái áp đặt những hạn chế kinh doanh nghiêm ngặt.

"Việc thuê mướn lao động trồi sụt như vậy có nghĩa là sự hồi phục của thị trường việc làm có thể gian nan hơn là kì vọng," Leslie Preston, một nhà kinh tế tại Economics được AP dẫn lời nói.“Chúng tôi tiếp tục kì vọng rằng với tiền kích thích kinh tế của chính phủ và việc tiêm ngừa vaccine đang tiếp diễn giúp thỏa mãn nhu cầu bị dồn ứ, việc thuê mướn lao động sẽ trở lại tốc độ vững chắc hơn trong những tháng tới.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG