Một chiến dịch bài trừ ma túy ở Philippines, do tổng thống có chủ trương dân túy Rodrigo Duterte phát động vào tháng 7, đã khơi lên một cuộc tranh luận rộng khắp về những vụ xâm phạm nhân quyền trong khi chính phủ chật vật đối phó với gần bốn triệu người sử dụng ma túy trên toàn quốc.
Một cuộc điều tra đặc biệt của Thượng viện Philippines trong tuần này, do cựu Bộ trưởng Tư pháp và giờ là thượng nghị sĩ Leila De Lima chủ trì, nêu bật những chia rẽ giữa những người vận động vì nhân quyền và những người ủng hộ chính sách luật pháp và trật tự cứng rắn của ông Duterte.
Ông Duterte từng làm thị trưởng và thắng cử tổng thống với tỉ lệ áp đảo hồi tháng Năm vừa qua sau khi đe dọa sẽ dùng những biện pháp cứng rắn, bao gồm những giải pháp ngoài vòng pháp luật đối với những vấn đề tội phạm và ma túy.
Cuộc điều tra của Thượng viện được thúc đẩy bởi số người chết leo thang, những vụ lục soát nhà, và những vụ bắt giữ trên toàn quốc trong khi chiến dịch có tên là "Súng Hai Nòng" đạt đà tiến.
Chiến dịch bài trừ qua những con số
Bảy tuần sau khi chiến dịch khởi động, cuộc điều tra của Thượng viện nghe điều trần rằng số người chết do cảnh sát giết hại nghi can và do dân phòng giết người phi pháp đã lên tới 1.800 người.
Truyền thông địa phương chiếu cảnh thi thể của những kẻ buôn ma túy nhỏ bị những người được cho là dân phòng bắn chết. Những dân phòng này được khuyến khích bởi cuộc đàn áp chống ma túy.
Trung tâm Báo chí Điều tra Philippines (PCIJ) báo cáo rằng chiến dịch vừa khởi động là cảnh sát đã thực hiện những cuộc đột kích nhằm vào hơn 40.000 căn nhà trên khắp cả nước, nhiều nhà ở khu vực Bán đảo Zamboanga và Bắc Mindanao thuộc miền nam.
Cảnh sát trưởng Quốc gia Philippines, Ronald Dela Rosa, nói với ban điều tra rằng có khoảng 3,7 triệu người sử dụng ma túy trên toàn quốc. Ông nói kể từ ngày 1 tháng 7 tới ngày 21 tháng 8, cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 10.153 người bị cho là buôn bán và sử dụng ma túy, với hơn 600.000 người đã ra đầu thú với nhà chức trách.
Chỉ riêng những hoạt động của cảnh sát đã khiến 718 người tử vong, trong khi hơn 1.080 người thiệt mạng vì "những băng đảng khác nhau có liên quan tới ma túy bất hợp pháp," theo lời ông Dela Rosa.
Ưu điểm và nhược điểm
Chủ tịch ủy ban điều tra De Lima nói rằng số người chết leo thang là mối lo ngại chính và là lý do của cuộc điều tra.
Ông De Lima nói: "Điều đặc biệt đáng lo ngại là chiến dịch chống ma túy dường như là một cái cớ cho một số người, và tôi nhấn mạnh là một số người thực thi pháp luật và những thành phần khác như dân phòng, phạm tội giết người mà không bị trừng trị."
Nhưng một người ủng hộ chiến dịch, Thượng nghị sĩ Alan Peter Cayteno, tin rằng chính sách cứng rắn của ông Duterte đang mang lại kết quả.
Ông nói: "Lúc trước những tên trùm ma túy và tay chân của họ hành động mà không bị trừng trị. Người dân không mấy tin tưởng Cảnh sát Quốc gia Philippines, thẩm phán, những quan chức chính phủ cao cấp vì họ dính líu trong hoạt động buôn bán bất hợp pháp này hay đứng ra bảo kê. Bây giờ sự tôn trọng và e sợ luật pháp đã được khôi phục. Những tên trùm ma túy và những người ủng hộ họ đang bỏ trốn. Người dân đang bắt đầu cảm thấy an toàn, niềm tin của chúng tôi đối với giới chấp pháp và chính phủ đã được khôi phục dưới thời Tổng thống Duterte."
Nhưng chiến dịch này đã khơi lên chỉ trích gay gắt từ những người vận động nhân quyền ở trong nước và quốc tế.
Người ngoài lên tiếng
Một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc bao gồm Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cũng đã chỉ trích chính sách này. Giám đốc điều hành UNODC, Yury Fedotov, nói ông "hết sức lo ngại" về số người chết tăng cao.
Hai chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Agnes Callamard - báo cáo viên đặc biệt về những vụ hành quyết chóng vánh - và Dainius Puras - báo cáo viên đặc biệt về quyền y tế - đã kêu gọi Chính phủ Philippines chấm dứt làn sóng những vụ giết người ngoài vòng pháp luật.
Ông Duterte đả kích hai quan chức Liên Hiệp Quốc này, nói rằng việc họ lên tiếng bình luận là đã vi phạm nguyên tắc hành xử và thậm chí ông còn đe dọa đưa Philippines ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Lời đe dọa này sau đó đã được Bộ trưởng Ngoại giao Philippines rút lại, nói rằng ông Duterte "bực tức" nên mới nói vậy.
Cảnh sát trưởng Quốc gia Philippines Dela Rosa phủ nhận việc cảnh sát đứng đằng sau bất kỳ vụ giết người ngoài vòng pháp luật nào.
Ông nói: "Nếu bất kỳ cảnh sát viên nào bị phát hiện vi phạm pháp luật về tự vệ, người đó sẽ bị điều tra, truy tố và trừng phạt thích đáng. Về những đồn đoán về việc dân phòng giết người, Cảnh sát Quốc gia Philippines không và sẽ không bao giờ dung túng những vụ dân phòng giết người."
Nhưng những tổ chức nhân quyền như Theo dõi Nhân quyền và Ân xá Quốc tế ở New York đã báo động về những vụ vi phạm nhân quyền gắn liền với chiến dịch này.
Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói số lượng những vụ vi phạm trong chiến dịch này "gây bàng hoàng hết sức."
"Trong buổi điều trần ở Thượng viện [hôm thứ Hai 22 tháng 8], người ta thấy rõ rằng một số hoạt động của cảnh sát thậm chí còn không theo đúng thủ tục cơ bản của cảnh sát, trong đó có việc không lấy được lệnh bắt giữ hoặc lệnh lục soát," ông Robertson viết trong email gửi cho VOA.
Hôm thứ Hai, những nhà lãnh đạo giáo hội đầy quyền thế của Philippines đã góp tiếng kêu gọi chính phủ xem xét lại chính sách của mình và "sự đúng đắn của phương cách này" trong việc bài trừ việc buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Thượng nghị sĩ Philippines, Risa Hontiveros, nói với ban điều tra là cần phải "chuyển trọng tâm cuộc chiến chống ma túy này từ trả thù sang công lý thực sự."
Bà nói: "Cuộc chiến chống ma túy không nên bị thu hẹp thành những vụ giết người. Nó phải là một chiến dịch thúc đẩy những khởi đầu mới. Tôi tin rằng trong cuộc chiến chống ma túy của chính phủ, chúng ta không thể sắm vai thần linh quyết định ai sống ai chết."