Trân Văn
Dư luận vừa lắng xuống sau khi ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội - khẳng định, dự luật về thuế tài sản chỉ là ý tưởng của một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ Tài chính chứ Quốc hội, Chính phủ chưa có kế hoạch thu thuế tài sản thì lại bùng lên trước tin nông dân xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa phải nộp “phí đồng cỏ”.
Báo chí Việt Nam cho biết, sau khi Hợp tác xã Minh Anh được chính quyền xã Thiệu Dương chọn làm nhà thầu, thay mặt chính quyền địa phương cung cấp các dịch vụ: Bảo vệ đồng điền, bảo vệ thủy lợi nội đồng, khuyến nông,... mỗi năm, nông dân xã này phải nộp trung bình là 100.000 đồng cho mỗi con bò mà họ thả ra khỏi nhà để ăn cỏ.
Tuy ông Dương Đình Minh - Giám đốc Hợp tác xã Minh Anh – đã giải thích, “phí đồng cỏ” được thu dựa trên “Quy ước đồng điền” và bản chất là “tiền thế chân” nhằm buộc nông dân phải lưu ý đến trâu, bò khi thả chúng ra ngoài gặm cỏ. Cuối năm, nếu trâu, bò không phá hoại ruộng vườn của người khác, nông dân sẽ được hoàn lại tiền nhưng “phí đồng cỏ” vẫn làm dư luận rúng động.
Sự rúng động ấy có thể vì xưa nay, Thanh Hóa vốn đã rất nổi tiếng về đủ loại phí trời ơi, đất hỡi. Văn Song Nguyễn khẳng định, Thanh Hóa còn là địa phương “hà khắc nhất” trong chuyện buộc nộp phí. Facebooker này nhắc tới một loạt bài mà Trí Thức Trẻ đã đăng năm ngoái: Ở Thanh Hóa, an táng trẻ con cũng phải trả phí. Đại diện hệ thống công quyền xông vào nhà dắt bò, thu xe, thu giường, thu cả trợ cấp gia đình nghèo, gia đình liệt sĩ để cấn trừ các khoản phí mà đương sự còn thiếu. Theo Văn Song Nguyễn, sau khi đã thu đủ thứ phí được áp đặt trên con người, giờ Thanh Hóa chuyển qua gia đoạn thu phí trên súc vật.
Bạn bè của Văn Song Nguyễn như Thanh Tuấn gọi “Quy ước đồng điền” mà Giám đốc Hợp tác xã Minh Anh nại ra như căn cứ để thu “phí đồng cỏ” là… “Quy ước thần thánh”. Những Tuan Nguyen, Duong Vo, Peter PeterTran Tran đồng thanh nhận định, “Quy ước đồng điền” là một… phát kiến, những người soạn thảo quy ước này là nguồn nhân lực để cung cấp cho… Bộ Tài chính, cần chuyển họ ra Bộ tài chính để làm việc ngay lập tức. Dường như không còn sức để cười, Sam Thao thở than, chẳng lẽ đã đến lúc hệ thống công quyền “gặm cả cỏ”, thay trâu, bò ăn cả cỏ với rơm?
“Phí đồng cỏ” cũng trở thành một đề tài được bàn luận trên trang facebook của Trinh Bao Trang. Sâm Trần Văn tiết lộ, chẳng riêng Thanh Hóa, ở Hà Tĩnh chỉ có thể dắt trâu bò đường nếu đã trả phí! Ngay sau khi Hạ Trắng rủa hệ thống công quyền “ăn như chó”, An Phú lập tức “nói lại cho rõ” là rủa như thế chưa chính xác vì “chó không giành ăn với trâu, bò”. Có thể vì đã… hết ý, Tran Minh Trung nài bạn bè trên facebook bày cho mình một “câu xứng đáng” để… chửi bọn này đi! Chưa rõ là đùa hay thật, dẫn thông tin mới nhất từ báo giới, Trinh Bao Trang khen “may” vì ông Lê Anh Xuân - Chủ tịch thành phố Thanh Hóa – bảo rằng ông “vừa mới đọc báo”, mới biết về chuyện “phí đồng cỏ” và do đang “đi công tác” nên đã điện thoại yêu cầu Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế “về làm việc với xã Thiệu Dương”. Lê Cảnh không đồng ý, không thấy đó là “may” bởi đã có rất nhiều chuyện phi lý, dân chúng phản đối kịch liệt nhưng hệ thống công quyền không làm gì cả cho tới khi hệ thống truyền thông loan báo rộng rãi thì mới cho biết vừa… biết! Lê Cảnh nêu thắc mắc, lãnh lương của dân mà như thế thì hàng ngày làm gì? Phong Nguyễn trả lời: Bọn nó ngồi đấy đợi báo chí đưa tin!
“Họa vô đơn chí”, giữa lúc “phí đồng cỏ” đang khuấy động dư luận, báo chí kể thêm, ở Thiệu Dương, nông dân còn phải đóng cả “phí xuống đồng” cho máy gặt. Dẫu Giám đốc Hợp tác xã Minh Anh đã nhấn mạnh, “phí xuống đồng” cũng là tiền thế chân. Khi cho máy gặt lên bờ, xuống ruộng, nếu chủ các máy gặt không làm hư hại hạ tầng thì họ sẽ được hoàn lại tiền. Ngược lại, tiền thế chân sẽ được dùng vào việc sửa chữa những hư hại hạ tầng do chủ máy gặt gây ra song yêu cầu nộp “phí xuống đồng” vẫn bị nguyền rủa. Những lời nguyền rủa hệ thống công quyền từ “hạ tầng cơ sở” đến “thượng tầng kiến trúc” vẫn như bướm xuân trên mạng xã hội.
Đó là hệ quả tất nhiên của việc bất chấp rên xiết, oán thán kéo dài suốt ba thập niên, thuế, phí ở Việt Nam vẫn vừa giữ sự… đa dạng, phong phú, vừa tiếp tục tăng không ngừng.
Không phải tự nhiên mà trong vài tháng gần đây, người sử dụng mạng xã hội đồng loạt so sánh thân phận của mình với thân phận của chị Dậu – nhân vật trong tiểu thuyết Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, so sánh những viên chức trong hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương với những nhân vật được xem là đại diện cho “cường hào, ác bá” của dòng tiểu thuyết “hiện thực phê phán” mà hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa từng chỉ trích không tiếc lời để tô vẽ cho sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trước khuynh hướng vừa kể, Anh Trung bỡn cợt trên trang facebook của Hồng Đức rằng nhân dân hết sức… bậy bạ, bởi ông Mai Sỹ Diến – Phó Đoàn Đại biểu của dân chúng Thanh Hóa tại Quốc hội Việt Nam vừa mới phân trần, cho dù từ trẻ sơ sinh đến người già hết sức lao động phải đóng góp đủ thứ thì “chế độ ta làm gì có sưu cao, thuế nặng như thời phong kiến”. Tú Doãn Bá thừa nhận “chúng” văn minh hơn phong kiến, thực dân vì thay “thuế” bằng “phí”. Cong Trung Nguyen viết hoa nhận xét, kiểu “văn minh” ấy “tàn ác gấp triệu lần cường hào, ác bá ngày xưa”!
***
Không rõ giới lãnh đạo Đảng CSVN, giới lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, giới lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nghĩ gì khi người dùng mạng xã hội tại Việt Nam nhất loạt gọi Bộ Tài chính Việt Nam là “Bộ Vặt Lông”? Cũng không rõ họ có cảm thấy lo hay không khi nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam nhất loạt trích dẫn Á tế Á ca của cụ Phan Bội Châu: “…Các thức thuế các làng thêm mãi, Hết đinh điền rồi lại trâu bò. Thuế chó cũi, thuế lợn bò, Thuế diêm, thuế tửu, thuế đò, thuế xe. Thuế các chợ, thuế trà, thuế thuốc, Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn. Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền, Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn. Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn, Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn. Thuế dầu mật, thuế đàn đĩ thoã, Thuế gạo rau, thuế lúa, thuế bông. Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng, Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kì. Các thức thuế kể chi cho xiết,
Thuế xia kia mới thật lạ lùng, Làm cho thập thất cửu không, Làm cho xơ xác, khốn cùng chưa thôi.…”, kể cả Tuyên Ngôn Độc Lập mà ông Hồ Chí minh đọc hôm 2 tháng 9 năm 1945 ở Quảng trường Ba Đình: “…Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn…” để so sánh với thực tại.
Hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa từng dạy dỗ nhiều thế hệ rằng, bối cảnh xã hội Việt Nam ở thời điểm 1930 - 1940 chính là “đêm trước của một cuộc cách mạng”, rằng “…Cũng có lúc bầm gan tím ruột, vạch trời kêu mà tuốt gươm ra. Cũng xương cũng thịt cũng da, Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long. Thế mà chịu trong vòng trói buộc, Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than. Thương ôi! Bách Việt giang san, Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa. Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh? Anh em ta phải tính nhường sao” là chuyện phải làm. Giờ, nhân tâm cũng hệt như thế mà thuế, phí vẫn dồn dập thì quả là lạ!