Đường dẫn truy cập

Tập Cận Bình trọng Đảng hơn Kinh tế


Kể từ tháng 11 năm 2020, Bắc Kinh đã đánh các công ty kỹ thuật sử dụng internet trong thương mại 50 lần.
Kể từ tháng 11 năm 2020, Bắc Kinh đã đánh các công ty kỹ thuật sử dụng internet trong thương mại 50 lần.

Ở nước Mỹ, nếu cổ phiếu các công ty kỹ thuật hàng đầu như Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Facebook… lần lượt tụt giá trong mấy tháng rồi không ngóc đầu lên được, thì tất cả mọi người phải lo lắng. Những xí nghiệp thành công nhất cùng xuống thì cả nền kinh tế không hy vọng đứng vững.

Ở Trung Quốc thì khác. Tập Cận Bình đã đánh phủ đầu các công ty Alibaba, Ant, Tencent, Didi, vân vân, những công ty kỹ thuật phát triển mạnh nhất nước và đang bành trướng thị trường ra khắp thế giới. Ai cũng thấy Đảng Cộng sản đang chặt chân chặt tay nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng Tập Cận Bình không quan tâm. Vì mối lo số một của Tập là bảo vệ địa vị độc quyền thống trị của Đảng.

Kể từ tháng 11 năm 2020, Bắc Kinh đã đánh các công ty kỹ thuật sử dụng internet trong thương mại 50 lần.

Cuối năm ngoái Tập bắt đầu ra tay, nhắm vào Ant Group, một chi nhánh của Alibaba. Alibaba do Mã Vân (Jack Ma) thành lập năm 1999, sau chuyến đi Mỹ, lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng internet năm 1995. Alibaba đứng đầu về mua bán trên mạng (e-commerce), đã bành trướng sang các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Phi, qua Mỹ và Âu châu.

Ant Group (Mã Nghĩ Tập Đoàn 螞蟻集團) cung cấp các dịch vụ cho thị trường mua bán trên mạng, đặc biệt là việc trả tiền, thanh toán giữa các ngân hàng qua hệ thống tin học. Tháng 11, Ant chuẩn bị phát hành cổ phần lần đầu tiên (IPO) trên các thị trường chứng khoán Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải, dự trù sẽ thâu $37 tỷ mỹ kim tiền vốn quốc tế. Bỗng nhiên, Bắc Kinh ra lệnh ngưng; rồi bắt buộc phải thay đổi cơ cấu và hoạt động để được Ngân Hàng Nhân Dân kiểm soát chặt chẽ hơn, như kiểm sóat các ngân hàng.

Sau phát súng mở đầu trên, các công ty bị nhắm tiếp là Alibaba và Tencent, bị tra hỏi vì độc quyền quá mạnh. Mã Vân, bộ mặt của Alibaba phải lánh mặt trong ba tháng trời không ra trước công chúng, sau khi công ty bị phạt $2.8 tỷ mỹ kim. Trị giá sáu công ty kỹ thuật đứng hàng đầu ở Trung Quốc đã giảm 40%, mất $1,100 tỷ đô la. Giống như một công ty Apple tự nhiên biến mất!

Tencent (Đằng Tấn, 腾讯) bị tố cáo là “đầu độc” giới trẻ bằng những trò chơi điện tử. Thành lập năm 1998, đây là công ty kỹ thuật đầu tiên ở Trung Quốc đã đạt được trị giá $500 tỷ mỹ kim, vào năm 2018. Tencent, được đánh giá là có “óc sáng tạo” bậc nhất thế giới, bao trùm nhiều lãnh vực, có gần 600 công ty nhỏ, ngoài trò chơi điện tử. Sau khi tờ báo Tin Kinh tế Hàng ngày của Tân Hoa Xã gán tội là bán “thuốc phiện tin học” để làm giầu, trị giá của Tencent giảm mất $100 tỷ đô la trong vòng 48 giờ.

Gần đây nhất là vụ tấn công vào Didi Global, Tích Tích Xuất Hành (滴滴出行) (tích tích bắt chước tiếng xe chạy). Công ty này lúc ra đời năm 2012 lấy tên Tích Tích Đả Xa (Didi Dache - 嘀嘀打车) làm công việc đón khách thay taxi như Uber bên Mỹ. Trong một năm Tích Tích đã chiếm 55% thị trường gọi xe bằng điện thoại di động. Năm 2016 đã đánh bại và mua luôn công ty Uber ở Trung Quốc.

Hơn một ngày sau khi Didi phát hành cổ phần lần đầu ở New York, thu vào $4.4 tỷ đô la vốn mới, Bắc Kinh tuyên bố mở cuộc điều tra. Vấn đề nêu ra là các dữ kiện cá nhân của 377 triệu hành khách được công ty dùng ra sao. Trị giá cổ phiếu giảm ngay 5%. Hai ngày sau, chính quyền ra lệnh các hãng điện thoại di động không cho phép Didi dùng để gọi xe nữa. Giá trị thị trường Didi mất thêm $22 tỷ, tụt 20 phần trăm. Nhưng nhân vụ này các công ty kỹ thuật cao đều bị vạ lây; vì giới đầu tư không biết ông Tập Cận Bình sẽ còn đánh ai khác! Trong cùng ngày, bốn công ty, Tencent, Alibaba, Meituan (Mỹ Đoàn, 美团) và Kuaishou (Khoái Thủ, 快手) đã bị mất tổng cộng $60 tỷ đô la! Trong năm nay, các công ty Trung Quốc bán cổ phần ở Mỹ đã thâu được $15 tỷ mỹ kim. Nhiều nhà đầu tư đã mất tiền.

Ngoài ra, các công ty giao hàng qua điện thoại, giao thức ăn khách hàng đặt ở tiệm, đến ngành địa ốc hoạt động trên mạng, đều bị nhà nước hỏi thăm! Ngày 24 tháng Bảy, Tập Cận Bình tấn công đến các công ty “dạy học trên mạng” (online-education) đang phát triển nhanh nhất thế giới. nhắm vào các học sinh trung, tiểu học nhiều nhất. Từ nay, họ không được”kèm trẻ” với mục đích kinh doanh nữa, phải đóng vai giáo dục “bất vụ lợi.”

Những công ty bên Trung Quốc bị tấn công đều nằm trong lãnh vực tin học, mạng lưới, theo gót các sáng kiến đã được thương mại hóa thành công ở Âu, Mỹ. Họ nằm trong nền kinh tế dịch vụ, không thuộc ngành sản xuất. Dịch vụ là một ngành mở cửa cho tương lai. Và họ đều là các cơ sở kinh doanh tư nhân. Đó là lý do chính khiến họ “lãnh búa” của đảng Cộng sản.

Năm ngoái Tập Cận Bình đã đăng một bài trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi, 求是) của đảng Cộng sản, cho biết ông đặt ưu tiên cho các ngành sản xuất, chế tạo, đại đa số là các doanh nghiệp nhà nước. Ông công nhận Trung Quốc sẽ “mã hóa” với tin học và trí khôn nhân tạo, nhưng “Chúng ta không quên rằng nền kinh tế thực, với các công nghiệp chế hóa, là căn bản không thể bỏ qua được.” Trung Cộng đang hỗ trợ các ngành chế tạo chất bán dẫn, pin điện dùng trong xe hơi, khí cụ viễn thông và máy bay, mong duổi kịp Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn.

Nhưng trong quá trình phát triển kinh tế hai thế kỷ qua, các nước đều theo ba giai đoạn. Trước hết là kinh tế nông nghiệp, đốn rừng và khai mỏ phải nhường chỗ cho các nghề chế tạo hàng hóa bằng máy móc. Tiếp theo, các ngành dịch vụ sẽ càng ngày càng quan trọng, các công nghiệp chế tạo giảm bớt phần quan trọng.

Các nước Âu Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, vân vân, đã trải qua kinh nghiệm phát triển như vậy. Những công ty tin học không cần nhiều máy móc nặng nề và sử dụng nhiều công nhân như các công ty chế tạo, nhưng kiếm lời gấp bội. Công ty Facebook trị giá gấp 11 lần công ty Micron, mà chỉ dùng số nhân viên bằng một nửa. Công ty Ant Group giá trị gấp 20 lần công ty SMIC của chính phủ Trung Quốc, chuyên làm chất bán dẫn.

Trung Cộng chỉ rút kinh nghiệm phát triển của chính họ. Khi kinh tế còn chỉ dựa vào nông nghiệp, nhà nước trợ cấp các xí nghiệp quốc doanh để mở mang công nghiệp. Một nền kinh tế vươn lên từ mức độ rất thấp thì người ta chứng kiến cảnh tiến bộ nhanh rất ngoạn mục. Nhưng Trung Cộng vẫn tiếp tục đổ tiền vào các công nghiệp chế tạo mặc dù hiệu quả giảm dần dân. Cho nên đã gây ra cảnh đầu tư thừa, vô ích, với các cơ xưởng, đường xá, phi trường không cần thiết và trong thực tế không dùng tới. Cứ tiếp tục chính sách này, Trung Cộng sẽ tiếp tục sản xuất trong khi trong nước không tiêu thụ hết, càng lệ thuộc vào thị trường quốc tế. Mà số tiền nợ của các công ty chất đống ngày càng cao, đe dọa cả hệ thống ngân hàng.

Nhưng Tập Cận Bình suy nghĩ khác. Nền thương mại trên mạng càng phát triển, từ việc mua bán hàng đến việc gọi xe taxi, các hoạt động giải trí trên mạng, cho tới thanh toán tiền bạc trên mạng, vân vân, thì lãnh vực tư doanh này càng mạnh hơn. Họ sẽ ảnh hưởng trên người dân nhiều hơn. Phải làm cách nào chặn bớt thế lực của tư doanh thì mới bảo vệ được vai trò “lãnh đạo” của đảng Cộng sản!

Những trận đánh vào Alibaba, Tencent, Ant Group, Didi, là những đòn phủ đầu để nhắc cho các doanh nhân nhớ rằng trên đầu họ còn có đảng Cộng sản. Ngay một đảng viên lâu đời như Mã Vân, đã lập chi bộ khắp công ty, cũng cần được nhắc nhở! Và cũng nhắc nhở luôn cả dân chúng Trung Quốc đừng quên lúc nào cũng có Đảng ngồi trên đầu mình!

Trong lúc đánh tới tấp những doanh nghiệp kỹ thuật cao nhất nước, Tập Cận Bình vẫn tiếp tục bao cấp các doanh nghiệp nhà nước bằng tiền bạc, các ưu quyền và các biện pháp bảo vệ thị trường ngăn chặn hàng ngoại quốc. Mục tiêu vẫn là bảo vệ quyền lợi của các cán bộ, đảng viên

Một điều hài hước là trong khi lo chống lại sự bành trướng của Trung Cộng trên thế giới, nhiều người lãnh đạo Mỹ cũng bỏ mất các quy tắc của nền kinh tế tư bản, tự do, bắt đầu áp dụng một số chính sách kinh tế chỉ huy!

Ba bốn năm trước, chính phủ Mỹ đã đánh thuế nặng trên hàng nhập cảng, kể cả hàng từ các nước đồng minh, tính toán rằng sẽ nhờ thế giảm bớt thâm thủng mậu dịch. Kết quả là bây giờ số thâm thủng càng cao hơn! Chính phủ bây giờ sẽ trợ cấp các nhà sản xuất trong nước, từ chất bán dẫn tới pin điện cho xe hơi, lấy lý do cần bớt lệ thuộc vào hàng nước ngoài, một mối lo phát sinh vì bệnh dịch Covid-19! Chưa biết hậu quả của chính sách này ra sao.

Có điều may mắn, là việc phân bố tài nguyên trong nền kinh tế Mỹ vẫn còn nằm trong tay tư nhân, qua các thị trường chứng khoán và hệ thống tài chánh tư. Trung Cộng thì ngược lại, đảng Cộng sản nắm tất cả các nguồn vốn, lại còn ngăn cản tư nhân khi họ gây vốn từ nước ngoài. Tương lai kinh tế Trung Quốc sẽ lãnh hậu quả!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG