Đường dẫn truy cập

The Year Of The Flood (Năm Hồng Thủy) - Margaret Atwood


The Year Of The Flood (Năm Hồng Thủy) - Margaret Atwood
The Year Of The Flood (Năm Hồng Thủy) - Margaret Atwood

The Year of the Flood là một tiểu thuyết chống lại tiểu thuyết viễn tưởng hiện thực mô tả tình cảnh của một xứ sở bị thống trị bởi kỹ nghệ chế tạo sinh học và những Tổ Hợp vô nhân sẽ đem lại những hậu quả vô cùng thảm khốc không những cho con người mà còn cả trái đất.

Sau hai cuộc thế chiến với những hậu quả thảm khốc, nhân loại đã ý thức được một cách sâu sắc hơn về những thảm họa đủ loại có thể xảy đến trong tương lai. Vào cuối thập niên 40s nhà văn Anh George Orwell đi tiên phong trong việc chỉ ra những thảm họa khi chế độ độc tài toàn trị thắng thế tại một xứ sở nào đó bằng quyển tiểu thuyết lừng danh 1984. Ở những xã hội dân sự trong những nước tư bản Âu-Mỹ từ nửa sau thế kỷ 20 đã xuất hiện khá nhiều những hội đoàn tập hợp những người có chung một lý tưởng cảnh giác về một thảm họa nào đó, chẳng hạn hội chống chiến tranh nguyên tử, các hội bảo vệ thiên nhiên, súc vật v.v… Trong những thập niên gần đây, tiếp sau những thành tựu lớn của khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất và những hậu quả của sự phát triển này khiến môi trường sống của con người trở thành mối quan tâm hàng đầu của hầu hết mọi người trên thế giới. Việc bảo vệ môi trường ngày nay không chỉ là mối quan tâm của những hiệp hôi tư nhân mà đã trở thành một chủ đề trong chính sách của nhà cầm quyền ở nhiều nước phát triển, trong đó một chương trình thực hiện “năng lượng sạch” được coi là một đòi hỏi cấp thiết.

Dĩ nhiên thảm họa đã trở thành vùng đất màu mỡ của văn chương, nhất là tiểu thuyết. Nhưng đa số nhà văn có khuynh hướng đặt thảm họa không phải trong quá khứ hay hiện tại mà trong tương lai trong các tác phẩm của họ. Đối nghịch với thứ văn chương có tên gọi là “viễn tưởng” nhằm “tô hồng” những ảo tưởng hiện thực xã hôi – trên hết là những ảo tưởng do một loại ý thức hệ chính trị tô vẽ ra – ngày nay loại hình tiểu thuyết chống ảo tưởng (dystopian) được sử dụng nhiều để nói lên những thảm họa cận kề đặt ra cho nhân loại. Quyển tiểu thuyết mới nhất The Year of the Flood/Năm Hồng Thủy của nhà văn nữ Canada nổi tiếng Margaret Atwood ra mắt năm 2009 được coi là một tác phẩm xuất sắc thuộc loại này.

Người phụ nữ có thân hình mảnh mai, mái tóc ngả bạc bồng bềnh và cặp môi luôn nở nụ cười thông minh hóm hỉnh, tuy đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy,” Margaret Atwood vẫn có sức sáng tác đáng ngạc nhiên. Với trên 20 tiểu thuyết, hàng chục thi phẩm, nhiều tập luận văn khảo luận về văn chương, và 6 tập truyện viết cho thiếu nhi, bà là một trong những chân dung văn chương thế giới được yêu mến và ngưỡng mộ hiện nay.

Tiểu thuyết The Handmaid’s Tale/ Truyện Người Hầu Gái xuất bản năm 1985 và được trao giải Booker Prize của Margaret Atwood được người đọc ưa thích nhất. Trong quyển này tác giả tưởng tượng ra một nước Mỹ bị những kẻ theo trào lưu chính thống kinh sợ Thiên chúa nắm quyền kiểm soát, và bọn này lại là những kẻ thù ghét dân chủ và nhân quyền, nhất là nữ quyền nên đã tạo nên những hậu quả thảm khốc về mọi mặt trong đời sống. Năm 2003 Margaret Atwood tiếp nối giòng tiểu thuyết chống ảo tưởng của bà bằng quyển Oryx và Crake nhưng quay mối quan tâm về một thế giới tương lai bị kỹ thuật sinh học chế ngự bằng những sản phẩm tạo sinh không có nhân tính và có tham vọng triệt hủy con người để thay thế. Quyển The Year of the Flood/Năm Hồng Thủy là tác phẩm thứ ba của Margaret Atwood hầu như để kết thúc giòng tiểu thuyết chống ảo tưởng của bà, tuy quyển này không phải là quyển nối tiếp của quyển Oryx và Crake.

Tác giả mở đầu truyện ở thời điểm năm 25 khi mà những thời đại và những sinh vật đã biến đổi theo một tốc độ chóng mặt gây nên những hậu quả là mối quan hệ xã hội mật thiết đã bị bào mòn mỏng manh chẳng giống như môi trường sống cũng đang mất dần nền móng bền vững, và năm 25 cũng là năm đại họa lụt lội xảy ra. Nhưng điều khác thường ở đây là đại họa này tuy được gọi là hồng thủy nhưng lại là một trận hạn hán khủng khiếp. Như vậy tác giả dùng hồng thủy theo nghĩa một ẩn dụ hơn là một sự kiện có thực.

Trận đại họa này đã giết chết hầu như hết thảy mọi người, trừ một thiểu số sống sót trong đó có Ren và Toby là hai phụ nữ vốn là theo đạo thờ Thần Làm Vườn. Đạo này là một tổng hợp thuyết bảo vệ môi trường cực đoan với việc ăn chay do giáo chủ Adam One sáng lập. Những đệ tử đạo này là những kẻ quyết liệt chống lại việc khoa kỹ nghệ sinh học đang chế ngự toàn xã hội và biến môi trường sống của con người càng ngày càng bị đặt trong tình trạng bị hủy hoại. Adam One trong những bải giảng cũng như trong những bài tụng ca đã báo trước đại nạn hồng thủy.

Trong những trang đầu quyền truyện tác giả giới thiệu hai nhân vật Toby và Ren sống sót sau khi đại nạn đã xảy ra nhưng đang trong tình cảnh bất ngờ bị giam cầm. Toby thì may mắn mắc kẹt trong một căn phòng của cơ sở tập thể dục AnooYoo là nơi cô đang dưỡng bệnh sau một cuộc giải phẫu, còn Toby vốn là một nữ vũ công lại bị nhốt trong trong căn phòng cách ly của hộp đêm trá hình ổ mãi dâm Vẩy và Đuôi nơi cô làm việc. Sở dĩ hôp đêm này có tên là Vẩy và Đuôi vì các vũ công phải hóa trang đeo trên thân thể những vẩy cá và một cái đuôi.

Bắt đầu bằng tình huống hiện tại bị giam cầm, Margaret Atwood quay ngược tuyến tự sự cho người đọc biết qua lời của Toby và Ren hai phụ nữ này đã gia nhập đạo thờ Thần Làm Vườn như thế nào, và đây cũng là dịp tác giả mô tả thực tại với những hậu quả bi hài của một xứ sở bị kỹ nghệ sinh thái trị vì như thế nào. Margaret Atwood đã thả trí tưởng tượng tung cánh trong mô tả một cách thật sống động với khá nhiều chi tiết những kịch bản xã hội cũng như những sản phẩm của kỹ nghệ sinh học trước khi đại họa hồng thủy xảy ra.

Về mặt xã hội, xứ sở này giờ đây đã hoàn toàn bị phân cách với thiểu số những kẻ giàu có đặc quyền đặc lợi sống trong những khu riêng biệt được canh gác cẩn mật trong khi đại đa số dân chúng là người nghèo khổ không những phải sống trong những khu ổ chuột mà còn bị côn đồ đầu gấu và những nhóm tôn giáo cực đoan chia để trị. Một trong những nhóm tôn giáo cực đoan này là nhóm thờ Thần Làm Vườn. Chính Toby đã được giải cứu khỏi tay ông chủ dâm đãng Blanco Phù Thũng ở một tiệm Bánh Mỳ Kẹp Thịt Bằm Bí Mật (SecretBurgers) nên trở thành một đệ tử của đạo này và được thăng cấp lên hàng thứ sáu với tên gọi Eve Six. Nhưng móng vuốt của Blanco Phù Thủng cũng không buông tha Toby và những đệ tử khác nên cô phải cải danh rồi vào làm việc cho cơ sở tập thể dục AnooYoo. Cuộc đời của Toby và Ren qua lời kể của hai người được tác giả xếp trong những chương sách xen kẽ đan chéo nhau cho người đọc thấy một thế giới quái đản họ phải cố gắng để tồn tại.

Về những sản phẩm của kỹ nghệ sinh học, người đọc gặp những chú heo có bộ óc gồm những tế bào của con người nên không còn ngu đần, những con trừu mang bộ tóc người có nhiều mầu khác nhau, nhất là màu bạc và tím là hai mầu được ưa chuộng nhất. Thỏ tạo sinh nay có bộ lông màu xanh lá mạ. Nhưng đặc biệt hơn cả là con “liobam” là sự pha giống giữa sư tử và cừu, một sản phẩm do một nhóm tôn giáo hoang tưởng chế tạo ra. Nhóm tôn giáo này đã không còn kiên nhẫn chờ lời tiên tri sư tử sẽ quỳ gối trước cừu thành sự thực nên đã tạo ra con vật này với niềm mong ước Hòa Bình sẽ thật sự có trên mặt đất. Thế nhưng, con liobam được tạo ra này lại có mái tóc quăn dài vàng óng và có răng nanh nhọn sắc, khi nó ngoạm vào cổ họng người cặp mắt nó sẽ nhìn nạn nhân một cách trìu mến. Như vậy sản phẩm của nhóm tôn giáo này đã đem lại kết quả trái ngược hẳn với điều họ mong muốn. Nói chung, những con vật được kỹ nghệ sinh học chế tạo ra này hầu hết là những ác quỉ.

Xứ sở này cũng hoàn toàn bị đặt dưới quyền điều khiển của những Tổ Hợp với bộ phận an ninh CorpSECorp. Những tổ hợp này làm chủ khoa học kỹ thuật với sứ mệnh nâng cao phát triển kinh tế vào kìm kẹp dân chúng không được phản kháng. Nhưng mặt khác những Tổ Hợp này trong khi thực hiện những mục tiêu trên cũng hủy hoại môi trường và khai thác tận cùng thiên nhiên để thủ lợi bằng một tốc độ chóng mặt nên đã gây nên sự mất cân bằng của trái đất.

Glenn, một thiếu nhi nhạy cảm thuộc hàng tinh anh của CorpSECorp vốn có cảm tinh với nhóm đạo thờ Thần Làm Vườn nhưng sau này khi trưởng thành với cái tên mới Crake đã quá say mê với sức mạnh bộ óc của mình nên đã mất khả năng yêu thương. Margaret Atwood là nhà văn rất tài tình trong việc trình diện ra mà không phê phán những gì sẽ xảy ra khi con người – nhất là người đàn ông – không còn khả năng yêu thương, chẳng hạn với nhân vật Blanco Phù Thủng vì không có khả năng yêu nên đã trở thành kẻ tàn bạo và thích hành hạ người khác. Trường hợp của Crake tuy có khá hơn, vì Crake đã đánh mất cái bản ngã cô độc nên mong mỏi lấp khoảng trống đó bằng ảo tưởng về sự toàn hảo. Nhìn chung, đọc quyển The Year of the Flood của Margaret Atwood người ta cảm nhận được rằng tình bạn chân thật có khả năng chống đỡ được sự trống rỗng của cuộc sống lao theo tiền bạc/tình dục/quyền lực và tiêu thụ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG