Hầu hết các dấu vết của các vỏ xe bị đốt và các rào cản đường đã không còn ở Bangkok, ít ngày sau khi binh sĩ giải tỏa nơi cắm trại của đám biểu tình.
Nhưng các vết thương chính trị và xã hội vẫn chưa được hàn gắn.
Bà Malai, một đầu bếp trong khu Bon Khai đã chứng kiến phần lớn cuộc giao tranh, nói rằng đất nước quá nhiều chia rẽ và bà lo ngại rằng tình trạng bất ổn chưa hết hẳn.
Bà Malai lo ngại rằng nếu lại bùng ra những cuộc bạo động trên đường phố, thì nhà hàng của bà có thể bị hư hại và bà sẽ không có cách nào để kiếm ăn.
Người biểu tình đã nổi lửa đốt hơn 30 tòa nhà, sau khi binh sĩ có hành động chấm dứt cuộc chiếm đóng của họ tại một quận thương mại.
Chính phủ lên án những người lãnh đạo biểu tình là khủng bố và dự định sẽ bắt giữ mấy trăm người biểu tình, trong đó có một số người chính phủ cho là có vũ trang.
Phát ngôn viên chính phủ Panitan Wattanayagorn nói rằng chính phủ sẽ tổ chức bầu cử, một yêu cầu chính của người biểu tình, sau khi an ninh được vãn hồi toàn bộ.
Ông Panitan cho biết: “Ngược lại, nếu tổ chức bầu cử ngay hôm nay, thì không ai có thể bảo đảm một cuộc bầu cử trong hòa bình, ổn định và thậm chí có được một chính phủ ổn định sau đó. Chúng ta cần phải ngồi xuống và thảo luận cơ chế chung, các quy định chung, một cơ chế ngăn ngừa xung đột sau khi bầu cử.”
Chính phủ tuyên bố sẽ có một cuộc điều tra độc lập về những vụ xung đột từ tháng ba, đã khiến khoảng 90 người thiệt mạng và 2 ngàn người khác bị thương, đa số là thường dân.
Nhưng các chuyên gia chính trị nói rằng người biểu tình không mấy tin tưởng vào các chính trị gia ở Bangkok.
Ông Chantana Banpasirichote, một giáo sư về khoa học chính trị tại trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng sự ổn định tùy thuộc vào việc chính phủ chứng tỏ với người biểu tình, tức phe áo đỏ, rằng họ sẽ có công lý và tiếng nói trong chính sự.
Ông Chantana nói: “Vì thế tôi cho rằng nếu chính phủ lại xử lý không đúng lần này, nghĩa là thay vì tìm cách đưa phe áo đỏ trở lại với các thủ tục chính trị bình thường, lại dành cho họ nhiều dễ dãi và tiếp xúc với giới truyền thông và các nguồn lực chính trị, thì theo tôi tình hình ổn định lại đi xuống.”
Người biểu tình nói rằng quân đội và giới thượng lưu ở Bangkok âm mưu tước quyền lực của những người lãnh đạo mà họ bầu lên.
Họ nêu ra trường hợp cuộc đảo chính năm 2006 lật đổ người bảo trợ cũ của họ là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawat, và các phán quyết của tòa cũng như thỏa thuận đã đưa chính phủ hiện thời lên nắm quyền.
Ông Chantana cho rằng hệ thống cần có sự cải tổ hệ thống chính trị buộc các chính đảng phải hợp tác dài hạn với nhau, thay vì những điều chỉnh vội vã.
Thái Lan đang phục hồi sau tình trạng bạo động tệ hại nhất từ mấy chục năm nay, sau khi binh sĩ dùng vũ lực để chấm dứt cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài 2 tháng ở Bangkok. Chính phủ đang hoạch định các nỗ lực hòa giải để hàn gắn chia rẽ. Nhưng, theo tường thuật của thông tín viên VOA Daniel Schearf từ thủ đô Thái Lan, nhiều người vẫn còn lo ngại tình hình sẽ bất ổn trở lại.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1