Đường dẫn truy cập

Tập Cận Bình giấc mộng bất thành


Nền Túc cầu Trung Quốc lẹt bẹt không sao ngóc đầu lên nổi trên sân banh thế giới.
Nền Túc cầu Trung Quốc lẹt bẹt không sao ngóc đầu lên nổi trên sân banh thế giới.

Các đội banh đều tuân lệnh. Trận nào họ cũng đưa một cầu thủ dưới 23 tuổi ra sân. Một phút sau, cho anh bạn trẻ ra ngoài. “Lãnh đạo” bèn sửa lệnh: Phải có một cầu thủ dưới 23 tuổi trong suốt trận đấu!

Ông Tập Cận Bình có một giấc mộng nhỏ. Giấc mộng lớn của ông, “Trung Quốc Mộng” là đưa nước Trung Quốc lên hàng cường quốc số một về kinh tế và quân sự. Giấc mộng nhỏ, ông từng nói rõ ràng, là có ngày nước của ông sẽ đứng ra tổ chức Túc Cầu Thế Giới (World Cup), hoặc đội tuyển Trung Quốc chiếm giải vô địch. “Em ơi nếu mộng (nhỏ) không thành thì sao?” Tập Cận Bình phải ra tay cứu: Bài trừ tham nhũng!

Lệnh ban ra: Chủ tịch Hiệp hội Túc cầu Trung Quốc, kiêm phó thư ký đảng ủy, mới bị cất chức, tống giam để điều tra, sau khi đứng đầu từ năm 2019. Ngày 14 tháng Hai, cơ quan thể thao của nhà nước cho biết ông Trần Tất Nguyên (陈戌源), từng làm phu bến tàu Thượng Hải, đã “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp.” Trong ngôn ngữ quen dùng của Cộng sản Trung Quốc, đó là tội tham nhũng. Năm ngoái, huấn luyện viên trưởng tức ông bầu của đội banh toàn quốc đã bị vô tù vào tháng 11. Lý Thiết (李铁,Li Tie), 45 tuổi đã từng đấu cho Everton của Liverpool, nước Anh, khi còn tuổi 20. Tháng Giêng 2023, hai viên chức cao cấp của hội Túc cầu, kể cả tổng thư ký, cũng bị bắt.

Dân Trung Quốc không ngạc nhiên khi nghe tin các vụ bắt bớ trên; có lẽ họ chỉ ngạc nhiên hỏi nhau tại sao đến bây giờ mới bắt. Nền Túc cầu Trung Quốc lẹt bẹt không sao ngóc đầu lên nổi trên sân banh thế giới. Trung Quốc đông dân nhất thế giới và kinh tế đứng hạng nhì chỉ thua Mỹ. Nhưng đội tuyển quốc gia chỉ được dự vòng chung kết World Cup đúng một lần, năm 2002, và bị loại ngay sau khi thua cả ba trận đấu mà không ghi được một bàn thắng nào. Nguyên nhân chính, ai cũng biết, chỉ vì nạn tham nhũng từ trên xuống dưới.

Bắt đầu từ cấp thấp nhất. Trẻ em muốn được chọn vào đội banh của trường, của làng, thị xã hay thành phố thì cha mẹ phải biết theo thủ tục đầu tiên: Tiền đâu? Được tuyển vào học các trường có huấn luyện đá banh càng tốn tiền hơn. Việc tuyển chọn vào đội banh địa phương nào cũng vậy. Trong tất cả các chặng đường đó, tất nhiên con cháu các đảng viên được ưu đãi. Một chế độ như vậy không thể thắng giải World Cup!

Dân Trung Quốc biết hết. Ngày 17 tháng 6 năm 2013, Đông Phương Vệ Báo ở Nam Kinh tả cảnh các khán giả bao vậy đội túc cầu toàn quốc, hô to: “Giải tán Quốc Túc!” Bữa đó, đội tuyển Trung Quốc thua đội Thái Lan ở vận động trường Hợp Phì, 5-1 trước 20,000 khán giả - sau khi đã thua hai đội Uzbekistan và Hòa Lan rồi.

Năm 2001, trưởng ty thể thao tỉnh Triết Giang đã công khai tố cáo chuyện các tay đánh cá hối lộ trọng tài. Hội Túc Cầu mở cuộc điều tra, cuối cùng chỉ có một trọng tài thú tội và bị tù. Năm 2008, đài truyền hình CCTV của nhà nước chấm dứt không chiếu các trận đá banh nữa.

Nhiều công ty mua các đội banh để quảng cáo cho các món hàng hay dịch vụ mình bán. Nhưng chưa đủ, các vị chủ nhân coi “câu lạc bộ túc cầu” như một đồ chơi của mình, các cầu thủ, huấn luyện viên giống như thủ hạ để sai bảo. Một tay tỷ phú, Chu Quân (朱军,Zhu Jun) mua cổ phần kiểm soát đội banh lớn Thân Hoa (申花) ở Thượng Hải. Trong một trận đấu với đội banh Anh quốc Liverpool năm 2007, Chu Quân, ngoài 40 tuổi, bắt huấn luyện viên phải cho mình ra sân cỏ, chạy loanh quanh 5 phút mới ra ngoài!

Năm 2009, hai đội banh ở Tứ Xuyên và Thanh Đảo đấu với nhau. Mạng The China Story, Trung Quốc Cố Sự kể chuyện: Gần hết hiệp nhì, chủ nhân đội Thanh Đảo bảo các cầu thủ phải chịu thua ngay một bàn, vì ông ta đã đánh cá như vậy. Một cầu thủ vâng lệnh, đá banh thẳng vô lưới nhà, nhưng trái bóng trượt ra ngoài. Cả nước Trung Quốc kể câu chuyện cười này, đặt tên là “Điếu Xạ Môn” (diaoshemen 吊射门), đá ngược cửa!

Chuyện tham nhũng ở Trung Quốc đã được phô bày trước thế giới năm 2008, khi Cảnh sát Quốc tế Interpol ở Singapore ra lệnh bắt người quản lý một đội banh thuộc tỉnh Liêu Ninh về tội gian lận, match-fixing, giàn xếp kết quả trận đấu theo đề nghị của dân đánh cá cược. Anh ta trốn về Trung Quốc, một năm sau cũng bị bắt. Chính phủ Bắc Kinh lập một ủy ban 12 bộ để điều tra nạn tham nhũng, nhưng không đi tới đâu.

Một trọng tài huýt còi nổi tiếng đức tính trung thực ở Trung Quốc, Lục Tuấn (陆俊, Lu Jun), được suy tôn là “Cây còi vàng,” Kim Tiêu. Tháng 12 năm 2011, Lục Tuấn bị ra tòa, thú nhận đã ăn tiền khoảng 700,000 đồng nguyên trong bốn năm. Nhiều người trong đám lãnh đạo Hội Túc Cầu, trọng tài, cầu thủ, huấn luyện viên cũng bị dính vụ này, tổng cộng 33 người. Những đội banh thắng giải nhờ gian lận bị tước mất huy chương.

Giấc mộng nhỏ của ông Tập Cận Bình ngày càng xa vời. Năm 2017, túc cầu Trung Quốc được xếp hạng thứ 77 trên thế giới, ngang hàng với Curaçao, một cựu thuộc địa của Hòa Lan diện tích rộng 444 km2, với dân số 158,665 người. Năm 2022, đội tuyển Curaçao tụt xuống hàng 88 còn Trung Quốc đứng hàng thứ 80!

Với hình ảnh không có gì đáng hãnh diện cho một cường quốc, dân Trung Hoa cũng không tha thiết cho con mình đá banh. Hơn nữa, trong các thành phố rất ít sân banh và trẻ em phải cắm cúi học để lo thi vào đại học, cũng không ham đá. Năm 2011, Hội Túc Cầu Trung Quốc chỉ có 7,000 người trẻ từ 13 đến 18 tuổi ghi tên. Con số ở nước Nhật là 600,000 và ở Pháp 1,460,000!

Nhưng lòng yêu đá banh của ông chủ tịch đảng và nhà nước vẫn kích thích các công ty lớn đổ tiền vào bóng đá. Năm 2010 Công ty xây dựng Hằng Đại (Evergrande) đã mua đội banh thành phố Quảng Châu từ một công ty dược phẩm quốc doanh. Hai năm sau, họ mướn huấn luyện viên người Ý Marcelo Lippi, đã thắng giải World Cup. Tại sao đầu tư vào đá banh? Chủ nhân Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin,许家印) giải thích: Để quảng cáo, ngày nào các đài các báo cũng nhắc đến tên công ty mình.

Nhưng các tài chủ không phải chỉ quan tâm đến quảng cáo. Họ tỏ ra hăng hái yêu chuộng túc cầu cũng vì muốn có ngày được Tập Cận Bình để ý! Sau khi Tập Cận Bình lên ngôi năm 2012, các đại gia Trung Quốc đã bỏ tiền đầu tư vào cả những đội banh Âu châu nổi tiếng, từ Inter Milan tới Manchester City.

Hơn nữa, thuê các cầu thủ và huấn luyện viên ngoại quốc còn tạo cơ hội rửa tiền, lách được chế độ kiểm soát ngoại tệ của nhà nước. Những người ngoại quốc được trả lương rất cao, họ có thể lẳng lặng ký thác một số tiền vào tài khoản ở nước ngoài của các ông chủ. Lương các cầu thủ ngoại quốc rất cao, trung bình $1.2 triệu một năm, ngang với các đội cầu hạng nhất ở Pháp.

Nhiều người ngoại quốc vừa lãnh lương cao vừa cười. Carlos Tevez, một cầu thủ Argentina đã quá thời, kể rằng ông được trả $40 triệu. Ông nói, thời gian làm việc cho đội Thân Hoa ở Thượng Hải năm 2017 là “bảy tháng nghỉ hè được trả lương!”

Nhà nước cộng sản không những muốn can thiệp vào cả xã hội, cả đến chuyện đá banh, mà còn muốn đóng vai ông chủ, bảo gì bọn tôi tớ cũng phải vâng vâng dạ dạ. Năm 2017, các quan chức ngành thể thao ra lệnh các đội banh, trong mỗi trận, phải có một cầu thủ dưới 23 tuổi! Không biết có quan chức lớn nào, hay một triệu phú nào có con mới 22 tuổi muốn ra sân cỏ!

Các đội banh đều tuân lệnh. Trận nào họ cũng đưa một cầu thủ dưới 23 tuổi ra sân. Một phút sau, cho anh bạn trẻ ra ngoài. “Lãnh đạo” bèn sửa lệnh: Phải có một cầu thủ dưới 23 tuổi trong suốt trận đấu!

Trong một bài về nạn tham nhũng ở Trung Quốc tuần này, báo Economist trích dẫn một nhật báo ở Bắc Kinh, Economic Observer, viết rằng, “Trong đá banh, khi nhà nước can thiệp vào xã hội, can thiệp vào việc kinh doanh … sẽ phải đẻ ra tham nhũng.”

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG