Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Đông Nam Á và Trung Quốc tăng tốc các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý để giải quyết các tranh chấp theo luật quốc tế và ngăn phát sinh xung đột.
Hàng loạt các tờ báo ở Châu Á hôm nay dẫn phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp thường niên của Mạng lưới Tin tức Châu Á (ANN) nhấn mạnh sự cần thiết phải giải tỏa tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông bằng các cuộc đối thoại ôn hòa và thương lượng trên tinh thần luật pháp quốc tế.
Tại cuộc họp của 22 tổ chức truyền thông từ 19 quốc gia diễn ra trong hai ngày 18 và 19/9 tại Hà Nội, nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định hòa bình, ổn định, an toàn-an ninh hàng hải là quan tâm và cũng là lợi ích chung của ASEAN, Châu Á, và cả thế giới.
Ông Dũng cho biết thêm rằng Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí phải hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử và phải hiện thực hóa Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, vốn yêu cầu tất cả các bên tuân thủ luật quốc tế trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, thực thi Tuyên bố Ứng xử, và thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông.
Vẫn theo lời ông, để có được hòa bình tại Biển Đông, không còn cách nào khác ngoài sự giám sát chặt chẽ và nghiêm túc từ các bên liên quan đối với việc thực thi Tuyên bố Ứng xử và các nỗ lực chung cho một Bộ Quy tắc Ứng xử.
Thủ tướng Việt Nam đề nghị trong khi chờ đợi có một Bộ Quy tắc cưỡng hành và rõ ràng, các bên nên hành xử tự chế.
Những vi phạm vẫn diễn ra kể từ khi Tuyên bố Ứng xử giữa Trung Quốc với ASEAN được ký kết hồi tháng 11 năm 2002, và chưa có dấu hiệu cho thấy các cuộc thương lượng về Bộ Quy tắc Ứng xử sẽ gần được chung quyết.
Tuần rồi, truyền thông trong nước dẫn thống kê 10 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc cho biết mỗi năm có 1200 lượt tàu các Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam, đánh bắt phi pháp.
Tàu của Bắc Kinh cũng thường xuyên bị Hà Nội tố cáo là tấn công, sách nhiễu, đâm chìm, hoặc cướp bóc tàu cá Việt hoạt động trên Biển Đông.
Tất cả các cáo giác và yêu cầu bồi thường thiệt hại của Việt Nam trước nay đều không được phía Trung Quốc đáp ứng. Ngược lại, Bắc Kinh nói họ hành xử đúng luật và tố cáo ngược lại rằng tàu Việt Nam xâm nhập hải phận Trung Quốc bất hợp pháp.
Căng thẳng Việt-Trung đặc biệt leo thang từ đầu tháng 5 năm nay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào thăm dò dầu khí tại khu vực Việt Nam có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ biến Bắc Kinh thành một cường quốc hàng hải và đưa quân đội nước này thành một lực lượng chiến đấu hiện đại giữa các tranh chấp chủ quyền lãnh hải gay gắt với Việt Nam và Philippines.
Trước các hành động lấn lướt không ngừng của Bắc Kinh, Hà Nội lần lượt thu nhận các tàu ngầm lớp Kilo của Nga trong hợp đồng 2 tỷ đô la tậu về tổng cộng 6 chiếc diesel-điện đề án 636 trước cuối năm 2016 nhằm tăng cường khả năng cho lực lượng hải quân.
Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói Việt Nam không khơi mào xung đột ở Biển Đông nhưng sẽ không lui bước đứng nhìn nếu một nước nào khai chiến.
Nguồn: The Straits Times, Jakarta Post, Asia News Network