Đường dẫn truy cập

Thuyền nhân Đông Nam Á bị đưa lậu hay là nạn nhân của buôn người?


Di dân ngồi trên thuyền chờ được giải cứu ngoài khơi Đông Aceh, Indonesia, ngày 20/5/2015.
Di dân ngồi trên thuyền chờ được giải cứu ngoài khơi Đông Aceh, Indonesia, ngày 20/5/2015.

Sự khốn khổ của những người Rohingya theo đạo Hồi và những người Bangladesh trong những chuyến hải hành nguy hiểm để tìm kiếm một tương lai tốt hơn đã là tin hàng đầu trên báo chí thế giới trong thời gian qua. Khi nói tới những thuyền nhân này, nhiều bản tin, các viên chức chính phủ và các nhà phân tích dùng cả hai tên gọi “người bị mua bán” và “người được đưa lậu”. Theo tường thuật của thông tín viên Steve Herman của đài VOA tại Bangkok, có những sụ khác biệt vô cùng quan trọng giữa hai từ ngữ đó.

Nói một cách đơn giản: đưa lậu người là vận chuyển những người sẵn lòng vượt qua biên giới bằng những phương tiện bất thường hoặc bất hợp pháp và buôn người là lường gạt hoặc bóc lột những người được vận chuyển và thường dẫn tới chỗ nạn nhân lâm vào cảnh bị làm nô lệ.

Vậy thì những người Bangladesh và người Rohingya là được đưa lậu hay là bị mua bán?

Ông Jefferey Labovitz, người đứng đầu văn phòng Thái Lan của Tổ chức Di dân Quốc tế IOM, cho biết những người vượt biên này muốn được đưa lậu.

Một trăm sáu mươi ngàn người đã bỏ nước ra đi từ năm 2012 tới nay. Những người này đã ngồi tại bàn ăn và uống trà hay uống cà phê với những người khác trong cộng đồng của họ và họ đã nghĩ về việc họ phải làm thế nào để thực hiện chuyến đi này và làm thể nào kiếm tiền để chi trả cho chuyến đi.

Tuy nhiên, như IOM và các tổ chức khác đã xác định từ những cuộc tiếp xúc với các thuyền nhân, chuyến đi có thể có những thay đổi lớn, ngoài dự tính.

Đôi khi các gia đình ở lại trong nước không thể trả tiền vượt biên. Các khoản tiền bị đánh cắp. Những sự giàn xếp với những người môi giới bị gặp trục trặc. Giá cả gia tăng một cách đột ngột.

Về việc này ông Labovitz cho biết như sau.

"Họ bị rơi vào những tình huống hết sức tệ hại này. Họ bị tống tiền. Họ bị tra khảo. Họ bị giam cầm và bị bỏ đói cho tới chết. Sát nhân, cưỡng hiếp, tống tiền…tất cả đều là những tội phạm vô cùng nghiêm trọng và một số những vụ này có lẽ cũng là những vụ buôn người."

Ông Matthew Smith, giám đốc của tổ chức nhân quyền Fortify Rights, nhận định như sau.

"Đây là một tình huống trong đó con người bị xem là tài sản. Họ bị tra tấn và bị ép buộc phải xoay sở tiền bạc để chuộc tự do cho mình. Và đó là một tình huống bóc lột hết sức tệ hại. Bọn chúng lợi dụng sự tuyệt vọng của những người xin tị nạn để kiếm tiền."

Trong lúc một số giới chức chính quyền xem nạn buôn người là một phần nhỏ trong hoạt động đưa lậu người, nhiều nhà tranh đấu, như ông Smith, nói rằng những tay buôn người đang điều hành mạng lưới này.

"Chúng tôi không nói là tất cả những người vượt Vịnh Bengal đều là nạn nhân của nạn buôn người. Nhưng đây là những tổ chức tội phạm buôn người đưa người từ điểm A tới điểm B. Và những điều kiện của thoả thuận thay đổi sau khi người Rohingya hay người Bangladesh bước chân xuống thuyền."

Các nước nằm dọc đường vượt biên thường làm ngơ đối với khía cạnh buôn người và những tố cáo cho rằng các giới chức của họ, gồm quân đội, cảnh sát và chính quyền địa phương, có dính líu tới những vụ này.

Đây là một việc đặc biệt nhạy cảm đối với Thái Lan, là nước năm ngoái bị Bộ Ngoại giao Mỹ xếp vào Cấp 3, cấp thấp nhất trong phúc trình thường niên của bộ này về Nạn Buôn Người.

Những người được đưa lậu được xem là di dân bất hợp pháp, nhưng nếu họ bị mua bán thì họ được xem là nạn nhân của nạn buôn người.

Theo ông Smith của tổ chức Fortify Rights, nạn nhân của nạn buôn người có những quyền khác dựa trên luật pháp quốc nội và quốc tế.

"Do đó đây là một phần của lý do tại sao chúng tôi tin rằng một số chính phủ trong khu vực rất do dự, không muốn xem những người này là nạn nhân của nạn buôn người, bởi vì điều đó đòi hỏi họ phải có một cách đáp ứng khác, một sự đáp ứng có tính cách tôn trọng nhân quyền nhiều hơn."

Myanmar xem những người Rohingya vượt biên từ tiểu bang Rakhine là được đưa lậu, chứ không phải bị mua bán, theo các thông cáo của chính phủ hồi gần đây.

Người ta tin rằng tổng cộng 25.000 người, kể cả những người di dân vì điều kiện kinh tế cùng quẫn, đã dùng thuyền vượt biên từ Myanmar và Bangladesh trong ba tháng đầu năm nay, nhiều gấp đôi con số của cùng thời gian này năm ngoái.

Thứ sáu tuần này Thái Lan sẽ tổ chức một hội nghị để bàn về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tiếp diễn này. Trong số các nước tham dự hội nghị có Indonesia, Malaysia, Myanmar và Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG