Như Nguyễn đã viết trong một bài tản mạn, phim The Hurt Locker không có đổ máu nhiều, không có nhiều chết chóc, nó như một bộ phim tài liệu, phán ánh được sự hoang tàn, khốc liệt và vô nghĩa của chiến tranh: Một con mèo bị thương ngơ ngác giữa đống đổ nát, một cậu bé bán DVD lậu hằng ngày, là bạn của những người lính, bỗng một hôm chết quanh bụng còn gài những quả bom... Những hình ảnh này nói lên nhiều lắm và khiến chúng ta -trong đó có Nguyễn- bồi hồi xúc động và nghĩ ngợi.
Quả thật, người xem bị căng thẳng thần kinh, cảm thấy sự sống và cái chết như một trò chơi may rủi trong chiến tranh. Và một câu hỏi được đặt ra trong đầu, đó là cuộc chiến kia bao giờ sẽ kết thúc? Hay sẽ mãi tiếp diễn như câu nói của nhân vật William James: Chiến tranh là một thứ ma túy... Dòng chảy cuồn cuộn của cuộc chiến đôi khi tiềm ẩn một chất gây nghiện chết người. (The rush of battle is a potent and often lethal addiction, for war is a drug)
Nhưng chiến tranh có thật sự đúng là một thứ ma túy không? Nhìn sâu vào tâm thức con người trong cuộc chiến, có thể nói bất cứ người lính nào cũng muốn chiến tranh kết thúc để được trở về với gia đình. Chẳng hạn viên trung sĩ Sanborn thường nói với James rằng anh ta không thể nào chịu nổi sức ép trong đội tháo gỡ mìn và anh ta mơ tưởng đến một ngày giã từ chiến trường Iraq, trở về và tạo lập một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Mark Boal, người viết kịch bản “The Hurt Locker”, đã trở về. Jeffrey S. Sarver, cùng trong toán tháo gỡ mìn với Mark Boal, cũng đã trở về. Nhưng có nhiều người lính đã không về. Có thể các bạn và Nguyễn, có người không tán thành cuộc chiến tranh Iraq, nhưng chúng ta không thể nào quên những người lính ấy.
Vâng, đã lâu rồi Nguyễn có viết trong bài Ánh Trăng:
những cuộc chiến tranh dần dịu lửa
người về. nghe câu chuyện dòng sông
reo vui. ấm nước. bên đồng cỏ
uống chén trà thơm. thức đợi trăng
Nhưng thực tế đã không được như thế. Chiến tranh như lửa cháy vần quanh. Chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Vùng Vịnh. Chiến tranh bên bờ con sông Tigris ở Iraq. Chiến tranh trên vùng đá núi Afghanistan. Và nhiều người lính đã không về. Hôm nay, Nguyễn xin được viết về những người lính ấy, như một lần tưởng niệm.
Còn nhớ cách đây hơn hai năm, vào một ngày mùa hạ, Nguyễn đọc trên tờ “The Dallas Morning News”, thấy bức ảnh chụp một thiếu phụ trong nghĩa trang Arlington ở Washington DC. Người thiếu phụ ấy còn rất trẻ, mặc bộ áo dài hở lưng, nằm than khóc trước một nấm mồ. Mùa hè rồi, bên cạnh nấm mộ đá nở một bông dã quỳ vàng cháy. Hôm nay, một sáng chủ nhật đầy nắng, nhân viết về cuốn phim “The Hurt Locker”, Nguyễn vào trang Blog của Getty Images, bắt gặp lại tấm hình người thiếu phụ trước nấm mộ và bông dã quỳ. Một người lính về từ chiến trường Iraq đến thăm đồng đội nằm ở đây, đã ghi lại: “Vẻ đẹp trong sáng của những ngọn đồi ở Arlington, và những cảnh sắc tuyệt vời của thủ đô Washington đã tương phản với thực tại trước mắt đầy những mất mát, với nỗi đau vẫn còn tươi nguyên và hằn in trên mặt người. Bạn bước đi trên lớp cỏ còn nguyên rể lòi ra bên huyệt mộ mới đào. Một bà mẹ cúi xuống hôn bia mộ của con. Hai người lính đặt hoa trên mồ bạn. Một cậu nhỏ để lại một tờ giấy viết tay ghi hàng chữ: “Con hy vọng rằng bố thích Thiên Đàng cũng như bố đã yêu mến Virginia. Con sẽ đến thăm bố mỗi Chủ Nhật. Bố nhớ viết thư cho con nghe.”
Cũng trong khu nghĩa trang Arlington, chúng tôi đã gặp cô Mary McHugh. Cô ngồi khóc trước ngôi mộ đá của vị hôn phu James “Jimmy” Regan đã chết ở chiến trường Iraq. Lời cô vỡ ra nghẹn ngào. Có lúc cô ngừng lại như muốn giải thích một điều gì đó phát xuất từ lòng cô.
Mary kể với chúng tôi về vị hôn phu Jimmy Regan của cô. Chẳng những cô yêu anh mà còn ngưỡng mộ. Sau khi tốt nghiệp ở ĐH Duke, anh quyết định vào quân đội dể phục vụ đất nước. Anh tử trận hồi tháng 2 năm 2007 ở chiến trường Iraq vì một quả bom nổ trên đường (roadbomb). Mary nói rằng họ dự tính kết hôn vào năm tới khi Jimmy giải ngũ trở về. “Chúng tôi yêu nhau. Hai đứa nghĩ sẽ mãi mãi có nhau trong đời.”
Chúng tôi rời cô, một lát trở lại thấy cô nằm trên cỏ khóc than trước mộ người yêu, cô thì thầm trước bia đá, khuôn mặt áp gần phiến cẩm thạch, như thể cô đang nói nhỏ vào tai Jimmy.”
Lần chia tay cuối cùng...
Đây là lời của Trung Sĩ Juan Campos, 27 tuổi, viết cho vợ trong email ngày 12 tháng 12 năm 2006, được đăng lại trên tờ “The New York Times”.
Này, em yêu kiều diễm,
Bọn anh lai gặp tình cảnh hỗn mang, mất thêm hai người bạn nữa. Đời sống của một người lính bộ binh trên chiến trường chẳng thể nào an toàn được. Bom, mìn và những tên bắn sẻ… Hãy cầu nguyện và tưởng nhớ tới anh. Đôi khi, anh cảm thấy không thể nào chờ đợi tới lúc ra khỏi nơi này để trở về với em. Tình trạng quá căng thẳng, chẳng biết anh còn chịu đựng được bao lâu nữa, tuy nhiên vì đồng đội của mình, anh sẽ cố gắng tỏ ra can trường dũng cảm. Mong em hiểu cho anh.
Vâng, anh chắc chắn rằng mình sẽ để dành được ít tiền nếu em về ở với mẹ… và đồng thời em có thể giúp mẹ thanh toán được vài cái bill trong lúc này. Anh yêu và nhớ em như điên. Anh nghĩ nhiều đến hai mẹ con. Ôi, giá như anh có được một phút ra khỏi cơn ác mộng này để ôm hôn cả hai người. Em hãy giúp anh đến thăm mẹ và những người em gái của anh, nói với họ rằng anh yêu họ biết bao. Thôi, anh còn nhiều việc phải làm và mong sớm nhận được thư em.
Yêu em mãi mãi, ôi một nửa của anh. Và xin em nhớ rằng anh chỉ mong ra khỏi nơi này để trở về với em và con, sống những ngày hạnh phúc.
Juan Campos
Trung sĩ Juan Campos được hai tuần nghỉ phép hồi năm 2006, và anh đã bay từ Baghdad về Texas. Anh viếng thăm mộ bố, rồi đến ở lại một ngày với ông bà. Hôm chuẩn bị trở về lại chiến trường Iraq, Juan Campos cùng với vợ đi khiêu vũ và ăn uống suốt đêm với bạn bè. Bản tính trầm tĩnh và kín đáo, thế nhưng Campos đã nhảy hip hop nhiều hơn ai hết. Hôm sau, vợ anh tiễn anh ra phi trường.
“Tôi đã khóc như chưa bao giờ khóc trước kia,” vợ của Campos nói hôm Thứ Ba, 3 tháng 10. 2006. “Cả hai chúng tôi đều cảm thấy rằng đây là chia tay lần cuối.”
Bây giờ, Nguyễn xin nói tới những người lính khác. Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhất là từ các quốc gia nghèo khó. Ôi, di dân, những mảnh đời tan tác. Chiều nay biết về nơi đâu. Họ như mây từ khắp phương trời về đây. Và họ đã tình nguyện vào quân đội Mỹ với giấc mơ quốc tịch và bảo lãnh gia đình sang theo.
Một di dân trẻ tuổi và nhiều tham vọng, gốc người Guatemala, nuôi giấc mộng trở thành kiến trúc sư. Một người lính đến từ Trung Hoa nói một ngày kia anh sẽ trở thành tướng lãnh của quân đội Hoa Kỳ. Một người gốc da đỏ bản xứ đã yên nghỉ ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, trên bia mộ ghi là tín đồ Ấn giáo.
Những người trẻ tuổi được nhắc đến trên đây đều sinh đẻ ở những vùng trời khác và đều ôm ấp “giấc mơ Mỹ”. Tài liệu của báo Dallas Morning News cho biết: Họ thiên di đến xứ này và gia nhập quân đội Hoa Kỳ, tình nguyện đi chiến đấu ở những vùng xa, để từ đó có được quốc tịch Mỹ. Có ít nhất 100 người đã gục ngã ở chiến trường Iraq. Jose Gutierrez là người đầu tiên nằm xuống trong vùng cát nóng của giải đất Umm Qasr trong những ngày đầu của trận chiến Iraq. Sau khi Jose chết, gia đình anh mới nhận được những vinh dự chưa từng có trong đời. Người chị bay từ Guatemala qua dự thánh lễ có sự hiện diện của Đức Hồng Y chủ lễ và các sĩ quan trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến đứng nghiêm chào chiếc quan tài có phủ quốc kỳ của Jose. Người mẹ nuôi của anh đưa thi thể anh về chôn ở Guatemala mà lòng cơ hồ tan nát: Bà không hiểu tại sao Jose phải hy sinh như thế.
Nhưng rồi chiến tranh cứ tiếp tục và ngày càng có nhiều di dân chết cho mảnh bằng quốc tịch và những mộng ước khác. Nora Mosquera, mẹ nuôi của Jose Gutierrez nghĩ rằng việc trao bằng quốc tịch quá muộn đối với Jose, nhưng mặt khác bà lại cảm thấy biết ơn và hãnh diện vì anh. Với Fredina, chị của Juan Alcantara chết ở chiến trường Iraq ngày 6 tháng Mười 2007, thì bằng quốc tịch cũng như các lễ tôn vinh đều là vô hồn bởi vì “cậu ấy không thể nói lời tuyên thệ từ bên trong quan tài”.
Một người lính khác nữa đến từ một vùng đất rất xa -vùng đất của gió mùa và sương muối: Việt Nam. Anh ta tên Nguyễn Khắc Bình, nhân vật trong truyện ngắn Đường Ra Khỏi Basra của Nguyễn Thị Thảo An. Đây là truyện ngắn đầu tiên của một nhà văn Việt Nam -mà lại là nhà văn nữ- viết về chiến tranh Iraq. Một truyện ngắn cảm động và đặc sắc, đầy tinh thần nhân bản và long xót thương. Nguyễn Thị Thảo An chưa hề ở trong lính, chưa hề đến Iraq mà viết rất hay, rất độc đáo về cuộc chiến trên đất nước này.
Nguyễn Khắc Bình được gia đình cố gắng lo cho đi du học, ngay cả phải cầm cố nhà cửa, đất đai. Anh thường xuyên nghĩ tới cha mẹ già vò võ với bao nỗi xót xa, Cũng như những di dân người Guatemala, Venezuela, Trung Hoa… nói trên, Nguyễn Khắc Bình quyết định vào lính Mỹ, phục vụ một thời gian để vừa được quy chế vào quốc tịch, vừa được học bổng học đại học, sau đó anh có thể bảo lãnh cha mẹ già sang đây. Chiến tranh Iraq mới bắt đầu, đang cần lính. Thế là anh ghi tên gia nhập, đi đánh nhau ở chiến trướng Iraq, với hy vọng làm “cá vượt vũ môn”. Vì, như Nguyễ n Khắc Bình nói. “Từ dân Việt để trở thành công dân Mỹ cũng giống như đi đầu thai kiếp khác, tôi cần phải 'vượt vũ môn' như một con cá chép thật.”
Ra trường một năm, đơn vị của Nguyễn Khắc Bình mới được đưa qua Iraq. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở nơi đây. Súng nổ khắp nơi. Loạn quân Iraq xả súng bắn cả vào chợ búa, nhà thờ, trường học, thậm chí đám cưới hay tang lễ.
Nơi đầu tiên đơn vị đặt chân đến là Mosul. Từ đó, đơn vị được chuyển bằng trực thăng tới vùng núi cao nhất Iraq là Haji Ibrahim. Ở đây, họ phải chiến đáu với những toán địch quân xuất hiện như những bóng ma trong các hang động tối tăm. Những cuộc đụng độ ác liệt diễn ra dưới sự yểm trợ của máy bay Apache. Sau đó, đơn vị của Nguyễn Khắc Bành được chuyển đi giữ anh ninh cho cuộc bầu cử.
Tiếp theo, tiểu đoàn được lệnh tới Basra. Khi ngang qua Baghdad các chiến binh được viếng thủ đô trong 48 giờ. Baghdad là diễn trường của khủng bố, phá hoại, bắt cóc, của “road bomb” và bom “tự sát”. Từ Baghdad đơn vị di chuyển qua thành Babylon. Rồi tiến thẳng xuống Basra, qua nhiều khúc sông, hồ và đầm lầy lau sậy, với những hàng chà là rợp bóng.
Cách Basra hơn 46 dặm, là Al-Qurnah, Vườn Địa Đàng của Adam và Eva. Đây là ý nghĩ của Nguyễn Khắc Bình khi đứng trước Cây Nhân Sinh Tree of Life. “Bây giờ, tôi cũng muốn chạy tới xem cây Tree of Life, bằng cách này hay cách khác, tôi sẽ trộm cắn một Trái Cấm. Xin Chúa hãy đày tôi ra khỏi Vườn Địa Đàng hay nói đúng hơn đày tôi ra khỏi Iraq, tránh xa cuộc chiến này. Tôi chưa muốn chết, nhất là chết ở một đất nước không có dây mơ rễ má nào với tôi….”
Cuối cùng, tới Basra, vùng đất của định mệnh. Nguyễn Khắc Bình và đồng đội đóng quân ở đây “bảo vệ các giếng dầu và hệ thống dẫn xuất, hệ thống khí đốt quan trọng của Iraq. Ngoại trừ thủ đô, đây là thành phố lớn nhất Iraq, dân số một triệu rưỡi.” Nguyễn Khắc Bình cùng mấy người nữa được phân công canh gác trước doanh trại trong thời tiết nóng tới 120 độ F. Thế rồi…
“Từ xa, một chiếc xe vận tải xuất hiện. Thằng Ted chộp ống nhìn, quan sát. Nó nói, xe giao sữa. Nó lui vào trong, ra sau cổng, lấy máy rà mìn. Tôi cũng ngó qua ống nhìn. Xe chạy băng băng. Tôi nhận ra, thằng lái xe là Abu gì đó, tôi quên mất. Nó vẫn thường giao sữa mỗi thứ Hai, thứ Năm. Nhưng hôm nay là thứ Sáu mà. Ngày thứ Sáu người Hồi giáo đồng loạt nghỉ, không có ai làm việc vào ngày này. Tôi dán mắt vào ống nhìn. "Trời ơi!" Tôi kêu lên, gần đến cổng, mà nó xả hết tốc lực.
"Xe bomb." Tôi thất thanh kêu. Không còn kịp nữa, tôi lao ra về phía trước, đưa khẩu súng nhắm. Trong trại, đơn vị đang ăn trưa, hơn 400 lính đang ngồi đầy trong đó. Nếu bắn, thật nguy hiểm. Có thể tôi bị thương hoặc sẽ chết. Bắn thằng Abu, xe vẫn lao tới. Không suy nghĩ nữa, tôi quyết định trong nháy mắt.
“Tôi bóp cò phóng lựu bên dưới khẩu M4, một quả M203 bắn vọt ra như hỏa tiễn, đâm ngay thùng xe. Tôi nhìn thấy một đường khói còn chưa tan hẳn. Một tiếng nổ kinh hồn rung chuyển mặt đất. Lô cốt rung rinh. Cát và đá mịt mù. Mà lạ quá, bỗng nhiên tôi thấy mình nhẹ hửng, bay lên, bay lên cao. Tôi nhìn xuống. Ôi, thân xác tôi kia. Tôi nằm bất động. Những mảnh kim loại cắm đầy người. Chiếc xe bomb nát như tương. Thằng Abu mất xác.”
Trong cơn mê, khi hồn bay lên, Nguyễn Khắc Bình thấy “Bây giờ, thế giới hai nơi. Tôi bắt đầu mơ màng chìm trong giấc ngủ. Đâu đây văng vẳng bài hát tôi yêu.
“... Trả súng đạn này. Ôi, sạch nợ sông núi rồi
Tôi trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất, năm nao...
Cuối cùng thì tôi cũng tìm được con đường ra khỏi Basra.”
Như thế đó, Nguyện Khắc Bình chết. Anh chết như mơ… Anh chết trước khi nhận được bằng quốc tịch với những nghi lễ tôn vinh và lời tuyên thệ… Anh chỉ có thể trở về trong chiếc áo quan. Nguyễn Thị Thảo An viết thật hay, khiến Nguyễn đọc mà trái tim thắt nghẹn. Hỡi ơi, Trung sĩ Nguyễn Khắc Bình!