Đường dẫn truy cập

Những cánh rừng


Những cánh rừng
Những cánh rừng

Giữa tháng Ba, anh Sơn tôi ở Vienna, Virginia, bị mổ tim, tôi từ Seattle đến thăm và ở lại với anh một tuần. Thành phố này vừa trải qua một trận bão tuyết, trận bão trút xuống mặt đất một lượng tuyết cao gần 3 feet. Khi tôi đến tuyết đã tan, mặt trời đã quay trở lại như một vuốt ve, an ủi, trên những mái nhà bị hư hại và trên những thân cây vừa bị ngã gục. Cả thành phố bây giờ là những thân cây trơ cành, đang đợi hồi sinh.

Tôi ở tiểu bang được gọi là “Everygreen State”; cây thông nhiều hơn cây phong, cây sồi và cây gụ nên chưa bao giờ được nhìn thấy nguyên cả cánh rừng cây không lá. Bởi thông lúc nào cũng mọc chen vào giữa những cây rụng lá mùa đông, nên đã điểm xuyết màu xanh ngọc giữa những cành đã trơ thân. Mặc dù mùa thu của thành phố Seattle cũng nhuộm đỏ, nhuộm vàng khi cây phong, cây sồi thay sắc, nhưng cả một rừng trụi lá thì quả thật không có.

Khu xóm của anh tôi, được xây trong cánh rừng “Wolf Trap” ở Vienna, Virginia. Sau lưng những ngôi nhà người ta vẫn giữ một vùng rừng làm công viên. Thiên nhiên đuợc bảo vệ tối đa nên vẻ đẹp của công viên rất hoang dã. Nếu đứng ở xa nhìn vào, khu rừng không lá của mùa đông, như một bức tranh vẽ bằng chì than trên khung bố xám bầu trời. Một bức tranh tĩnh vật của thiên nhiên. Đẹp đến lặng người đi.

Tôi bước vào rừng, đứng giữa những thân cây thẳng đứng, khô, nhám, với những cành nhỏ như những cánh tay trần đưa ra, tôi bỗng rùng mình thấy như chính xương mình bị tuốt hết da thịt. Nó đẹp, một cái đẹp bi thảm, nó làm người ta liên tưởng đến thập giá, đến mão gai, đến như Chúa đang dang tay ra đứng với mình. Cả cánh rừng không có một màu sắc nào ngoài màu nâu xám, khác chi giáo đường vào mùa Chay không hoa, không nến, chỉ một cây thánh giá đứng cô đơn. Dưới chân tôi là một thảm dày lá khô, giẫm lên nghe rõ tiếng lá xào xạc thở. Phải công nhận rừng không lá có một vẻ đẹp riêng của nó. Nó buồn đến não lòng, hình như trên mỗi thân cây có mang dấu vết của hy sinh. Nó đang chết đi, để cho những chồi non sống lại, nó “làm việc chết” đó một cách thản nhiên, nên rừng chết đẹp đến bàng hoàng, đẹp đến ứa nước mắt. Cây chết, đẹp và buồn như Chúa chết. Có ai nhìn thấy như tôi nhìn thấy không!

Bây giờ là đầu tháng Tư. Người Việt nào ở hải ngoại cũng như đang lên cơn sốt, một cơn sốt lây lan ra từ bang nọ đến bang kia, từ quốc gia này sang quốc gia khác, không có thuốc chủng nào ngăn được. Cơn sốt của vết thương ba mươi lăm năm làm độc trở lại. Những bài viết, những hình ảnh về cuộc di cư từ năm 1954, đến Mậu Thân, An Lộc, và cuộc triệt thoái miền Nam 1975 được gửi chuyền cho nhau. Mỗi lần nhận được những hình ảnh oan khốc, kinh hoàng của cuộc chiến huynh đệ tương tàn đó, tôi cứ rùng mình tưởng như trên màn hình của máy vi tính, ứa ra những giọt máu, giọt nước mắt của dân tộc mình. Làm sao lau khô được!

Tháng Tư cũng là tháng bắt đầu vào xuân của nước Mỹ. Những hàng cây trút lá u buồn trong mùa đông, để mầm non sẽ nhú ra và đua nhau nở rộ, một chiếc áo màu xanh ngọc sẽ được khoác lên cho từng mỗi thân cây. Tất cả những cánh rừng sẽ hồi sinh. Khi rừng hồi sinh có nghĩa con người sẽ được hưởng những phúc lộc từ rừng. Chim chóc, thú rừng, suối, sông, cũng đều sống còn nhờ sự vững chãi của rừng. Nhưng tháng tư của người Việt di tản là những giọt lệ chảy xuống, đánh thức: những kỷ niệm buồn, bổn phận, trách nhiệm và hồi xuân tình yêu thương, đoàn kết nhau.

Tháng Tư của ba mươi lăm năm sau, mỗi người Việt tha hương, dù ở đâu chăng nữa, quay đầu nhìn lại quê hương, cũng chỉ nhìn thấy những cánh rừng đã chết, hay đang chết.

Mặc dù trong những cánh rừng đó: chim chóc vẫn tha mồi về làm tổ, những con cọp, con báo đang nhe nanh vuốt, những con hươu, con nai hiền lành đi lại, những con thỏ, con sóc ốm yếu chạy lăng xăng. Tất cả sinh vật vẫn còn đó, vẫn sống.

Tháng Tư chúng ta nhớ đến những người lính còn sống sót ở lại quê nhà, họ như cây trụi lá, tứ chi thương tật, đời sống sạt lở, nhưng vẫn âm thầm ôm hy vọng như những cành khô giấu kín những chồi xanh, chờ nắng đến là nở tung lộc biếc. Mặt trời khi nào mới rọi xuống những cánh rừng thương tật này?

Tháng Tư ta nhớ đến những người lính đã mất đi, nằm trong lòng đất, những người lính quốc gia đó đã bị đốn xuống như cây trong rừng. Cái chết đó dù tự nguyện, hay bị bức tử. Họ đã theo chân Chúa, chấp nhận mão gai, dấu đinh, thương tích và vác những cây thập tự cho đến hơi thở cuối, không than van, không oán trách số phận.

Những người lính đó dù sống hay chết khi chúng ta từ xa quay đầu về hướng quê hương chúng ta vẫn thấy họ, những thân cây hy sinh đó, đẹp và buồn đến não lòng.

Tháng Tư đứng đây, quay đầu nhìn lại những cánh rừng còn sót lại trên quê tôi; những cánh rừng này cũng đang bị giết chết đi, bị hy sinh cho một điều phi lý. Rừng trên đất Việt đang bị hy sinh và sẽ chết đi cho những con người không thuộc nước Việt. Không phải một bìa rừng, một hay hai mẫu rừng, mà con số lên đến ba trăm ngàn mẫu (300,000 ha.) rừng đầu nguồn. Khi cây bị đốn rừng sẽ khóc đến bao giờ, ai lau nước mắt cho rừng? Chim, thú không còn chỗ sống, lộc non mất cả mùa xuân vì không còn cành để khoe lá nõn. Rồi một giống người “lạ” không cùng ngôn ngữ sẽ cư ngụ trên đó. Năm mươi năm sẽ là hai thế hệ. Khi người chủ cũ trở về, thì chính họ sẽ trở thành người lạ; cũng giống như người Việt hải ngoại trở về, tìm lại nhà cũ của mình ở ngay chính quê mình còn bị hất ra thành kẻ “lạ”, huống chi kẻ chiếm rừng không cùng đồng chủng. Có những làng xóm lạ sẽ mọc lên ở trên ba trăm ngàn mẫu đất này, và năm mươi năm sau, khi hạn cho thuê rừng đã hết, chúng ta sẽ có: các ông bà ngoại, ông bà nội, bà mẹ, ông bố, thêm một bầy trẻ nữa, không phải là người Việt. Họ là Tàu Trung Quốc, Tàu Đài Loan, Tàu Hồng Kông. Chúng ta mất rừng, mất đất một cách vô cùng tự nhiên.

Rừng không phải bị tuốt lá đến tận xương da, nó bị chết thật rồi, nó bị chém ngang thân và chết đến tận gốc. Một cái chết thật buồn nhưng không đẹp, vì sau cái chết đó mùa xuân không còn chỗ để về.

Tháng Tư, trong những túp lều nghèo nàn trống vắng, bên cạnh những bìa rừng của chân núi Trường Sơn, có những bà mẹ già, lưng còng, tóc bạc, ngồi khóc nhớ thương con. Mẹ ngồi im như tượng, nghĩ lại những bài diễn văn hùng hồn, người ta đọc lên trong những ngày giỗ tập thể cho những thanh niên đã hy sinh khi đi xẻ dọc Trường Sơn. Rừng xơ xác lá, mẹ xơ xác thân già, mẹ ngồi nghe gió thổi qua rừng, gió vào căn lều trống, gió lại đi ra, mẹ nhìn những mảnh giấy ố vàng với dòng chữ “Tổ Quốc Ghi Công” treo lệch lạc trên vách. Con trai mẹ lúc đó 17 tuổi. Trường Sơn xẻ dọc hơn năm mươi năm (*),đất nước nối lại ba mươi lăm năm. Có ai nhớ đến những bà mẹ này không? Bức tranh của mẹ bên cánh rừng buồn bã quá!

Tôi vẫn mỗi buổi sáng cùng anh tôi thong thả đi bộ trong cánh rừng Wolf Trap này, chúng tôi ngưng lại ở một con suối nhỏ, có cây cầu gỗ bắc qua. Khi chúng tôi ngồi xuống ở mấy tảng đá dưới chân cầu, có khi đứng trên cầu ngó xuống. Tôi lắng nghe tiếng suối róc rách và ngắm nhìn sự khôn ngoan của dòng nước. Suối bắt đầu từ đâu tôi không thấy, nhưng nước suối trong suốt và chảy liên tục không ngưng nghỉ, khi nước gặp phải những tảng đá cản đường, nước rẽ thành hai và bọc hai bên tảng đá, thản nhiên chảy, rồi chập lại làm một phía bên kia tảng đá, tiếp tục xuôi dòng. Tôi đã học được sự khôn ngoan của dòng nước. Nước dạy cho tôi biết, bằng một cách nào đó nước có bị chia dòng tan ra trăm ngả, vì những tảng đá chặn lại, nước vẫn tìm đường để chập lại với nhau.

Tôi đang ngồi trong một cánh rừng cuối đông, những thân cây nâu xám khô cằn, vây kín chung quanh hai anh em tôi với một vẻ đẹp đơn sơ, một chút hoang dã, một chút thân mật gần gũi. Những cơn gió nhè nhẹ thổi qua, không có tiếng lá lao xao, nhưng trong thinh lặng tôi nghe được tiếng tim của rừng khe khẽ đập. Tôi đứng lên, vít xuống một cành ngang tầm mắt, tôi nhìn thấy những mầm xanh lấm tấm như những cánh mỏng của một loài sâu hiện ra suốt chiều dài của cái cành khô khốc đó, mầm xanh của mùa xuân đang tìm cách nhú ra. Tôi ngắm nghía cái cành ngang tầm mắt mình, ngước mắt nhìn lên bầu trời xuyên qua những cánh tay cây khẳng khiu, nhìn bao quát cả cánh rừng với những thân cây đứng nhẫn nại, khô khốc và buồn buồn. Tôi bỗng “ngộ”ra: cả cánh rừng đang thản nhiên chết để cho những mầm xanh trong thân cây sống lại. Sự sống đến chậm chạp nhưng chắc chắn. Cái mầu xanh ngọc mong manh nhưng tiềm ẩn một sự có mặt vững vàng như muốn nói: Cái chết đẹp và cao quý của rừng đã được đền bù bằng sự hồi sinh của những chùm lá mới.

Tôi tin tưởng những cánh rừng trên quê tôi sẽ không chết hẳn, nó sẽ phục sinh khi mặt trời trở lại. Những chùm lá nõn sẽ nở bung ra, quấn quít lấy nhau như anh, như em và một đời cây mới sẽ trưởng thành.

Trần Mộng Tú

Tháng Tư, 2010

(*) 19/5/1959- Ngày Cộng Sản Bắc Việt mở đầu chiến dịch “Xẻ dọc Trường Sơn”, gửi những thanh niên ở tuổi 17 ra mặt trận.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG