Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã rút hồ sơ liên quan tới lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump ra khỏi nghị trình làm việc tháng 10 sau khi Tổng thống Donald Trump công bố luật mới hôm Chủ nhật vừa rồi. Được loan báo vào đúng thời điểm lệnh cấm du hành cũ sắp hết hạn, các quy định mới tăng số các nước bị chi phối bởi các quy định mới, tuy nhiên lần này, những giới hạn đối với sự đi lại không hết hạn mà có thể được thi hành vô thời hạn. Thông tín viên Molly McKitterick có thêm các chi tiết sau đây.
Như được dự kiến rộng rãi, các giới hạn mới về du hành nhắm vào những ‘mối đe dọa cá thể đến từ những nước cá thể’.
Đặc biệt, luật mới cấm:
- Di dân hay không di dân đến từ các nước Chad, Libya và Yemen. Thành phần này không được nhập cảnh, dù bằng visa làm ăn, du lịch hay cả hai.
- Công dân Iran nhập cảnh Mỹ, nhưng đặc biệt miễn trừ cho sinh viên, mặc dù họ phải trải qua các biện pháp kiểm tra phụ trội.
- Di dân/khách đến từ Triều Tiên và Syria.
- Ngăn di trú đối với công dân Somalia và buộc khách du hành phải trải qua kiểm tra đặc biệt.
- Rút tên Sudan ra khỏi danh sách bị cấm.
Tại một hội nghị về luật di trú ở Đại học Georgetown hôm thứ Hai, lệnh cấm du hành là chủ đề nóng được mang ra thảo luận.
Trong khi tuyên bố của Tổng thống Donald Trump nói ông phải hành động để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ, nhiều người tỏ ra hoài nghi về những động cơ của ông.
Ông Arturo Sarukhan, cựu đại sứ Mexico tại Hoa Kỳ phát biểu:
“Trên thế giới có những mối đe dọa có thực, và những cá nhân mà chúng ta phải luôn theo dõi… Nhưng vấn đề ở đây là đôi khi vấn đề xảy ra trong bối cảnh rộng lớn của chính sách bảo vệ các lợi ích của người bản xứ và cư dân chống lại di dân, và tình cảm bài ngoại. Khi điều đó xảy ra, đôi khi rất khó có thể phân biệt động cơ thực thụ là an ninh quốc gia, hay là những yếu tố khác.”
Ông Trump nói các giới hạn mới sẽ có hiệu lực cho tới khi các nước liên quan cải thiện hệ thống kiểm tra an ninh của họ.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói:
“Cách thức lệnh cấm du hành được thiết lập, là các nước khác phải đáp ứng những đòi hỏi tối thiểu, và tham gia chia sẻ thông tin. Trong thời gian qua, một số nước đã đạt tiến bộ và thỏa đáng các đòi hỏi tối thiểu mà Hoa Kỳ vạch ra.”
Các quy định mới sẽ được chính phủ tái xét theo định kỳ, và có thể bị thách thức tại tòa, nếu không đưa ra trước tòa án tối cao.
Tòa tối cao đã chuẩn bị lắng nghe những lập luận về tính hợp pháp của sắc lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump, nhưng phiên bản mới có thể bị thách thức lại, khởi sự tại các tòa án cấp dưới.
Bà Jeanne M. Atkinson, Giám Đốc Trung tâm Công giáo Hỗ trợ Pháp lý cho người Di dân nói:
“Điều gì sẽ xảy ra tại Tòa Tối cao giờ đây khi lệnh cấm du hành đã thay đổi? Theo tôi, nếu ở lại đây hôm nay và lắng nghe mọi người thì chúng ta sẽ nghe những ý kiến rất là khác nhau. Đây là một vấn đề phức tạp bởi vì những thay đổi trong lệnh cấm du hành. Đây là một lệnh cấm du hành mới, và phải được xem xét riêng biệt.”
Trong khi đó, phần đã đáo hạn của lệnh cấm du hành cũ có thể được khôi phục, trong khi lệnh mới có hiệu lực từ ngày 18/10.