Đường dẫn truy cập

Tòa tuyên Blogger Mẹ Nấm 10 năm tù


Phiên tòa xét xử Blogger Mẹ Nấm về tội "tuyên truyền chống nhà nước" diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29/6/2017.
Phiên tòa xét xử Blogger Mẹ Nấm về tội "tuyên truyền chống nhà nước" diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29/6/2017.

Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên án 10 năm tù giam đối với Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88.

Một trong 3 luật sư bào chữa, LS. Nguyễn Khả Thành, nói với VOA rằng bản án “quá nặng, hơn cả bản án dành cho tội phạm giết người”.

Ống nói:

“Thông thường về tội 258 hoặc 88 người ta gọi là tội ‘nhạy cảm’, nên ai mà bị tội này thì thường bản án cao lắm là chừng 5 năm tù thôi. Vụ án này với chị Quỳnh lại gấp đôi, tức là 10 năm, thì cao hơn cả tội phạm giết người nữa”.

Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, là người thường xuyên thường xuyên đăng các bài viết trên mạng về các vấn đề chính trị xã hội như việc trưng thu đất đai, tình trạng công an bạo hành, và cổ xúy cho tự do ngôn luận.

Cô nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về những đóng góp cho dân chủ và nhân quyền.

Tháng 10/2016, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã bắt giữ Blogger Mẹ Nấm và sau đó cáo buộc cô về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88.

Xe chở Blogger Mẹ Nấm ra khỏi tòa án sau phiên thẩm vấn buổi sáng 29/6/2017.
Xe chở Blogger Mẹ Nấm ra khỏi tòa án sau phiên thẩm vấn buổi sáng 29/6/2017.

Luật sư Nguyễn Khả Thành cho biết ông đã đề nghị tòa cho phép bà Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm, vào dự trực tiếp phiên tòa nhưng sau khi hội kiến, tòa đã không cho phép bà Tuyết Lan vào bên trong với lý do “hết chỗ”, dù vị luật sư bào chữa cho Blogger Mẹ Nấm khẳng định vẫn còn chỗ để sắp xếp cho bà Lan nếu cần.

Trả lời VOA ngay sau tòa tuyên án con gái vào chiều 29/6, bà Tuyết Lan cho biết Blogger Mẹ Nấm trong những lời sau cùng đã trình bày với tòa án 3 điểm:

1. Quỳnh có quyền trình bày những suy nghĩ của mình trên Facebook. Trước đó, Quỳnh đã gửi rất nhiều đơn đề nghị nhằm thay đổi xã hội nhưng không một cơ quan nào trả lời, nên Quỳnh phải dùng Facebook để trải những suy nghĩ của mình ra.

2. Người giám định đã áp đặt suy nghĩ của họ và ghép Quỳnh vào tội “chống phá nhà nước”. Quỳnh yêu cầu được đối chất nhưng tòa không cho phép.

3. Yêu cầu vụ xử phải có sự giám sát của một tổ chức quốc tế nhân quyền.

Sau đó, Blogger Mẹ Nấm đã xin lỗi mẹ và các con vì sẽ phải xa cách họ một thời gian dài vì lý tưởng công bằng xã hội.

“Nếu cho lựa chọn lại, làm lại từ đầu, Quỳnh vẫn chọn đi theo lý tưởng này”, bà Tuyết Lan kể lại.

Báo chí trong nước đăng tải cáo trạng của tòa án nói “Từ năm 2012 đến tháng 10-2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sử dụng facebook cá nhân soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền xuyên tạc, đả kích, nói xấu đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc”.

Luật sư Hà Huy Sơn, người được Mẹ Nấm đề nghị làm luật sư bào chữa nhưng không được tòa chấp thuận, nhận định với VOA rằng những hành vi đưa ra trong cáo trạng của cô “không đủ chứng cứ để kết tội theo điều 88”, và do đó, Mẹ Nấm “không có tội”.

Ông nói ngay từ đầu, tòa đã “không công bằng” đối với Mẹ Nấm, và tiến trình tố tụng trong vụ này cho thấy các cơ quan chấp pháp không hề thay đổi và vẫn ngang nhiên xâm phạm các quyền của bị can, bị cáo.

Bà Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nói bản án 10 năm tù cho thấy chính quyền “sợ hãi con tôi” và sợ sự “cộng hưởng lan rộng”.

Những người ủng hộ Blogger Mẹ Nấm dán băng keo trên miệng, đứng bên ngoài tòa án để theo dõi phiên xét xử ngày 29/6/2017.
Những người ủng hộ Blogger Mẹ Nấm dán băng keo trên miệng, đứng bên ngoài tòa án để theo dõi phiên xét xử ngày 29/6/2017.

Cô Trịnh Kim Tiến, người tháp tùng bà Tuyết Lan đến tòa án, cho VOA biết an ninh xung quanh khu vực Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29/6 được thắt chặt:

“Hai bên đường Phan Bội Châu họ rào chắn bằng hàng rào không cho người đi bộ vào chứ đừng nói người tham dự phiên tòa. Sau hàng rào chắn là những xe trật tự đô thị bít bùng, họ dàn ra và an ninh mặc thường phục ngồi xung quanh rất đông”.

Cả bà Tuyết Lan và LS. Thành đều khẳng định Blogger Mẹ Nấm chắc chắn sẽ kháng án.

Trước khi diễn ra phiên tòa, nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Blogger Mẹ Nấm.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định phiên xử diễn ra trong bối cảnh “tình hình nhân quyền của Việt Nam có vẻ đang xấu đi, với sự gia tăng số vụ bắt giữ, hạn chế tự do đi lại, đe dọa và bạo lực đối với những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động chính trị, cũng như đàn áp tự do quyền tự do ngôn luận nói chung”.

Trong khi đó, ông Phil Robertson , Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong một thông cáo rằng “Vấn đề bê bối trong vụ này không phải là những gì Mẹ Nấm nói, mà là thái độ của Hà Nội cứ khăng khăng cự tuyệt thay đổi các điều luật hà khắc, vi phạm nhân quyền để trừng phạt các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa khiến uy tín quốc tế của Việt Nam bị xấu đi.”

Tòa tuyên Blogger Mẹ Nấm 10 năm tù
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:19 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG