Đường dẫn truy cập

Thủ lĩnh dân chủ: Suy ngẫm và đề cử


Đại sứ David Shear và Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập và là chủ tịch của Phong trào Nhân quyền phi bạo lực ở Việt Nam tại nhà Bác sỹ Quế ngay sau cuộc gặp gỡ ngày 17/8/2012.
Đại sứ David Shear và Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập và là chủ tịch của Phong trào Nhân quyền phi bạo lực ở Việt Nam tại nhà Bác sỹ Quế ngay sau cuộc gặp gỡ ngày 17/8/2012.
Nếu cảm giác của tôi không lầm, tháng 4/2014 cần chứng kiến sự kiện bác sĩ Nguyễn Đan Quế có thể trở thành một trong những nhân vật đứng đầu phong trào dân chủ Việt Nam trong thời kỳ khai sinh xã hội dân sự mới ở đất nước này.

Tháng Tư năm nay, bác sĩ Nguyễn Đan Quế được đề cử giải Nobel Hòa bình cao quý. Ý tưởng này đến từ một số nhà lập pháp Hoa Kỳ, Canada và các tổ chức phi chính phủ. Trước đó, chưa từng một chính khách nào của đảng cầm quyền được chạm vào bất kỳ ý tưởng đề cử nào tương tự.

Nhiều năm trước, Hòa thượng Thích Quảng Độ, người hiện vẫn còn chịu quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện ở Sài Gòn, đã từng được đề cử Nobel Hòa bình. Cả hai vị Quảng Độ và Nguyễn Đan Quế lại đều chung cảnh ngộ nhiều năm trong chốn lao tù của chế độ.

‘Đối tượng phản động’

Nằm sâu trong một con hẻm đường Nguyễn Trãi ở Sài Gòn, ngôi nhà nhỏ bé và giản đơn của người bác sĩ bị quản chế không chính thức luôn xanh rợp bóng cây. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ông là vào một tối năm 2013.

Mưa tầm tã. Tôi không giấu nổi tò mò về con người mà có thời tôi với ông như thể “hai bên chiến tuyến”. Song khác với những gì mà tôi chỉ được biết về Nguyễn Đan Quế như một “đối tượng phản động” qua các bản báo cáo, ông làm tôi ngạc nhiên bởi sự chân thực không giả tạo cùng tình cảm lạc quan lao về phía trước. Lao về phía trước cho người dân và cho tương lai đất nước, nhưng không cần phải nhắc đến cụm từ “lật đổ chế độ” mà người ta gán ghép đối với ông. Con đường dân chủ hóa và ôn hòa - bất bạo động mà ông ôm ấp xem ra rất gần gũi với phương châm của xã hội dân sự giờ đây và những năm sắp tới.

Vị bác sĩ đã kinh qua 3 lần tù giam này có một thân thể tráng kiện cùng tinh thần minh mẫn, khác hẳn với độ tuổi trên bảy chục của lớp người già luôn mang tâm lý sắp bị cuộc sống đào thải. Hàng tuần ông vẫn bơi đều đặn, nhưng bởi mỗi sải tay của ông đều được kìm cặp bởi một tay đua không mặc sắc phục, ông lại thấy sức bền của mình được tăng lực hơn. Tăng lực để đối diện với những thách thức mới.

Một trong những thách thức đáng phải đối mặt là làm thế nào để xã hội và nền chính trị Việt Nam bớt đi sự tồi tệ. Miến Điện xứng đáng là một hình ảnh đáng noi đối với giới chính khách cầm quyền ở Việt Nam. Còn việc bác sĩ Nguyễn Đan Quế được đề cử giải Nobel chợt làm tôi nhớ đến Aung San Suu Kyi.

Năm 2011, nữ thủ lĩnh Aung San Suu Kyi của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ ở Miến Điện được giải chế, để sau đó bà được đề cử giải Nobel Hòa bình. Điều kỳ diệu đối với một dân tộc ít được quốc tế biết tới là người phụ nữ này đã được toàn thế giới thuộc tên sau khi bà đoạt giải Nobel.

Không còn gì phải nghi ngờ, giới dân chủ Miến Điện xem Aung San Suu Kyi như người nối kết các thành phần, giai cấp, kể cả với những người trong thể chế cầm quyền của Tổng thống Thein Sein.

Thủ lĩnh dân chủ

Hai năm sau khi Aung San Suu Kyi nhận giải Nobel Hòa bình, xã hội dân sự ở Việt Nam mới chỉ dè dặt những sải tay đầu tiên trên đường đua loang lổ. Tình trạng đang tồn tại 15 hội nhóm dân sự độc lập nhưng còn khá xa mới đạt đến mối liên kết bền vững, trong khi chưa có sự đồng lòng về một hoặc một số gương mặt thủ lĩnh nào đó, đang trở thành khối u gặm nhấm cơ thể sơ khai của nền dân chủ mới.

Lần đầu tiên, tôi suy nghĩ cẩn trọng về một vấn đề hệ trọng: Sự cần kíp và làm thế nào để có ít nhất một thủ lĩnh dân chủ.

Cho dù bác sĩ Nguyễn Đan Quế mới chỉ được đề cử giải Nobel và không phải ai cũng có nhiều hy vọng để nhận được phần thưởng Hòa bình danh giá này, nhưng thâm tâm tôi mong mỏi ông chính là một trong những người xứng đáng nhất ở Việt Nam không chỉ cho vai trò ứng viên Nobel, mà còn trở thành một trong những người lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm và cần thiết không kém là sức chịu đựng sự khắc nghiệt, để đại diện tiếng nói và sức tập hợp cho giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở đất nước này.

Đã đến lúc các que đũa rời rạc cần đến ít nhất một sợi dây kết bện.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG