Đường dẫn truy cập

Tiền tệ Á Châu mất giá vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung


Tư liệu: Đồng đôla Mỹ,đồng rupiah của Indonesia và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trên một tấm quảng cáo tại một địa điểm đổi tiền ở Jakarta.
Tư liệu: Đồng đôla Mỹ,đồng rupiah của Indonesia và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trên một tấm quảng cáo tại một địa điểm đổi tiền ở Jakarta.

Trong năm nay, đơn vị tiền tệ của nhiều nước Á châu mất giá so với đô la Mỹ trong bối cảnh đang xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Tuy nhiên theo các nhà phân tích thì các nhà hoạch định chính sách giờ đã có kinh nghiệm để xử lý tốt hơn so với các chu kỳ trước đây.

Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Myanmar, cùng một số nước khác, đã chứng kiến đơn vị tiền tệ của họ bị mất giá từ đầu năm 2018. Đồng rupee của Ấn Độ tuột giá xuống mức thấp nhất từ trước tới nay trong tháng 6, và giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 3,2% tính cho tới tháng 6.

Các nhà kinh tế chỉ ra một loạt yếu tố, gồm tác động dây chuyền của những khó khăn tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, và những lo ngại của giới đầu tư khi cân nhắc đổ tiền vào châu Á vì chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, nhất là vào tuần tới, khi Mỹ áp đặt thuế quan đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc.

Ông Song Seng Wun, kinh tế gia thuộc ngân hàng tư nhân CIMB ở Singapore, nhận định:

"Về cơ bản, tất cả những gì mà chúng ta lo sợ xảy ra bây giờ và trong quá khứ dường như đang hội tụ về một mối".

Tuy nhiên, các nhà kinh tế tin rằng các cơ quan đặc trách chính sách tiền tệ ở châu Á đã rút ra được bài học từ những đợt tiền giảm giá trong quá khứ, như đã xảy ra vào năm 2013, 2015 và 2016.

Nguyên nhân tiền mất giá

Các nhà phân tích nói không một yếu tố duy nhất nào đã đẩy giá trị tiền tệ xuống thấp hơn tại các nước châu Á. Ở Ấn Độ, giá dầu tăng đã làm đồng rupee rớt giá khi Ấn Độ phải chi ra nhiều tiền ra hơn để nhập khẩu dầu. Ở Myanmar các phương tiện truyền thông trong nước quy lỗi cho nhập khẩu tăng vào nước đang phát triển nhanh này, cùng với nạn tích trữ đô la.

Tại Việt Nam, tiền đồng mất giá 1.3%, công ty chứng khoán Bảo Việt quy lỗi cho áp lực từ các vụ rớt giá của các đơn vị tiền tệ Á Châu khác, kể cả đồng nhân dân tệ Trung Quốc, trong khi đồng rupiah của Indonesia giảm 7% trong tháng Sáu.

Việc đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc cộng với nạn lạm phát, và các khoản tiền vay không thanh toán được đang đe dọa kéo theo các nền kinh tế khác, tình trạng này đang đè nặng lên tỷ giá các đồng tiền châu Á, theo kinh tế gia Song.

Các nhà kinh tế và giới truyền thông ở các nước bị ảnh hưởng thường chỉ ra tác dụng dây chuyền từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung như một nguyên nhân chính. Cuộc tranh chấp thương mại đó đã bắt đầu từ đầu năm 2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo Trung Quốc không công bằng khi giao thương với Hoa Kỳ.

Ở Ấn Độ, cuộc chiến tranh thương mại đã cản trở các nhà đầu tư xác định vị thế của họ liên quan tới các tài sản trong nước. Và tại Việt Nam, việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ trong tháng 6- có thể do căng thẳng thương mại với Mỹ, đã tác động tới lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Maxfield Brown, thuộc công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates ở Việt Nam, nói theo ông thì có một số lý do tại sao tiền đồng Việt Nam giảm giá:

"Tôi nghĩ rằng các quan chức Việt Nam đang theo dõi những gì đang xảy ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và thực tế là Bắc Kinh đã phá giá tiền tệ của họ và động thái này ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Mọi người đang theo dõi tình hình."

Chiến lược đối phó

Bà Marie Diron, Giám đốc điều hành của Moody's Investors Service tại Singapore cho rằng lần này, các cơ quan đặc trách chính sách tiền tệ châu Á đã nắm được ngay những vụ tiền tệ mất giá trong năm nay, và tỏ nhạy bén hơn so với năm 2013 khi mà vốn tư bản rút ra khỏi châu Á hàng loạt vì kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ đang tuần tự khép lại.

Những biện pháp kích thích kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mua tài sản ở châu Á, nơi vốn đầu tư tăng trưởng tương đối nhanh theo đà phát triển kinh tế của khu vực.

Tại Indonesia, để củng cố đồng rupiah, giới hữu trách đã tăng lãi suất bốn lần trong vòng ba tháng. Các cơ quan đặc trách chính sách tiền tệ ở Ấn Độ và Philippines cũng tăng lãi suất trong năm nay. Thông thường thì tăng lãi suất cũng làm tăng giá trị đơn vị tiền tệ của một nước so với các nước duy trì lãi xuất ở mức thấp.

Bà Diron nói hiện nay các nước châu Á giữ nhiều ngoại tệ dự trữ hơn và kiểm soát tốt hơn mức thâm hụt ngân sách của họ.

Ông Maxfield Brown thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates nói ở Việt Nam, những yếu kém trong khâu quản lý tiền tệ trong quá khứ đã giúp các nhà lãnh đạo rút ra kinh nghiệm để xử lý tốt hơn, và giờ họ đang nhắm tới việc đưa ra một "phản ứng chừng mực."

Trung Quốc có phần chắc sẽ đẩy đồng nguyên lên trở lại đi kèm với một kế hoạch kích thích kinh tế, để giảm bớt những lo ngại tại các thị trường khác, ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp cho biết trong một tài liệu nghiên cứu công bố hôm thứ Sáu.

Các nhà kinh tế nói rằng sự giảm giá của các đơn vị tiền tệ Á châu có nhiều phần sẽ không leo thang tới mức khủng hoảng. Kinh tế gia Song Seng Wun của ngân hàng tư CIMB ở Singapore nói các đơn vị tiền tệ Á châu “không đủ yếu để trở thành một mối đe dọa”.

Vẫn theo ông thì trong một số trường hợp, các quốc gia phụ thuộc vào thương mại như nhiều nước Đông Nam Á, có nhiều cơ hội hơn với đồng tiền yếu hơn vì các nhà xuất khẩu sẽ kiếm được thu nhập hơn khi đổi đô la Mỹ sang đơn vị tiền tệ địa phương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG