Đường dẫn truy cập

Vì sao thế giới phát hoảng với tàu cá Trung Quốc


"Xuống cá" từ một tàu cá ở Hainan. Hình minh họa.
"Xuống cá" từ một tàu cá ở Hainan. Hình minh họa.

Hồi giữa tháng Tám, minh tinh màn bạc Leonardo DiCaprio chia sẻ một bài viết về chuyện hàng trăm tàu cá Trung Quốc vét cho bằng sạch hải sản ở sát vùng sinh thái nổi tiếng thế giới Galápagos, ngoài khơi Ecuador.

Ngôi sao có hơn 18 triệu người theo dõi trên Facebook và rất nhiều người hẳn đã đọc bài viết trên báo Guardian của Anh mà Leonardo chia sẻ. Bài có tựa “‘Họ kéo mọi thứ lên!’ Đội tàu Trung Quốc gây lo ngại cho sinh vật biển ở Galápagos” cũng nhận được gần 30.000 lượt phản ứng khác nhau trong đó có 4.000 lượt chia sẻ chỉ riêng trên trang của Leonardo.

Bài của Guardian dẫn lời ông Jonathan Green một chuyên gia theo dõi cá mập voi, loài cá lớn nhất thế giới, kể về chuyện ông mất tín hiệu của con cá mập voi mang tên Hope, tức Hy vọng, ở tây Thái Bình Dương.

Ông Green theo dõi Hope được 280 ngày thì bỗng nhiên tín hiệu định vị từ thiết bị gắn trên mình cá biến mất. Khi xem hình chụp vệ tinh vào ngày Hope mất tích, ông phát hiện thấy nhiều tàu cá Trung Quốc trên vùng biển cá đang bơi gần Galápagos. Thêm nữa, vào lúc trước khi mất tín hiệu, tốc độ di chuyển của cá bỗng tăng từ gần hai km mỗi giờ lên trên 10 km, ngang với tốc độ thông thường của tàu cá. Ông Green không thể khẳng định chắc chắn một trăm phần trăm nhưng từ những gì ông biết, ông cho rằng một trong số hàng trăm tàu cá Trung Quốc đã dập tắt hy vọng tìm hiểu loài cá thuộc loại lớn nhất thế giới của ông.

Ông Green cũng được dẫn lời nói các tàu cá Trung Quốc tại Galápagos, một số tàu tắt cả hệ thống định vị tự động để khỏi bị phát hiện, dùng tới gần triệu lưỡi câu khi ra khơi và bình luận: “Đây không phải là đánh cá nữa mà nó đơn giản là huỷ hoại tài nguyên trên các đại dương của chúng ta.

“Chúng ta phải đặt câu hỏi liệu có dân tộc nào trên hành tinh này có quyền huỷ hoại thứ mà chúng ta đều chia sẻ.”

Báo Guardian hôm 25/8 còn có thêm một bài viết nữa, vẫn của cây viết Dan Collyns, về tình trạng đánh cá tận diệt của Trung Quốc ở sát khu bảo tồn thiên nhiên Galápagos. Bài ‘Thật khiếp quá!’: có ai chặn đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc được không’ nói cả thảy đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc được cho là lên tới gần 17.000 chiếc so với con số chỉ vỏn vẹn 300 tàu của Hoa Kỳ.

Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy lượng cá mà Trung Quốc đánh bắt trong năm 2018 chiếm 15% tổng số trên thế giới, đứng hàng thứ nhất so với 7% của Indonesia và Peru, hai nước đồng vị trí thứ hai. Ấn Độ chiếm 6%, Nga 5%, Hoa Kỳ 5% và kế đến là Việt Nam ở mức 3%.

Loạt bài gần đây của tờ báo Anh xuất hiện sau khi hải quân Ecuador phát hiện tới 340 tàu cá Trung Quốc ở ngay sát lãnh hải của họ tại Galápagos. Hiện 325 tàu vẫn tiếp tục đánh bắt tại vùng tuy là lãnh hải quốc tế nhưng vẫn phải tuân thủ luật quốc tế về khai thác hải sản.

Ecuador từng bắt được tàu cá siêu lớn của Trung Quốc sau khi tàu này đánh bắt trái phép được trên 300 tấn cá trong đó có hàng ngàn con cá mập bao gồm cả loại cá mập đầu búa đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Báo Guardian dẫn lời ông Steve Trent, giám đốc tổ chức bảo vệ môi trường mang tên Quỹ Công lý Môi trường, nói Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, vốn chiếm tới 70% thị trường hải sản toàn cầu cần có biện pháp để ngăn tình trạng đánh cá trái phép và bừa bãi của các tàu Trung Quốc bằng cách không tiêu thụ sản phẩm của họ.

Nhiều người như ngôi sao Leonardo DiCaprio đã thức tỉnh và hiểu rằng tài nguyên trên thế giới sẽ cạn kiệt cũng như nhiều sinh vật biển sẽ tuyệt chủng nếu tình trạng đánh bắt tận diệt hiện nay của Trung Quốc tiếp diễn.

Một số người tiêu dùng ở Anh cũng tránh mua hải sản rẻ tiền vì họ hiểu của rẻ thường tới từ các tàu cá Trung Quốc hoặc của các nước khác vốn không chỉ đánh bắt vô lối mà còn đối xử với các thuyền viên không ra gì.

Hồi tháng Bảy năm nay, thi thể một thuyền viên 20 tuổi người Indonesia được phát hiện trên một tàu cá Trung Quốc tại Dải Malacca sau khi cảnh sát chặn hai tàu đánh cá vì được mật báo có trường hợp tử vong. Cảnh sát nghi ngờ rằng thuyền viên đã bị tra tấn trước khi chết.

Nếu thói quen ăn thú hoang của một số người Trung Quốc đang khiến cả thế giới gánh chịu hậu quả của Covid-19, thói quen tiêu thụ hải sản mà các tàu cá Trung Quốc đánh bắt vô tổ chức sẽ góp phần làm nghèo tài nguyên biển và ủng hộ cho việc bóc lột sức lao động của các thuyền viên. Mỗi người tiêu dùng thực ra đều có quyền lực và họ có thể nói không với hải sản không rõ nguồn gốc hay có nhiều khả năng tới từ các tàu cá đánh bắt tận diệt của Trung Quốc.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG