Để hòa nhập được và có chỗ đứng trong xã hội Mỹ ngày nay, cộng đồng người Việt tị nạn đã phải nỗ lực phấn đấu và kinh nghiệm của họ có thể là bài học ý nghĩa đối với những người tị nạn hiện nay trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thắt chặt vấn đề di dân. Đó là nội dung chính của cuộc triển lãm-hội thảo về di sản của người tị nạn Việt Nam tại Mỹ.
Với tiêu đề “Chiến tranh và Tị nạn”, sự kiện này được một số hội đoàn của người Mỹ gốc Việt tại vùng thủ đô Washington tổ chức hôm 3/8 tại Rayburn Office Building, Quốc hội Hoa Kỳ, với các diễn giả là một số nhân vật trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và các học giả Mỹ nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam.
Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, người được mệnh danh là ‘Bomb Lady’ vì đã chế tạo một trong những loại bom mà quân đội Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Afghanistan, nói rằng những trải nghiệm của bà khi di tản khỏi miền Nam Việt Nam đã giúp bà nhận thức được rằng “sự tự do quý giá đến dường nào” và “được trở thành một công dân Hoa Kỳ là một đặc ân như thế nào”.
“Từ một người tị nạn chiến tranh trở thành một công dân Hoa Kỳ đầy tự tin, tôi đã học được rất nhiều điều,” bà Ánh nói. “Đó là nước Mỹ là thiên đường, là nơi tự do để tìm các cơ hội, là đất nước của dân chủ. Tôi yêu quý đất nước này.”
Tuy nhiên, bà Ánh cũng lưu ý rằng nhiều người sinh ra ở nước Mỹ xem những thứ mà họ được hưởng là đương nhiên. “Trách nhiệm của chúng tôi là chỉ ra cho những người dân Mỹ khác rằng tự do là một món quà mà chúng ta cần cảnh giác bảo vệ.”
“Những gì mà chúng ta xem là đương nhiên ở đây chỉ tồn tại trong giấc mơ ở những nơi khác. Chúng ta phải giúp cho những giấc mơ này trở thành hiện thực,” bà Ánh nói.
Ông Quý Tôn “Charlie”, người được mệnh danh là ‘Vua ngành Nail’ ở Mỹ với 900 cửa tiệm nhượng quyền, nói ông “tự hào là người Việt Nam” và “biết ơn được làm công dân Mỹ”. Ông Quý nói rằng là một doanh nhân người Mỹ gốc Việt, ông đã đóng thuế cho nước Mỹ, tạo việc làm cho người dân Mỹ và hỗ trợ cho cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Bà Mylene Trần Huỳnh, một bác sỹ từng phục vụ trong quân đội Mỹ, nói bà và gia đình khi đi di tản đến Mỹ đã cảm nhận được lòng tốt, lòng trắc ẩn và sự hào phóng của người dân Mỹ.
Tuy nhiên, bà nói rằng trong bối cảnh lo sợ về khủng bố ở Mỹ, các nhà lãnh đạo ra quyết định “dựa trên nỗi sợ hãi”. “Chúng tôi sẽ cố gắng tác động các nhà lãnh đạo ra quyết định dựa trên tình thương để mở rộng tấm lòng (đối với những người tị nạn),” bà nói.
Về việc nước Mỹ không còn mở rộng cửa đối với những người tị nạn chiến tranh, nhất là những người tị nạn đến từ Syria, bà Nancy Bùi, nhà sản xuất bộ phim tài liệu ‘Vietnamerica’ về người tị nạn Việt Nam, chia sẻ với VOA bên lề buổi hội thảo:
“Lãnh thổ Hoa Kỳ vẫn còn rộng. Việc đón nhận người tị nạn không có vấn đề gì khó khăn nhưng thời gian gần đây có một số người tị nạn lợi dụng đời sống tị nạn tương đối dễ dàng để làm một số điều mất an ninh nên việc tiếp nhận người tị nạn bị ít đi.”
Bà cho rằng “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiếp nhận người tị nạn dù lúc ít lúc nhiều” vì “người tị nạn đã làm biết bao nhiêu điều để trả ơn đất nước đã cưu mang họ.”
“Nước Mỹ đã được trả cả vốn lẫn lời,” bà Bùi nói. Bà cũng kể rằng điều đọng lại trong lòng bà trong hành trình di tản đến Mỹ là sự thôi thúc của tự do đã khiến bà và những người tị nạn khác “bỏ lại tất cả để ra đi trong hành trình chín chết một sống.”
“Không phải di dân nào cũng có nền tảng giống nhau. Bạn có thể thấy ai là thủ phạm hầu hết các cuộc tấn công khủng bố. Một số di dân đến đây với mục đích là làm hại chúng ta nên họ thật ra không phải là di dân mà là thành phần thù nghịch. Chúng ta phải bảo vệ chúng ta cũng như những di dân khác trước những âm mưu này,” Tiến sỹ Lewis Sorley, một nhà sử học về chiến tranh Việt Nam và là tác giả cuốn ‘A Better War’, nói với VOA Việt ngữ.
“Lòng tốt, lòng trắc ẩn và sự hào phóng của người Mỹ tôi hy vọng vẫn luôn tồn tại,” ông nói thêm, “Chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp nhận người di cư từ khắp nơi trên thế giới nhưng cần thiết phải kiểm tra họ một cách kỹ lưỡng.”
Về người tị nạn Việt Nam ở Mỹ, Tiến sỹ Sorley nói rằng họ “hoàn toàn có quyền đến Mỹ” vì “chúng tôi (người Mỹ) mắc nợ họ”.
“Hãy nhớ lại người Mỹ đã bỏ rơi họ (miền Nam Việt Nam) như thế nào. Chúng tôi hết sức biết ơn những người Việt tị nạn này vì thay vì giữ mối thù hận đối với chúng tôi – họ có quyền làm vậy – họ lại đến nước Mỹ với quyết tâm trở thành công dân Mỹ tốt cũng như người Việt Nam tốt,” ông nói thêm.
Ngoài buổi hội thảo, dịp này, ban tổ chức còn giới thiệu cuộc triển lãm tranh của trên 10 họa sỹ người Mỹ gốc Việt và trình chiếu bộ phim tài liệu “Vietnamerica”.