Hà Nội lại một lần nữa cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền chủ quyền của họ trên Biển Đông sau khi ba tàu Trung Quốc truy đuổi một tài cá Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này hôm 5/10.
Truyền thông chính thống của Việt Nam cho biết, một tàu cá của Bình Định số hiệu BĐ 91386 TS bị ba tàu Trung Quốc ngăn cản không cho đánh bắt cá tại khu vực cách tỉnh Khánh Hòa 112 hải lý.
Một sự việc tương tự cũng đã xảy ra hồi tháng 8 khi một tàu cá của ngư dân Bình Định cũng bị tàu Trung Quốc truy đuổi khi đang đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Trường Sa.
VnExpress và Tiền Phong trích nguồn tin của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết hôm 5/10 rằng các cơ quan chức năng đang triển khai biện pháp hỗ trợ tàu cá Bình Định 91386 “đánh bắt hải sản hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.”
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, được VnExpress trích lời nói rằng sự việc ba tàu Trung Quốc truy đuổi tàu cá Bình Định là “vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế.”
Vùng đặc quyền kinh tế, theo quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, bao gồm khu vực biển kéo dài từ bờ biển tới 200 hải lý (370km) ngoài biển. Theo đó, các nước có quyền khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Vụ việc này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Trung Quốc điều ca nô tới ngăn cản hoạt động trục với tàu cá Việt Nam lâm nạn ở quần đảo Hoàng Sa hôm 3/10.
Cũng theo truyền thông Việt Nam, trước đó hôm 1/10, một tàu Trung Quốc đã từ chối cứu hộ 12 ngư dân Quảng Nam trên tàu cá lâm nạn ở Hoàng Sa, vùng biển đang trong vòng tranh chấp giữa hai nước.
Hồi tháng 3 vừa qua, một tàu Trung Quốc đã đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam từ Quảng Ngãi khi tàu này đang đánh bắt ở nơi được coi là ngư trường truyền thống của họ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc đền bù thích đáng cho ngư dân Việt Nam.
Đầu tháng 5 năm nay, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đơn phương thông báo thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kéo dài hơn ba tháng ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và một phần Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội ngay sau đó “bác bỏ quyết định đơn phương của phía Trung Quốc” khi cho rằng quy chế này “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” và “trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc.”
Hàng năm từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền bằng “đường 9 đoạn” bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên căng thẳng nhất trong những tháng gần đây kể từ khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhằm ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí mà Hà Nội đang hợp tác với các đối tác nước ngoài. Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc tàu của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống “vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán” của Việt Nam trong khi Bắc Kinh nói tàu của họ hoạt động “hợp pháp” trong vùng biển của nước này.