Đường dẫn truy cập

Những thách thức của chính phủ mới


Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Hà Nội
Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Hà Nội

Việt Nam vừa có chính phủ mới. Đứng đầu vẫn là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng nội các của ông cũng có nhiều thay đổi. So với nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Dũng hồi năm 2006/07, nhiệm kỳ này có vẻ khó khăn hơn rất nhiều. Chính phủ mới của Ông sẽ phải đối mặt với hàng loạt các thách thức ghê gớm về kinh tế, xã hội, và ngoại giao. Dưới đây là vài điểm vắn tắt và chưa phải là một danh sách hoàn chỉnh về các thách thức này:

Tốc độ tăng trưởng chậm khác hoàn toàn với bức tranh hồi 2006/2007:

Tốc độ tăng trưởng GDP hồi năm 2006 và 2007 là 8,44% và 8,23% trong khi tăng trưởng GDP năm 2010 chỉ đạt 6,78% và con số của năm nay sẽ còn thấp hơn nữa. Trong những năm liên tiếp trước khi Thủ tướng Dũng nhậm chức ở nhiệm kỳ đầu tiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh dần: 7,08% năm 2002, 7,34% năm 2003, 7,79% năm 2004, và 8,44% năm 2005. Ngược lại, tăng trưởng GDP đang trên đà giảm mạnh từ năm 2007 trở lại đây: năm 2007 đạt 8,23%, năm 2008 đạt 6,31%, năm 2009 đạt 5,32%, năm 2010 tăng một chút lên 6,78% nhưng năm 2011 nhiều khả năng lại quay lại mức trên 5%.

Tăng trưởng kinh tế từ nhiều năm nay vẫn được coi là chỉ dấu quan trọng đánh giá sự thành công của Chính phủ ở Việt Nam, mặc dù trên thực tế không hoàn toàn như vậy. Rất nhiều người trong giới nghiên cứu kinh tế và hoạch định chính sách đã chỉ ra rằng nền kinh tế có những quy luật riêng dẫn tới sự thăng giáng của chính nó (business cycles, hay còn gọi là các chu kỳ kinh doanh). Tuy nhiên, nói như nhiều học giả là “rise with business cycle, fall with business cycle” – các chính phủ khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh thường tự nhận là thành quả của mình thì khi kinh tế khó khăn cũng phải bị hứng chịu sự chỉ trích của công chúng về năng lực quản lý kinh tế của mình. Chính phủ của Thủ tướng Dũng cũng không phải là ngoại lệ trong quy luật này. Tăng trưởng kinh tế trong 05 năm tới vẫn sẽ là một gánh nặng mà Ông và các cộng sự phải quan tâm hàng đầu trong chuỗi các mục tiêu về kinh tế và xã hội.

Thế nhưng Chính phủ mới cũng không thể cứ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Dũng. Lý do là nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã có nhiều căn bệnh nguy hiểm đòi hỏi phải có sự chữa trị tận gốc (hay nói như nhiều kinh tế gia Việt Nam là phải co hẹp tăng trưởng để xử lý các vấn đề về cơ cấu), nếu không càng tập trung đẩy tăng trưởng chỉ càng làm cho các vấn đề vĩ mô thêm trầm trọng. Đây là bài toán tổng quát hết sức nan giải của Chính phủ mới.

Lạm phát rất cao mặc dù đã thắt chặt tiền tệ và tài khóa

Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên nắm quyền trong nhiệm kỳ đầu, lạm phát của cả năm 2006 chỉ là 6,6% trong khi trước đó lạm phát cả năm 2004 và 2005 là 9,82% và 8,67% - tức là đang trên đà giảm. Ngược lại, trong nhiệm kỳ tiếp theo này, Chính phủ của ông đang phải đối mặt với cơn bão lạm phát mới không thua kém gì cơn bão lạm phát hồi 2008. CPI trong 3 năm gần nhất liên tục tăng. Năm 2009 tăng trưởng CPI là 6,5% (rất thấp sau cơn bão năm 2008), vọt lên 11,75% năm 2010 và có thể lên tới18% tới 20% trong năm nay.

Điểm nguy hiểm của lạm phát năm nay là từ đầu năm chính phủ đã quyếtliệt thực hiện thắt chặt cả tài khóa và tiền tệ thông qua việc ráo riết thực hiện Nghị Định 11 nhưng CPI vẫn không hạ nhiệt được bao nhiêu. Trên thực tế, tăng trưởng CPI của Tháng 7 vừa qua là cao nhất so với CPI trong tháng 7 của 15 năm gần nhất, vượt qua cả ngưỡng năm 2008 theo VnEconomy.

Hàm ý của điều này là Chính phủ mới bị hạn chế rất nhiều trong các công cụ chống lạm phát. Chính phủ khó có thể thắt chặt hơn về tài khóa và tiền tệ so với những gì Chính phủ đã làm trong những tháng qua. Đó là chưa kể áp lực từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp, đang đè nặng lên vai đòi hỏi phải từng bước nới lỏng tiền tệ để cứu hệ thống doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản hàng loạt đang cận kề.

