Đường dẫn truy cập

Thực chất của nhà cầm quyền trong chế độ đương thời tại Việt Nam


Để thấy được thực chất của nhà cầm quyền trong chế độ đương thời tại Việt Nam, chúng ta cần đi từ quan niệm đến thực tế nắm quyền độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên qua.

1. Từ quan niệm (Conception):

Thực chất (real matter) của nhà cầm quyền trong chế độ đương thời tại Việt Nam là một chính quyền công cụ cho một đảng cầm quyền độc tôn (đảng Cộng Sản Việt Nam ngụy danh) trong một chế độ độc tài toàn trị hay độc tài đảng trị (Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngụy nghĩa). Mọi hoạt động của guồng máy công quyền quốc gia đều được lãnh đạo và chi phối toàn diện bởi bộ máy đảng cầm quyền độc tôn, nhằm thành đạt lợi ích cho Đảng và bảo vệ các ưu quyền, đặc lợi cho một giai cấp thống trị mới, là các cán bộ đảng viên cộng sản.

Nói cách khác, đó là một chính quyền “do Đảng, của Đảng và vì Đảng cầm quyền”, không phải là một chính quyền “do dân, của dân và vì dân”. Đó là một chính quyền phản dân chủ hoàn toàn. Và do đó đã không hội đủ các yếu tính cần có của một chính quyền chính thống, chính nghĩa, chính đáng, chính danh và hợp pháp trên bình diện pháp lý đối với quốc dân Việt Nam; mặc dầu trên thực tế, được quốc tế coi như là một chính quyền đại diện của quốc gia Việt Nam, được là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Nhưng theo suy luận của chúng tôi nhà cầm quyền trong chế độ hiện nay không phải là chính quyền hợp pháp đối với nhân dân.Vì chính quyền này đã thiết lập, duy trì bằng bạo lực trái với ý nguyện của nhân dân; và do đó chỉ ở thế hợp thức, hợp lệ hay hợp cách (regular government) theo công pháp quốc tế (Vì hội đủ các yếu tố cấu thành một quốc gia: lãnh thổ, dân cư và chính quyền), nên được coi là một chính quyền chính thức (official government) của quốc gia Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, nhưng không nhất thiết, không thể là một chính quyền hợp pháp (Legal government) đối với quốc dân Việt Nam.

Nói cách khác, tính hợp pháp (Legal) của một chính quyền chỉ có được do nhân dân và chỉ có nhân dân quyết định tính hợp pháp căn cứ trên các yếu tính chính thống, chính nghĩa, chính đáng, chính danh (Thẩm quyền đối nội).Trong khi quốc tế chỉ xét xem chính quyền trong chế độ ấy có hội đủ yếu tố cấu thành một quốc gia, để được coi là có hợp lệ, hợp thức, hợp cách (regular, correct, in due form), có tư cách thay mặt cho một quốc gia, để được kết nạp vào các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc hay tổ chức khu vực như Hiệp Hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…

Nghĩa là dường như quốc tế không quan tâm và cũng không coi tính hợp pháp hay không hợp pháp của một chính quyền (Legal Government or illegal Government) đối với người dân trong nước, như điều kiện xét định tư cách của một quốc gia hội viên (Vì thuộc thẩm quyền nhân dân và chủ quyền đối nội của quốc gia hội viên chăng?). Vì thế mà trong tổ chức LHQ, cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác, đã có cả các quốc gia hội viên có chính quyền hợp pháp ( trong các chế độ dân chủ đích thực) cũng như có chính quyền không hợp pháp (Trong các chế độ độc tài các kiểu, có tính áp đặt, trái với ý nguyện nhân dân, chống lại và đàn áp nhân dân để duy trì độc quyền thống trị…) trong đó có chính quyền trong chế độ đương thời tại Việt Nam: Một chính quyền hợp lệ (Regular Government) chứ không phải là chính quyền hợp pháp (Legal Governmet) và được coi là chính quyền chính thức (Official government) của quốc gia Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và trên trường quốc tế mà thôi.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đã từng tồn tại hai chính quyền: Chính quyền thuộc Triều đình Huế với các vua quan cai tri Việt Nam có thể coi là chính quyền hợp pháp (Legal Government) đối với nhân dân Việt Nam, bên cạnh chính quyền bất hợp pháp (illegal government) với viên toàn quyền và viên chức chính quyền bảo hộ Pháp, chỉ được coi là chính quyền hợp thức (regular Government) về đối ngoại, nên được coi là một chính quyền chính thức (official government) thay mặt cho quốc gia Việt Nam thời thuộc địa.

2. Đến thực tế (Reality)

Quan niệm thực chất trên đã được lịch sử và thực tiễn Việt Nam soi sáng

Thật vậy, sau Hiệp Định Genève 1954 tạm thời chia đôi đất nước, Ông Hồ Chí Minh và Cộng đảng Việt Nam đã chiếm Miền Bắc, áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập quyền bính theo mệnh lệnh của cộng sản quốc tế, với một chính quyền trong một chế độ độc tài đảng trị trái với ý nguyện của nhân dân, đã phát động chiến tranh chống lại và thôn tính chế độ chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam.

Chính thống vì chính quyền của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã kế thừa và tiếp nối quyền bính chính trị theo dòng chính lịch sử dân tộc. Vua Bảo Đại của chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam, sau khi tiếp nhận chủ quyền độc lập từng phần qua các hiệp ước song phương với chính quyền thực dân Pháp (Hiệp định sơ bộ ngày 5-6-1948 ký tại vịnh Hạ Long giữa chính phủ Pháp và chính phủ quốc gia lâm thời đầu tiên Nguyễn Văn Xuân với sự chứng kiến của Vua Bảo Đại. Sau nhiều thương lượng đôi bên.cuối cùng Hiệp định Hạ Long được sửa đổi và được ký kết vào ngày 8-3-1949 tại điện Elysée Pháp quốc giữa Vua Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol….), sau cùng đã nhận chủ quyền độc lập hoàn toàn trên một nửa nước ở Miền Nam (còn nửa thuộc địa miền Bắc Pháp đã mất vào tay Việt Minh hay Việt cộng sau khi thất trận Điện Biên Phủ, phải ký Hiệp định Genève 1954 với Việt Minh, chính quyền quốc gia của Vua Bảo Đại đã không ký nên chính quyền Việt Nam Cộng hòa kế tục không có nghĩa vụ thực thi như chính quyền cộng sản Bắc Việt đã vi phạm khi cưỡng chiếm Miền Nam bằng bạo lực…). Vua Bảo Đại trong vai trò Quốc Trưởng và chính phủ quốc gia Việt Nam đã tiếp nhận chủ quyền độc lập, sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ.Quốc Trưởng Bảo Đại đã cử ông Ngô Đình Diệm, gốc quan lại của triều đình, làm thủ tướng thành lập Chính phủ quốc gia mới (Việt Nam Cộng hòa) kế tục quyền bính chính trị (political power) từ các chính phủ quốc gia trước đó (Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm, Hoàng thân Bửu Lộc…).

Sau đó, do ý nguyện của nhân dân phù hợp với xu thế thời đại, được thể hiện qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 đã truất phế Vua Bảo Đại, cáo chung chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm ở Việt Nam, khai sinh chế độ dân chủ Việt Nam Cộng hòa với bản Hiến pháp ban hành ngày 26-10-1956. Và như thế đã hình thành một chính quyền trong một chế độ dân chủ hội đủ 5 tính chất: Chính thống, chính nghĩa, chính đáng, hợp pháp và chính danh. Trên nguyên tắc, chính quyền và chế độ Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại về mặt pháp lý chính trị thuần túy (trên căn bản Hiệp Định Geneve 1954 và Hiệp Định Paris 1973…) dù không còn tồn tại được về mặt thực tế.

Sau khi thôn tính được Miền Nam vào ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước bằng võ lực, vi phạm trắng trợn cùng lúc hai bản Hiệp định Genève 10-7-1954 và Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, Cộng đảng Việt Nam đã áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước, hoàn toàn trái với ý nguyện của toàn dân. Thế nhưng Việt cộng đã làm tròn “nghĩa vụ quốc tế cao cả” đối với cộng sản quốc tế là nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam, tiến tới mục tiêu tối hậu là cộng sản hóa toàn cầu theo ý đồ, tham vọng của các lãnh tụ cộng sản quốc tế Nga- Tầu thời bấy giờ.

Thế nhưng giấc mộng cộng sản hóa toàn cầu của cộng sản quốc tế đã tan theo mây khói sau khi đế quốc đỏ Liên Xô đứng đầu phe Xã Hội Chủ Nghĩa chấp nhận sự thất bại sau hơn 70 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa không tưởng này (1917-1991), đã mau chóng thức thời chuyển đổi qua chế độ dân chủ, kéo theo sự sụp đồ cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, để rồi sau đó đã cùng chuyển đổi qua chế độ dân chủ. Hiện chỉ còn tồn tại 4 nước trong đó không may có Việt Nam, đảng cầm quyền độc tôn vẫn cố đeo bảng hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam” ngụy danh và “Chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ngụy nghĩa, dù thực chất cũng như thực tế không phải là như vậy.

3. Kết luận:

Thực chất cũng như thực tế, nhà cầm quyền trong chế độ hiện nay tại Việt Nam không phải là chính quyền hợp pháp đối với nhân dân.Vì chính quyền này đã thiết lập, duy trì bằng bạo lực trái với ý nguyện của nhân dân; và do đó chỉ ở thế hợp thức, hợp lệ hay hợp cách (regular government) theo công pháp quốc tế (Vì hội đủ các yếu tố cấu thành một quốc gia: lãnh thổ, dân cư và chính quyền), nên được coi là một chính quyền chính thức (official government) của quốc gia Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, nhưng không nhất thiết, không thể là một chính quyền hợp pháp (Legal government) đối với quốc dân Việt Nam ngày nào nó còn là một chế độ độc tài toàn trị, phản dân chủ.

Thiện Ý

Houston, ngày 27-3-2018

  • 16x9 Image

    Thiện Ý

    Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston. Các bài viết của Thiện Ý là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG