Ngay lúc đang viết bài “Thiếu lãnh đạo”, tôi đã hình dung trước một lời phản biện: Không phải Việt Nam không có chính sách rõ ràng và nhất quán trong việc đối phó với Trung Quốc. Có. Nhưng người ta giấu. Lý do: Chuyện chính trị cần phải bí mật!
Với lời phản biện ấy, nếu có thật, câu trả lời của tôi là: Nói dối!
Một hiện tượng như vậy, cách đây mấy chục năm, nhất là thời thế giới chia thành hai khối, cộng sản và tư bản, có thể xảy ra. Bây giờ thì bất khả. Có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là: khác với ngày xưa, thời đại chúng ta đang sống hiện nay là một thời đại, ở đó, hầu hết các ván cờ chính trị, nhất là chính trị đối ngoại, đặc biệt, liên quan đến các cuộc tranh chấp lớn, đều là những ván cờ ngửa. Mọi nước cờ đều công khai. Giữa thanh thiên bạch nhật.
Lý do thứ nhất: Đó là nguyên tắc dân chủ. Dĩ nhiên không phải chính phủ nào cũng muốn thực hiện đầy đủ các nguyên tắc dân chủ. Nhưng người ta lại không thể cấm dân chúng, nhất là giới truyền thông, thực hiện nguyên tắc ấy. Bằng nhiều cách khác nhau, với sự hỗ trợ của cả pháp lý lẫn kỹ thuật, giới truyền thông thường lật tẩy hầu hết những hoạt động mà chính phủ muốn nhận chìm vào bóng tối. Công việc này càng dễ thực hiện trong những vấn đề liên quan đến quốc tế vốn cần sự hợp tác và tham dự của nhiều người thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Con số này càng lớn, các khe hở của các nguồn thông tin càng nhiều.
Thứ hai, trong quan hệ quốc tế, một nước có thể giấu thông tin đối với người dân nước mình nhưng lại không thể cấm việc dân chúng các nước khác biết thông tin về việc làm của chính phủ nước họ. Thành ra, thông tin nếu không bị xì ra ở nước này thì cũng bị xì ra ở nước khác.
Thứ ba, sự chuyển động của các chiến lược quốc phòng, trong quan hệ với quốc tế, là một sự chuyển động lớn không thể giấu giếm được. Tình báo thế giới hiện nay tinh vi đến độ người ta biết rõ nhau đến từng chiếc máy bay chiến đấu, từng đầu đạn nguyên tử, từng căn cứ đóng quân, từng hợp đồng quân sự…
Mỹ, chẳng hạn, về phương diện ngoại giao, luôn luôn tìm cách trấn an Trung Quốc là họ không xem Trung Quốc là kẻ thù. Là họ không hề có ý định tấn công Trung Quốc. Là họ chỉ muốn duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc và bảo vệ một thế giới hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta vẫn thấy rất rõ chính sách và chiến lược của họ trong việc đối phó với Trung Quốc, nguồn uy hiếp chính đối với vị thế siêu cường số một thế giới của họ trong tương lai. Thấy, vì Mỹ không thể giấu được. Có muốn cũng không được. Không thể giấu việc di chuyển các chiến hạm và tàu ngầm sang vùng châu Á Thái Bình Dương. Không thể giấu được việc ký kết các hiệp ước sử dụng bến cảng cho tàu thủy và tàu ngầm của Mỹ ở các nước khác. Không thể giấu được các căn cứ quân sự cho cả mấy ngàn quân trên lãnh thổ của nước khác.
Mỹ muốn giấu, các nước khác cũng không thể giấu. Úc không thể giấu việc cho lính Mỹ sử dụng hải cảng cũng như tập trận trên lãnh thổ của Úc.
Ngay cả những chuyện có thể giấu, người ta cũng không muốn giấu. Thứ nhất, giấu, người ta không thể tạo được sự tin tưởng ở các nước đồng minh hay đối tác chiến lược và chiến thuật. Mỹ, chẳng hạn, phải nói rõ và nói lớn tiếng về chính sách quay lại châu Á của mình; nếu không, không có nước châu Á nào có thể an tâm về sự cam kết của Mỹ cả. Trường hợp của Việt Nam đối với Mỹ cũng vậy: Sẽ không có người nào tin cậy quyết tâm đi với Mỹ của Việt Nam nếu Việt Nam chỉ dám hứa hẹn trên các bàn hội nghị nhưng lại phủ nhận hoặc tránh né ngoài công luận. Thứ hai, nếu việc giấu giếm ấy bị phát hiện, cái giá người ta phải trả trước sự phẫn nộ của dân chúng chắc chắn không nhỏ: Nguy cơ bị thất cử là điều hiển hiện trước mắt.
Nếu Việt Nam thực sự có một chiến lược đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc, để có hiệu quả, chiến lược ấy phải được sự hỗ trợ của ít nhất hai yếu tố chính: thế và lực.
Lực chủ yếu đến từ hai nguồn: Kinh tế và quân sự. Cả hai nguồn ấy đều rất mỏng manh so với Trung Quốc. Về quân sự thì dù có mua thêm bao nhiêu tàu thủy hay bao nhiêu phi cơ, có tăng bao nhiêu quân số thì cũng chỉ là hạt cát so với Trung Quốc. Về kinh tế, Việt Nam không những nhỏ và yếu mà còn lệ thuộc hẳn vào Trung Quốc. Sự lệ thuộc ấy không phải chỉ ở quan hệ xuất nhập khẩu chính thức giữa hai nước mà còn, quan trọng hơn, ở sự thao túng của người Trung Quốc trên thị trường Việt Nam qua số dự án do Trung Quốc trúng thầu, số công nhân hợp pháp cũng như bất hợp pháp người Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, số hàng lậu không ngừng tràn vào Việt Nam trên mọi ngả đường biên giới, và số các công ty Trung Quốc trá hình dưới nhãn Việt Nam hiện diện ở khắp nơi.
Thua ở lực, Việt Nam chỉ còn một hy vọng duy nhất để xây dựng nền tảng cho một chiến lược hữu hiệu: Thế.
Có ba loại thế chính.
Thứ nhất là thế pháp lý. Chúng ta thường khoe với nhau là có nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy chúng ta có chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Tuy nhiên, ở đây, lại có hai vấn đề. Một, những bằng chứng ấy đã đủ chưa? Hai, những bằng chứng ấy có hiệu quả hay không? Về vấn đề thứ nhất, ai cũng thấy là Việt Nam còn cần nhiều hơn nữa mới có thể gọi được là đủ. Nhưng công việc ấy ai sẽ làm? Chắc chắn là giới nghiên cứu chứ không phải là các nhân viên hành chính hay các cán bộ tuyên huấn. Nhưng cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không hề khuyến khích, thậm chí, còn ngăn cấm công cuộc tìm tòi ấy của giới nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu muốn tổ chức hội nghị về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ư? – Cấm! Họ muốn nói chuyện về hai quần đảo ấy ư? – Cũng cấm! Vậy chính quyền sẽ tìm ở đâu ra thêm các bằng chứng lịch sử ủng hộ cho lập trường và quan điểm của mình? Về vấn đề thứ hai, ai cũng biết, cho dù cầm trong tay cả hàng ngàn hồ sơ chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từng thuộc Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ chẳng xem điều đó ra gì cả. Tây Tạng cũng từng có chủ quyền trên đất nước họ, một chủ quyền với nhiều bằng chứng lịch sử kéo dài cả hàng ngàn năm, nhưng Trung Quốc vẫn cứ chiếm đoạt và chà đạp lên Tây Tạng như thường. Ai làm được gì họ? Bởi vậy, thế pháp lý chỉ là cái thế khởi đầu. Nhưng không phải là tất cả. Đó là chưa kể đảng Cộng sản Việt Nam từng tự làm suy yếu cái thế ấy bằng bức công hàm do Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 trong đó thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.
Thứ hai là thế nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam từng nói: thế mạnh của họ là ở nhân dân. Tất cả các cuộc chiến tranh do họ lãnh đạo đều được gọi là chiến tranh nhân dân. Nhưng bây giờ, trong cuộc đương đầu với Trung Quốc, rõ ràng là họ không cần nhân dân. Cái gọi là không cần ấy thể hiện ở hai khía cạnh: Một, họ không thèm nói gì với nhân dân về các chiến lược của họ cả. Họ cứ bảo: Đó là việc của đảng và nhà nước, hãy để đảng và nhân dân lo. Nhân dân hoàn toàn trở thành những kẻ ngoại cuộc. Cuộc tranh chấp với Trung Quốc, trên thực tế, trở thành cuộc tranh chấp – nếu có – giữa đảng Cộng sản Việt Nam và cả nước Trung Quốc. Hai, không những không cần nhân dân, họ còn thẳng tay trấn áp và chà đạp lên bất cứ người dân nào muốn bày tỏ sự phẫn nộ đối với Trung Quốc. Biểu tình chống Trung Quốc? – Bị còng tay hay đạp vào mặt! Viết bài đả kích Trung Quốc? – Bị bắt và đẩy thẳng vào tù! Trên đài truyền hình, họ còn bịa đặt một cách trắng trợn là những người đi biểu tình chống Trung Quốc chỉ là đám côn đồ nhận tiền của ai đó để xuống đường! Nói cách khác, họ không những không cần nhân dân mà còn xem nhân dân là thù nghịch. Đem 90 triệu người Việt Nam đối đầu với hơn một tỉ người Trung Quốc đã là chuyện châu chấu đá xe. Đằng này, nhà cầm quyền Việt Nam lại không cần đến 90 triệu. Họ chỉ cần 3,6 triệu đảng viên. Mà họ cũng không cần đến 3,6 triệu đảng viên ấy. Bất cứ đảng viên nào cương quyết chống Trung Quốc cũng đều bị loại trừ. Nhiều đảng viên yêu nước bị mang ra tòa và bị nhốt vào tù với những lý do vu vơ như trốn thuế. Cuối cùng, họ còn lại bao nhiêu đảng viên để, nếu cần, đối diện với cuộc càn quét của Trung Quốc?
Thứ ba là thế quốc tế. Có thể nói từ giữa thế kỷ 20, chưa bao giờ Việt Nam bị cô thế như hiện nay. Ngày trước, sau lưng Việt Nam còn có khối xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên xô và Trung Quốc. Sau năm 1975, trong trận chiến giữa Việt Nam và Campuchia cũng như giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau lưng Việt Nam còn có Liên xô và khối Đông Âu. Còn bây giờ? Chẳng có ai cả. Khối ASEAN ư? Hội nghị các ngoại trưởng của Khối ở Campuchia vừa rồi cho thấy rõ: Ngay cả với một nước thân cận nhất của Việt Nam là Campuchia, Việt Nam cũng không giữ nổi. Nói gì đến các nước khác. Sự hợp tác mà một số người trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn tìm kiếm, như Ấn Độ, Nga và Mỹ, đều chỉ ở giai đoạn phôi thai. Trong số đó, trừ Mỹ, không có nước nào đủ sức để bảo vệ cho Việt Nam cả. Nhưng với Mỹ, Việt Nam còn có hai trở ngại chính: một, về tình cảm, chưa bên nào thực sự tin cậy bên nào; hai, về nguyên tắc, Việt Nam chưa đáp ứng được một yêu cầu cơ bản về phía Mỹ: tôn trọng nhân quyền.
Có thể phản biện: Việt Nam có thể tìm cách vượt qua hai trở ngại ấy một cách âm thầm, không ai biết được cả. Nhưng nói vậy là nói đùa. Khác với các nước độc tài, Mỹ không thể bất chấp dư luận của dân chúng nước họ. Thuyết phục chính phủ Mỹ, trừ phi có cả một mỏ dầu khổng lồ, người ta phải thuyết phục dân chúng Mỹ trước. Nếu phần đông dân chúng Mỹ vẫn thiếu tin cậy với Việt Nam và không nghĩ Việt Nam thực sự tôn trọng nhân quyền, không có chính phủ Mỹ nào dám đưa tay ra nắm chặt bàn tay đẫm máu của Việt Nam cả. Cuộc vận động chính phủ Mỹ, do đó, phần lớn sẽ là những cuộc vận động công khai. Chứ không thể len lén ở đâu đó được. Nếu có, đó chỉ là bước đầu. Chứ không thể là cơ sở cho một sự hợp tác mang tính chiến lược lâu dài.
Hơn nữa, thế quốc tế không phải chỉ gắn liền với Mỹ. Trên trận chiến pháp lý liên quan đến chủ quyền quốc gia, bất cứ sự ủng hộ của nước nào, dù nhỏ đến mấy, cũng cần thiết. Nhưng Việt Nam có đang tìm kiếm những sự ủng hộ ấy không? Cũng không. Việt Nam vẫn khăng khăng chống lại chủ trương đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Philippines tìm cách đa phương hóa. Các nước khác tìm cách đa phương hóa. Việt Nam thì không.
Với chủ trương “để đảng và nhà nước lo”, nhà cầm quyền Việt Nam xua đuổi dân chúng; với chủ trương song phương hóa vấn đề Biển Đông, Việt Nam xua đuổi cả thế giới ra bên ngoài. Họ không những không cần thế nhân dân. Họ cũng không cần cả thế quốc tế.
Nếu không có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang xây dựng thế cho chiến lược đối phó với Trung Quốc của họ, liệu một chiến lược như vậy có thể hiện hữu hay không? Nếu hiện hữu, nó có thực sự nghiêm túc hay không?
Câu trả lời cho cả hai: Không.
Trong thời đại của những ván bài lật ngửa như hiện nay, người ta chỉ có thể xây dựng những chiến lược thỏa hiệp và đầu hàng một cách thầm lặng. Còn mọi chiến lược đương đầu đều để lại dấu vết. Không chỗ này thì chỗ nọ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Với lời phản biện ấy, nếu có thật, câu trả lời của tôi là: Nói dối!
Một hiện tượng như vậy, cách đây mấy chục năm, nhất là thời thế giới chia thành hai khối, cộng sản và tư bản, có thể xảy ra. Bây giờ thì bất khả. Có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là: khác với ngày xưa, thời đại chúng ta đang sống hiện nay là một thời đại, ở đó, hầu hết các ván cờ chính trị, nhất là chính trị đối ngoại, đặc biệt, liên quan đến các cuộc tranh chấp lớn, đều là những ván cờ ngửa. Mọi nước cờ đều công khai. Giữa thanh thiên bạch nhật.
Lý do thứ nhất: Đó là nguyên tắc dân chủ. Dĩ nhiên không phải chính phủ nào cũng muốn thực hiện đầy đủ các nguyên tắc dân chủ. Nhưng người ta lại không thể cấm dân chúng, nhất là giới truyền thông, thực hiện nguyên tắc ấy. Bằng nhiều cách khác nhau, với sự hỗ trợ của cả pháp lý lẫn kỹ thuật, giới truyền thông thường lật tẩy hầu hết những hoạt động mà chính phủ muốn nhận chìm vào bóng tối. Công việc này càng dễ thực hiện trong những vấn đề liên quan đến quốc tế vốn cần sự hợp tác và tham dự của nhiều người thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Con số này càng lớn, các khe hở của các nguồn thông tin càng nhiều.
Thứ hai, trong quan hệ quốc tế, một nước có thể giấu thông tin đối với người dân nước mình nhưng lại không thể cấm việc dân chúng các nước khác biết thông tin về việc làm của chính phủ nước họ. Thành ra, thông tin nếu không bị xì ra ở nước này thì cũng bị xì ra ở nước khác.
Thứ ba, sự chuyển động của các chiến lược quốc phòng, trong quan hệ với quốc tế, là một sự chuyển động lớn không thể giấu giếm được. Tình báo thế giới hiện nay tinh vi đến độ người ta biết rõ nhau đến từng chiếc máy bay chiến đấu, từng đầu đạn nguyên tử, từng căn cứ đóng quân, từng hợp đồng quân sự…
Mỹ, chẳng hạn, về phương diện ngoại giao, luôn luôn tìm cách trấn an Trung Quốc là họ không xem Trung Quốc là kẻ thù. Là họ không hề có ý định tấn công Trung Quốc. Là họ chỉ muốn duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc và bảo vệ một thế giới hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta vẫn thấy rất rõ chính sách và chiến lược của họ trong việc đối phó với Trung Quốc, nguồn uy hiếp chính đối với vị thế siêu cường số một thế giới của họ trong tương lai. Thấy, vì Mỹ không thể giấu được. Có muốn cũng không được. Không thể giấu việc di chuyển các chiến hạm và tàu ngầm sang vùng châu Á Thái Bình Dương. Không thể giấu được việc ký kết các hiệp ước sử dụng bến cảng cho tàu thủy và tàu ngầm của Mỹ ở các nước khác. Không thể giấu được các căn cứ quân sự cho cả mấy ngàn quân trên lãnh thổ của nước khác.
Mỹ muốn giấu, các nước khác cũng không thể giấu. Úc không thể giấu việc cho lính Mỹ sử dụng hải cảng cũng như tập trận trên lãnh thổ của Úc.
Ngay cả những chuyện có thể giấu, người ta cũng không muốn giấu. Thứ nhất, giấu, người ta không thể tạo được sự tin tưởng ở các nước đồng minh hay đối tác chiến lược và chiến thuật. Mỹ, chẳng hạn, phải nói rõ và nói lớn tiếng về chính sách quay lại châu Á của mình; nếu không, không có nước châu Á nào có thể an tâm về sự cam kết của Mỹ cả. Trường hợp của Việt Nam đối với Mỹ cũng vậy: Sẽ không có người nào tin cậy quyết tâm đi với Mỹ của Việt Nam nếu Việt Nam chỉ dám hứa hẹn trên các bàn hội nghị nhưng lại phủ nhận hoặc tránh né ngoài công luận. Thứ hai, nếu việc giấu giếm ấy bị phát hiện, cái giá người ta phải trả trước sự phẫn nộ của dân chúng chắc chắn không nhỏ: Nguy cơ bị thất cử là điều hiển hiện trước mắt.
Nếu Việt Nam thực sự có một chiến lược đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc, để có hiệu quả, chiến lược ấy phải được sự hỗ trợ của ít nhất hai yếu tố chính: thế và lực.
Lực chủ yếu đến từ hai nguồn: Kinh tế và quân sự. Cả hai nguồn ấy đều rất mỏng manh so với Trung Quốc. Về quân sự thì dù có mua thêm bao nhiêu tàu thủy hay bao nhiêu phi cơ, có tăng bao nhiêu quân số thì cũng chỉ là hạt cát so với Trung Quốc. Về kinh tế, Việt Nam không những nhỏ và yếu mà còn lệ thuộc hẳn vào Trung Quốc. Sự lệ thuộc ấy không phải chỉ ở quan hệ xuất nhập khẩu chính thức giữa hai nước mà còn, quan trọng hơn, ở sự thao túng của người Trung Quốc trên thị trường Việt Nam qua số dự án do Trung Quốc trúng thầu, số công nhân hợp pháp cũng như bất hợp pháp người Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, số hàng lậu không ngừng tràn vào Việt Nam trên mọi ngả đường biên giới, và số các công ty Trung Quốc trá hình dưới nhãn Việt Nam hiện diện ở khắp nơi.
Thua ở lực, Việt Nam chỉ còn một hy vọng duy nhất để xây dựng nền tảng cho một chiến lược hữu hiệu: Thế.
Có ba loại thế chính.
Thứ nhất là thế pháp lý. Chúng ta thường khoe với nhau là có nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy chúng ta có chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Tuy nhiên, ở đây, lại có hai vấn đề. Một, những bằng chứng ấy đã đủ chưa? Hai, những bằng chứng ấy có hiệu quả hay không? Về vấn đề thứ nhất, ai cũng thấy là Việt Nam còn cần nhiều hơn nữa mới có thể gọi được là đủ. Nhưng công việc ấy ai sẽ làm? Chắc chắn là giới nghiên cứu chứ không phải là các nhân viên hành chính hay các cán bộ tuyên huấn. Nhưng cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không hề khuyến khích, thậm chí, còn ngăn cấm công cuộc tìm tòi ấy của giới nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu muốn tổ chức hội nghị về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ư? – Cấm! Họ muốn nói chuyện về hai quần đảo ấy ư? – Cũng cấm! Vậy chính quyền sẽ tìm ở đâu ra thêm các bằng chứng lịch sử ủng hộ cho lập trường và quan điểm của mình? Về vấn đề thứ hai, ai cũng biết, cho dù cầm trong tay cả hàng ngàn hồ sơ chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từng thuộc Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ chẳng xem điều đó ra gì cả. Tây Tạng cũng từng có chủ quyền trên đất nước họ, một chủ quyền với nhiều bằng chứng lịch sử kéo dài cả hàng ngàn năm, nhưng Trung Quốc vẫn cứ chiếm đoạt và chà đạp lên Tây Tạng như thường. Ai làm được gì họ? Bởi vậy, thế pháp lý chỉ là cái thế khởi đầu. Nhưng không phải là tất cả. Đó là chưa kể đảng Cộng sản Việt Nam từng tự làm suy yếu cái thế ấy bằng bức công hàm do Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 trong đó thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.
Thứ hai là thế nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam từng nói: thế mạnh của họ là ở nhân dân. Tất cả các cuộc chiến tranh do họ lãnh đạo đều được gọi là chiến tranh nhân dân. Nhưng bây giờ, trong cuộc đương đầu với Trung Quốc, rõ ràng là họ không cần nhân dân. Cái gọi là không cần ấy thể hiện ở hai khía cạnh: Một, họ không thèm nói gì với nhân dân về các chiến lược của họ cả. Họ cứ bảo: Đó là việc của đảng và nhà nước, hãy để đảng và nhân dân lo. Nhân dân hoàn toàn trở thành những kẻ ngoại cuộc. Cuộc tranh chấp với Trung Quốc, trên thực tế, trở thành cuộc tranh chấp – nếu có – giữa đảng Cộng sản Việt Nam và cả nước Trung Quốc. Hai, không những không cần nhân dân, họ còn thẳng tay trấn áp và chà đạp lên bất cứ người dân nào muốn bày tỏ sự phẫn nộ đối với Trung Quốc. Biểu tình chống Trung Quốc? – Bị còng tay hay đạp vào mặt! Viết bài đả kích Trung Quốc? – Bị bắt và đẩy thẳng vào tù! Trên đài truyền hình, họ còn bịa đặt một cách trắng trợn là những người đi biểu tình chống Trung Quốc chỉ là đám côn đồ nhận tiền của ai đó để xuống đường! Nói cách khác, họ không những không cần nhân dân mà còn xem nhân dân là thù nghịch. Đem 90 triệu người Việt Nam đối đầu với hơn một tỉ người Trung Quốc đã là chuyện châu chấu đá xe. Đằng này, nhà cầm quyền Việt Nam lại không cần đến 90 triệu. Họ chỉ cần 3,6 triệu đảng viên. Mà họ cũng không cần đến 3,6 triệu đảng viên ấy. Bất cứ đảng viên nào cương quyết chống Trung Quốc cũng đều bị loại trừ. Nhiều đảng viên yêu nước bị mang ra tòa và bị nhốt vào tù với những lý do vu vơ như trốn thuế. Cuối cùng, họ còn lại bao nhiêu đảng viên để, nếu cần, đối diện với cuộc càn quét của Trung Quốc?
Thứ ba là thế quốc tế. Có thể nói từ giữa thế kỷ 20, chưa bao giờ Việt Nam bị cô thế như hiện nay. Ngày trước, sau lưng Việt Nam còn có khối xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên xô và Trung Quốc. Sau năm 1975, trong trận chiến giữa Việt Nam và Campuchia cũng như giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau lưng Việt Nam còn có Liên xô và khối Đông Âu. Còn bây giờ? Chẳng có ai cả. Khối ASEAN ư? Hội nghị các ngoại trưởng của Khối ở Campuchia vừa rồi cho thấy rõ: Ngay cả với một nước thân cận nhất của Việt Nam là Campuchia, Việt Nam cũng không giữ nổi. Nói gì đến các nước khác. Sự hợp tác mà một số người trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn tìm kiếm, như Ấn Độ, Nga và Mỹ, đều chỉ ở giai đoạn phôi thai. Trong số đó, trừ Mỹ, không có nước nào đủ sức để bảo vệ cho Việt Nam cả. Nhưng với Mỹ, Việt Nam còn có hai trở ngại chính: một, về tình cảm, chưa bên nào thực sự tin cậy bên nào; hai, về nguyên tắc, Việt Nam chưa đáp ứng được một yêu cầu cơ bản về phía Mỹ: tôn trọng nhân quyền.
Có thể phản biện: Việt Nam có thể tìm cách vượt qua hai trở ngại ấy một cách âm thầm, không ai biết được cả. Nhưng nói vậy là nói đùa. Khác với các nước độc tài, Mỹ không thể bất chấp dư luận của dân chúng nước họ. Thuyết phục chính phủ Mỹ, trừ phi có cả một mỏ dầu khổng lồ, người ta phải thuyết phục dân chúng Mỹ trước. Nếu phần đông dân chúng Mỹ vẫn thiếu tin cậy với Việt Nam và không nghĩ Việt Nam thực sự tôn trọng nhân quyền, không có chính phủ Mỹ nào dám đưa tay ra nắm chặt bàn tay đẫm máu của Việt Nam cả. Cuộc vận động chính phủ Mỹ, do đó, phần lớn sẽ là những cuộc vận động công khai. Chứ không thể len lén ở đâu đó được. Nếu có, đó chỉ là bước đầu. Chứ không thể là cơ sở cho một sự hợp tác mang tính chiến lược lâu dài.
Hơn nữa, thế quốc tế không phải chỉ gắn liền với Mỹ. Trên trận chiến pháp lý liên quan đến chủ quyền quốc gia, bất cứ sự ủng hộ của nước nào, dù nhỏ đến mấy, cũng cần thiết. Nhưng Việt Nam có đang tìm kiếm những sự ủng hộ ấy không? Cũng không. Việt Nam vẫn khăng khăng chống lại chủ trương đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Philippines tìm cách đa phương hóa. Các nước khác tìm cách đa phương hóa. Việt Nam thì không.
Với chủ trương “để đảng và nhà nước lo”, nhà cầm quyền Việt Nam xua đuổi dân chúng; với chủ trương song phương hóa vấn đề Biển Đông, Việt Nam xua đuổi cả thế giới ra bên ngoài. Họ không những không cần thế nhân dân. Họ cũng không cần cả thế quốc tế.
Nếu không có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang xây dựng thế cho chiến lược đối phó với Trung Quốc của họ, liệu một chiến lược như vậy có thể hiện hữu hay không? Nếu hiện hữu, nó có thực sự nghiêm túc hay không?
Câu trả lời cho cả hai: Không.
Trong thời đại của những ván bài lật ngửa như hiện nay, người ta chỉ có thể xây dựng những chiến lược thỏa hiệp và đầu hàng một cách thầm lặng. Còn mọi chiến lược đương đầu đều để lại dấu vết. Không chỗ này thì chỗ nọ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.