Nếu tình trạng lạm phát không hạ nhiệt thì ảnh hưởng của nó đối với an sinh xã hội là hết sức nghiêm trọng và không thể đo đếm được. Thu nhập thực tế của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập chủ yếu từ lương và trong nhóm thu nhập thấp hoặc trung bình thấp như đội ngũ công nhân trong các nhà máy xí nghiệp, đang bị bào mòn nhanh chóng do đồng tiền trượt giá và giới hạn về sức chịu đựng của họ có thể sẽ sớm bị thử thách khi tiền lương không đủ trả cho các chi phí tối thiểu về ăn ở và sinh hoạt.

Lãi suất cao, doanh nghiệp gặp khó nhưng không có gói kích cầu thông qua lãi suất

Với mức lạm phát của năm không dưới 18%, các ngân hàng thương mại phải huy động tiền gửi với lãi suất thực tế lên tới 18%-20% (trong khi về danh nghĩa thì họ chỉ huy động tối đa ở mức 14% theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước). Vì thế, lãi suất cho vay tại phần lớn các thời điểm trong năm không dưới 20% và có thể lên tới 25%, thậm chí 30% trong nhiều trường hợp. Điều này tạo ra gánh nặng chi phí khủng khiếp đối với hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính.

Đây là một khác biệt cực kỳ lớn về kinh tế đối với nhiệm kỳ thứ 2 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng so với nhiệm kỳ đầu tiên của Ông. Trong những năm 2006/2007, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đều ở mức rất thấp, khoảng 7% tới 8% cho tiền gửi và khoảng 11% tới 12% cho vay.

Tình hình hiện nay thực tế còn khó hơn hồi năm 2008 khi lãi suất bị đẩy lên cao. Trong thời kỳ đó, Chính phủ còn có một công cụ là gói cứu trợ kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất (còn được gọi là gói “kích cầu” trong khi trên thực tế thì đúng ra phải gọi là “kích cung”) theo đó các doanh nghiệp được hỗ trợ một phần chi phí lãi vay của các khoản vay đủ tiêu chuẩn được nhận hỗ trợ của nhà nước. Trong tình hình hiện nay, khó có thể thực hiện một chương trình “kích cầu” mới vì khả năng chịu đựng của ngân sách có hạn và vì nó mâu thuẫn với mục tiêu hàng đầu hiện nay là thắt chặt tài khóa để ổn định vĩ mô.

Thị trường BĐS bị bóp méo nghiêm trọng

So với năm 2006/2007, thị trường BĐS ở phần lớn các đô thị lớn ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Điều này nhìn bề ngoài thì có vẻ như là một yếu tố tích cực: tài sản của người dân và doanh nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, theo rất nhiều chuyên gia, giá đất ở nhiều đô thị lớn hiện nay đã vượt xa giá trị thực. Điều đó kéo theo nhiều hệ lụy hết sức tai hại:

Trước hết, chi phí nhà đất của những người có nhu cầu sử dụng thực trở nên quá sức đắt đỏ tới mức vượt khỏi tầm tay. Thị trường vì thế chủ yếu diễn ra giữa những người mua bán dưới hình thức tích trữ tài sản hoặc đầu cơ. Đỉểm này về ảnh hưởng xã hội là không có lợi.

Tuy nhiên quan trọng hơn là giá nhà đất quá cao đẩy giá đền bù giải phóng mặt bằng lên cao, khiến chi phí của doanh nghiệp trở thành một gánh nặng quá đáng. Báo Đầu Tư hồi đầu tháng 7, 2011 vừa qua đã có bài viết rất tốt phản ánh về tình trạng này dưới tiêu đề “Vắng nhà đầu tư vì giá đất cao” (dù chỉ ở một địa phương là Cần Thơ). Theo bài báo này, tình trạng khung giá đền bù đất bị đẩy lên quá cao khiến các doanh nghiệp ngần ngại không dám đầu tư.

Báo này dẫn lời ông Võ Ngọc Hồ, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ (chủ đầu tư KCN Hưng Phú 2B có diện tích 67,2 ha) cho biết, nếu thực hiện chính sách đền bù hỗ trợ tái định cư hiện hành thì giá đền bù khoảng 5 tỷ đồng/ha. Để có hạ tầng hoàn chỉnh và thực hiện tốt chính sách tái định cư đáp ứng cho cả KCN này thì doanh nghiệp cần có nguồn vốn đến hàng ngàn tỷ đồng… Nếu làm theo kiểu “cuốn chiếu” lại gặp nhiều rủi ro khi giá đất tăng, chậm thu hồi vốn, không thể phân khu chức năng theo quy hoạch.”

Giá đền bù đất bị đẩy lên cao cũng khiến cho việc làm các dự án phát triển hạ tầng (đặc biệt là đường giao thông) trở nên đặc biệt khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, trong cơ cấu chi phí làm đường (như tuyến đường Xa lộ Đông Tây ở Thành phố Hồ Chí Minh), chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lên tới hơn 40% tổng chi phí. Điều đó khiến cho Việt Nam hiện nay trở nên một trong các nước có chi phí làm hạ tầng đắt nhất thế giới. (còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG