Trong mùa tranh cử năm nay, cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều nói sẽ tăng “thuế quan” (tariffs), tức là thuế đánh trên hàng nhập cảng.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu chính sách này khi tại chức, đánh thuế nặng trên nhiều món hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden giữ nguyên chính sách đó và đang chuẩn bị đánh thêm trên các món mới như xe chạy điện, bảng hứng nắng để sinh điện, vân vân, theo bản tin CNN. Phó Tổng thống Kamala Harris ủng hộ đường lối của ông Biden. Năm nay, ứng cử viên Donald Trump đã báo trước sẽ tăng thuế quan nếu tái đắc cử. Hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 60%; hàng mua từ các nước khác sẽ phải trả thuế từ 10 đến 20 phần trăm. Theo CNN ông dự đoán sẽ thâu được hàng ngàn tỷ đô la để chi tiêu cho các chương trình xã hội của chính phủ Mỹ.
Trong khung cảnh năm tranh cử, dân chúng khó hiểu được tất cả các ý kiến được tung ra, nhiều điều rất dễ gây hiểu lầm cần phân tích cho rõ hơn.
Ai cũng đồng ý đánh thuế trên hàng nhập cảng có nhiều điều lợi ích: Thứ nhất, sẽ tăng số thu cho ngân sách quốc gia. Thứ nhì, khi hàng ngoại tăng giá vì bị đánh thuế, các nhà sản xuất trong nước sẽ cạnh tranh dễ hơn, họ tăng số bán, lợi nhuận, và sẽ tuyển thêm công nhân, tạo công việc làm.
Nhưng còn người tiêu thụ thì sao? Ai phải rút tiền túi ra đóng các món thuế nhập cảng?”
Khi tuyên bố sẽ đánh quan thuế trên một bộ quần áo may sẵn mua từ Bangladesh, Việt Nam hay Trung Quốc qua bán ở nước Mỹ, các nhà chính trị thường nói để dân chúng nghĩ rằng các công ty xuất cảng từ các nước trên sẽ phải trả thuế. Sự thực không phải như vậy. Các công ty nhập cảng ở Mỹ phải đóng thuế. Gọi là “thuế quan” vì bị đánh thuế khi đi qua biên giới. Các công ty nhập cảng phải đóng thuế, họ sẽ tính tiền thuế vào giá bán. Một bộ quần áo mua vào giá $20 đô la, đóng thuế 60% là $12, giá thành sẽ là $32. Giá bán lẻ tăng gấp đôi, sẽ lên $64 đô la. Nếu không bị đánh thuế quan, giá bán lẻ có thể chỉ là $40 đô la. Ai phải rút tiền trả cho cách biệt giá cả đó?
Giáo sư Douglas Irwin, Đại học Dartmouth College trả lời cuộc phỏng vấn của Zachary B. Wolf, đài CNN ngày14, tháng Chín, 2024, đã lấy một ví dụ để giải thích thuế quan. Nếu một thành phố đánh “thuế chó,” mỗi con chó nuôi trong nhà đều bị đánh thuế, thì chủ nhân nuôi chó phải trả thuế, các con chó không cần biết gì cả, vẫn vẫy đuôi vui vẻ. Công ty xuất cảng ngoại quốc cũng vậy, họ không cần biết người mua hàng của họ bị đánh thuế ra sao, cũng vẫn vui vẻ.
Giáo sư Irwin tính toán rằng những món tiền đóng thuế nhập cảng do các đạo luật ban hành thời Tổng thống Trump và vẫn được Tổng thống Biden duy trì, 100 phần trăm đã do người tiêu thụ cuối cùng bỏ tiền túi ra trả.
Trong một bài phân tích trên NBCNews.com ngày 13 tháng Chín, 2024, ký giả Rob Wile nêu thí dụ suất thuế nhập cảng đánh trên “máy giặt” (washing machines). Theo một tổ chức bất vụ lợi và không đảng phái, Coalition for a Prosperous America, thì sắc thuế năm 2018 đã làm tăng giá máy giặt nhập cảng, giúp các nhà sản xuất máy giặt ở Mỹ bán được nhiều hàng hơn. Một hệ quả hữu ích khác là các công ty chế tạo máy giặt Đại Hàn đã lập các nhà máy sản xuất ở hai địa phương miền Nam nước Mỹ, tạo thêm 2,000 công việc làm mới. Nhưng suất thuế mới này khiến giá máy giặt ở Mỹ tăng thêm 10 phần trăm. Người tiêu thụ khắp nước phải trả thêm tiền nên mới tạo ra 2,000 việc làm mới đó, tính ra $815,000 đô la cho mỗi công việc.
Thuế nhập cảng ích lợi vì số tiền chính phủ thu được. Tổng số chi tiêu của chính phủ bằng một phần ba Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP). Giáo sư Douglas Irwin tính rằng tất cả các món hàng nhập cảng vào nước Mỹ lớn bằng 13% Tổng sản lượng nội địa, GDP. Nếu đánh thuế 20% trên hàng nhập cảng thì số thu được sẽ lên tới khoảng 2.6 GDP. Nếu ngân sách chi tiêu của chính phủ lớn bằng 30% GDP thì số thu này đóng góp gần một phần 10.
Trước cuộc Nội Chiến, thế kỷ 19, thuế nhập cảng là nguồn thâu chính yếu của chính phủ Mỹ. Thuế thâu dễ dàng vì cả nước chỉ có hơn một chục hải cảng, tàu chở hàng đến đều kiểm soát được. Lúc đó chưa đặt ra thuế lợi tức (income tax) cũng như thuế tiêu thụ (sales taxes), mà nếu có thì việc thâu thuế khó khăn hơn nhiều. Sau cuộc nội chiến các chương trình tái thiết quá tốn kém nên cần đăt thêm các món thuế mới; đánh trên hàng khi sản xuất (excise taxes) và khi tiêu thụ (sales taxes), theo giáo sư Douglas Irwin.
Năm 1890, Nghị sĩ William McKinley đã viết đạo luật về thuế nhập cảng mang tên ông, nhắm đánh thuế trên hàng hóa mua từ Anh quốc, đặc biệt là sắt, thép. Nước Anh là cường quốc công nghiệp lớn nhất thời đó, và bị dân Mỹ, thuộc địa cũ, ghét bỏ, không khác gì ác cảm đối với Cộng sản Trung Quốc bây giờ. Ông McKinley đại diện Ohio, cùng với Pennsylvania là nơi tập trung công nghiệp sắt thép, thời 1890 cho tới bây giờ, cho nên ai muốn tranh cử tại hai tiểu bang đó đều tỏ thái độ “bảo hộ mậu dịch,” chống hàng nhập cảng.
Nhưng khi đắc cử làm tổng thống Mỹ, William McKinley đã thay đổi ý kiến. Ông chịu trách nhiệm với dân chúng cả nước, không riêng một tiểu bang nào. Mà dân chúng nói chung thì không ai muốn trả giá đắt hơn vì hàng nhập cảng bị đánh thuế. Hơn nữa, lúc đó Mỹ bắt đầu xuất cảng rất nhiều, nếu đánh thuế hàng nhập cảng từ các nước khác, sẽ bị họ đánh trả đũa. Ông McKinley công nhận, “Thời đại cô lập đã qua rồi. Phát triển thương mại là một nhu cầu lớn. Chiến tranh mậu dịch không có lợi. Phải bày tỏ thiện chí trong việc giao thương, không gây chiến.”
Kinh tế mở mang thêm nhờ xuất cảng, các xí nghiệp và chính phủ Mỹ tìm cách mở các thị trường ở nước ngoài. Bằng cách nào? Phải thương thảo với các nước khác để cùng mở cửa. Như câu tục ngữ, “Anh mất của kia, chị chìa của nọ;” mọi người đồng ý cùng giảm bớt thuế nhập cảng. Tự do mậu dịch thành một châm ngôn của kinh tế tư bản. Vì, như Adam Smith đã viết: “Người ta chỉ trao đổi khi mỗi bên đều thấy mình có lợi.” Kinh tế, Thương mại là những trò chơi “hai bên đều được lợi” (positive-sum game), không phải những trò “Ăn bù Thua” (zero-sum game).
Từ đó, các tổ chức quốc tế thành hình, như Thỏa hiệp Tổng quát về Mậu dịch và Quan thuế (General Agreement on Tariffs and Trade, GATT,) sau được biến thành Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO (World Trade Organization). Mỹ cũng ký kết các thỏa hiệp thương mại tự do NAFTA (North American Free Trade Agreement) với hai nước láng giềng, Canada và Mexico.
Trong sáu tuần lễ sắp tới, chúng ta sẽ được nghe Tổng thống Joe Biden, Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris, tiếp tục thi đua coi ai sẽ đánh thuế mạnh hơn trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Hy vọng đó chỉ là các khẩu hiệu mùa tranh cử. Kinh tế thế giới phát triển nhờ mua bán tự do. Khi các nước đều mở cửa rộng hơn, ai cũng được lợi; nền kinh tế mạnh hơn sẽ được lợi hơn. Kinh tế Mỹ thuộc loại này!
Hơn nữa, khi các nhà nhập cảng ở Mỹ phải đóng thuế quan, họ phải tăng giá bán. Do đó, thuế nhập cảng có thể trở thành một nguyên nhân gây lạm phát. Một nước nhập cảng nhiều hàng tiêu thụ thì ảnh hưởng càng mạnh hơn. Ông Trump hay bà Harris đều muốn chống lạm phát, khi đắc cử họ sẽ không nâng thuế nhập cảng lên cao hơn!
Diễn đàn