Đường dẫn truy cập

Thăm Thái Lan (2)


Thăm Thái Lan (2)
Thăm Thái Lan (2)

Ở Bangkok, sợ nhất là nạn kẹt xe. Đọc báo chí trong nước, tôi nghe nói nạn kẹt xe ở Việt Nam sau này cũng ghê gớm lắm. Nhưng đã sáu, bảy năm rồi không về, tôi không biết mức độ gọi là “ghê gớm” ấy cụ thể ra sao cả. Nhưng nạn kẹt xe ở Bangkok thì quả là tôi chưa từng chứng kiến. Nhìn, mới thấy cảnh kẹt xe ở Úc hay ở Mỹ (trừ trường hợp có tai nạn) chỉ là chuyện cỏn con.

Ở Thái Lan, mặc dù chính phủ nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng với những xa lộ và xe công cộng khá lớn nhưng vẫn không giải quyết được nạn kẹt xe. Đường xá được xây dựng hoặc mở rộng không kịp với đà phát triển của xe cộ. Ví dụ, theo các thông báo chính thức, từ năm 2010 đến năm 2011, hệ thống đường xá ở Bangkok không thay đổi trong khi số xe hơi đăng ký chính thức lại tăng thêm 6.2%, với hơn 1000 chiếc mỗi ngày, đẩy tổng số xe trong thành phố lên đến gần 7 triệu chiếc. Theo tính toán của các chuyên gia về giao thông ở Bangkok, tốc độ trung bình của xe hơi trong giờ cao điểm buổi sáng chỉ khoảng 16 cây số/giờ; buổi chiều chỉ khoảng 23 cây số/giờ. Vấn đề là: lúc nào thì gọi là giờ cao điểm? Ở Úc, nơi tôi sống, giờ cao điểm ở buổi sáng thường là từ 8 đến 9; ở buổi chiều, khoảng từ 5 đến 6. Nhiều ngày, lái xe ra khỏi nhà lúc 8:30 sáng: kẹt. Những ngày khác, đi sớm hơn một chút, trước 8 giờ, hoặc muộn hơn một chút, sau 9 giờ: xe chạy bon bon. Buổi chiều cũng vậy. Trước và sau một giờ đã thấy khác hẳn.

Ở Bangkok thì phần lớn thời gian trong ngày đều là giờ... cao điểm. 7,8 giờ sáng: kẹt xe. 9 giờ sáng: kẹt xe. 10 giờ sáng: cũng kẹt xe. Chiều, từ khoảng 4 đến tận 8, 9 giờ, hầu như lúc nào cũng kẹt xe. Tôi có cảm tưởng chỉ khoảng giữa trưa hoặc khuya lơ khuya lắc, đường mới thực sự thông thoáng để người ta biết sự khác biệt trong tốc độ của xe hơi và của xe đạp.

Ở Bangkok mấy ngày, tôi đã từng ngồi trên xe cả gần một tiếng đồng hồ, chỉ nhúc nhích được vài ba trăm mét. Khi xe nằm giữa cầu, nhìn phía trước: thấy xe nối đuôi nhau dằng dặc; nhìn phía sau, cũng thấy xe nối đuôi nhau dằng dặc. Tất cả nằm yên. Bất động. Nếu nhúc nhích, chỉ nhúc nhích một cách hoạ hoằn. Người tài xế tắc xi cho biết những cảnh như vậy xảy ra hằng ngày. Tôi hỏi: Nếu có hẹn gì cần phải đúng giờ thì sao? Ông đáp: Thì hoặc là đi thật sớm hoặc là đến trễ. Nhưng ông cười, nói tiếp: “Có trễ cũng chẳng sao đâu, ở đây, ai cũng biết chuyện giao thông nên người ta hiểu mà!”

Đối diện với nạn kẹt đường thường xuyên như thế, người Thái Lan có thói quen lái xe không khác gì người Việt Nam. Cũng rất ẩu. Muốn đổi làn (lane) là đổi ngay tức khắc. Cứ chếch đầu xe về hướng làn mới. Người đổi làn tuỳ theo phản ứng của người ở làn bên cạnh mà đi luôn hoặc dừng lại chờ. Giống những cuộc thi gan thường thấy trên đường phố Việt Nam. Chỉ có điều khác là người Thái Lan không bóp còi inh ỏi như ở Sài Gòn hay Hà Nội. Họ cứ kiên nhẫn chịu đựng cảnh kẹt xe và khi cần, lấn giành đường. Nhưng không bóp còi hay chửi lộn. Những lúc ấy, tôi thường ngồi quan sát thái độ của các tài xế lái xe. Hàng chục lần, với hàng chục người, tôi cũng chỉ thấy một điều: nhẫn nhục chờ đợi. Với những bạn đọc chưa từng đến Bangkok, để dễ tưởng tượng, tôi đề nghị thế này: hãy lấy cảnh đường xá ở Sài Gòn hoặc Hà Nội, thay các xe gắn máy bằng xe hơi và trừ đi tiếng còi xe và tiếng chửi thề: Đó là cảnh ở Bangkok.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyện đi tắc xi ở Bangkok của tôi là hai lần bị tài xế đuổi xuống đường.

Lần đầu, từ một trung tâm thương mại về khách sạn, đường kẹt cứng. Buổi sáng, lúc tôi đi, chỉ mất chưa tới nửa tiếng. Chiều, tôi về, chiếc xe cứ nhúc nhích như người đi bộ. Người tài xế đổi đường và đổi hướng liên tục, nhưng ở đâu cũng bị kẹt. Khoảng một tiếng rưỡi sau, tôi nghe người tài xế nói bằng một thứ tiếng Anh lõm bõm, đại khái: ông bảo tôi xuống, đi bộ khoảng 10 phút thì đến khách sạn. Tôi làm lơ. Một phần, tôi không chắc tôi hiểu đúng những gì ông muốn nói. Phần khác, đó là ngày đầu tiên tôi đến Bangkok, mới rời khách sạn vào buổi sáng, chỉ biết tên đường chứ không biết phương hướng gì cả nên rất ngại bị lạc. Ngoài ra, trời ở Bangkok rất nắng và nóng. Nghĩ đến chuyện đi bộ 10 phút, tự nhiên thấy nản. Vả lại, tôi nghĩ một cách máy móc, như ở Tây phương: mình đã lên tắc xi, nhiệm vụ của tài xế là phải chở đến tận nơi. Ngay tận cửa.

Thấy tôi im, người tài xế cũng không nói gì thêm. Xe lại nhúc nhích lăn từng chút, từng chút trên đường phố nghẹt cứng. Khoảng hơn hai mươi phút sau, ông lại xua tay có vẻ như đuổi tôi xuống xe. Tôi hơi bực. Sau đó, ông cố giải thích bằng tiếng Anh theo lối ráp từng chữ, tôi hiểu, đại khái, nếu tôi chịu khó xuống đi bộ thì chỉ mất khoảng 2 phút, còn nếu tiếp tục ngồi trên xe thì sẽ mất khoảng 20 phút. Nghe khoảng cách giữa 2 và 20 phút như thế, tôi đồng ý trả tiền và xuống xe. Thật ra, quãng đường từ chiếc xe ấy đến khách sạn mất hơn 5 phút. Nhưng, thôi, cũng được: ít nhất cũng đỡ hơn ngồi trong xe.

Lần khác, tôi lại đón tắc xi vào buổi tối. Tưởng sau 8 giờ đường xá thông thoáng hơn. Nhưng không: hướng nào cũng kẹt. Người tài xế cứ quay hướng này rồi quay hướng khác. Hướng nào cũng đầy xe. Cuối cùng, sau khoảng nửa tiếng, ông thả tôi xuống trước một trạm xe lửa chạy trên cầu nổi (skytrain), bảo: nên đi xe lửa, nếu không, sẽ không bao giờ tới được điểm hẹn cả. Ông còn tử tế chỉ tôi cách mua vé. Rồi lấy tiền và phóng xe đi. Đã có kinh nghiệm lần trước, lần này tôi không hề ngạc nhiên và bất mãn. Tôi còn thầm cám ơn vì nhờ vậy, tôi học được cách đi xe lửa ở Bangkok. Thật ra, hệ thống xe lửa ở Bangkok không nhiều đủ để thay thế xe tắc xi, nhưng dù sao biết cũng tốt, phòng những lúc bị kẹt cùng, không có lựa chọn nào khác. Lại có thêm một chút kinh nghiệm về cảnh chen chúc và chen lấn.

Sau này, đi tắc xi nhiều, tôi biết được một quy luật tính tiền: bình thường, họ tính theo đồng hồ cây số gắn trong xe; nhưng khi bị kẹt đường, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều-tối, họ đòi giá bao. Ví dụ, từ điểm A đến điểm B, bình thường, tiền trên đồng hồ là 50 baht; giờ cao điểm, họ đòi gấp ba hay gấp 4, thậm chí gấp 5 lần.

Giá tắc xi ở Thái Lan khá rẻ. Tăng gấp mấy lần cũng không phải là vấn đề. Chỉ có điều, giá tiền tăng nhưng tốc độ xe chạy vẫn không tăng. Cứ nhúc nhích từng chút. Từng chút. Không chừng một phần vì vậy mà người Thái, nói chung, có vẻ nhẫn nhục một cách lạ thường. Họ nhẫn nhục từ cách chào hỏi, nói năng và cười.

A! Nụ cười. Tôi có thể dễ dàng “đọc” được các kiểu cười của người Việt. Riêng nụ cười của người Thái, với tôi, vẫn còn là một bí ẩn.

Từ từ nghiên cứu sau.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG