Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Ấn Độ và Hoa Kỳ chẳng những là các đối tác tự nhiên, mà nước Mỹ còn có thể là đối tác tốt nhất của Ấn Độ. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ kết thúc chuyến viếng thăm New Dehli với bài diễn văn kêu gọi sự hợp tác giữa hai nước để chống lại nạn đói nghèo, ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và thúc đẩy cho tinh thần bao dung. Thông tín viên Aru Pande của đài VOA tường thuật từ New Delhi.
Ngày hôm nay, sau gần 3 ngày thảo luận với thủ tướng của Ấn Độ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Tổng thống Obama đã trực tiếp gởi tới nhân dân Ấn Độ một thông điệp về một chương mới của mối quan hệ Mỹ-Ấn.
"Tôi có mặt ở đây vì tôi hoàn toàn tin tưởng là người dân của hai nước chúng ta sẽ có thêm công ăn việc làm và có thêm cơ hội, hai nước chúng ta sẽ an ninh hơn, và thế giới sẽ là một nơi an toàn hơn và công chính hơn khi hai nền dân chủ của chúng ta sát cánh với nhau."
Tổng thống Obama phát biểu như vậy một ngày sau khi trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ tham dự Lễ Quốc Khánh 26 tháng 1 của Ấn Độ trong tư cách là vị khách quí nhất.
Cải Thiện Quan Hệ
Ngày hôm nay, khi phát biểu trước một cử tọa khoảng 1.500 người tại Pháo đài Siri ở New Dehli, ông Obama nói rằng sự hợp tác giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể làm cho cuộc sống của nhân dân hai nước được cải thiện và nạn đói nghèo được giảm thiểu nhờ vào sự gia tăng của những hoạt động thương mại và đầu tư trong các lãnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng để có thể trở thành những đối tác toàn cầu thật sự, cả hai nước phải tích cực đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và dẫn đầu những nỗ lực nhằm ngăn chận mối nguy này.
Mỹ và Ấn Độ là hai nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới sau Trung Quốc. Và trong cuộc thảo luận hôm chủ nhật, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông sẵn sàng làm việc với Tổng thống Obama để có được một thỏa thuận toàn cầu về việc cắt giảm khí thải tại hộïi nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về khí hậu vào tháng 12 tới đây.
Hôm nay, Tổng thống Obama thừa nhận rằng việc yêu cầu một nền kinh tế đang phát triển và mới trỗi dậy như Ấn Độ giảm thiểu sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch dường như là một yêu cầu không công bằng.
"Nhưng có một sự thật là trong trường hợp những nước như nước Mỹ giảm thiểu lượng khí thải của mình mà những nước đang trỗi dậy như Ấn Độ – với những nhu cầu năng lượng đang gia tăng một cách nhanh chóng, lại không theo đuổi việc sản xuất năng lượng sạch, thì chúng ta không có cơ may nào để chống lại nạn biến đổi khí hậu."
Tổng thống Obama đã dành một phần khá lớn của bài diễn văn ở Ấn Độ ngày hôm nay để nói tới việc tăng cường sức mạnh của giới trẻ và thúc đẩy cho sự bình đẳng.
Ông đã được nhiều người vỗ tay hoan nghênh khi nói tới quyền của phụ nữ. Ông nói rằng không có nước nào có thể thịnh vượng nếu không dựa vào tài năng của một nửa dân số của nước mình.
Cách nay hai năm, vụ cưỡng hiếp tập thể và giết hại một cách dã man một thiếu nữ trên xe búyt ở New Dehli đã làm cho Ấn Độ bị chấn động mạnh và làm bùng ra những vụ biểu tình phản đối trên khắp nước.
"Cuộc đời của bé gái nào cũng đều quan trọng. Con gái của chúng ta cũng cần có cơ hội y như con trai của chúng ta. Và chúng ta phải làm sao để tất cả người phụ nữ ai nấy cũng đều có thể sinh hoạt bình thường, như đi trên đường phố hay đáp xe buýt, và được an toàn và được đối xử một cách tử tế."
Khoan Dung Tôn Giáo
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích thái độ thiếu bao dung về tôn giáo. Ông nói rằng mọi người đều có quyền hành sử quyền tự do tín ngưỡng mà không bị đàn áp hoặc sợ hãi.
Ấn Độ đã chật vật ứng phó với những mối căng thẳng tôn giáo. Năm 2002, những vụ rối loạn giữa hai cộng đồng Ấn Độ giáo và Hồi giáo đã giết chết hơn 1.000 người, hầu hết là người Hồi giáo, tại Gujarat, tiểu bang nhà của Thủ tướng Modi. Ông Modi bị tố cáo là dung túng cho những hành vi bạo loạn. Vụ này đã khiến ông bị chính phủ Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh trong một thời gian khá lâu, mặc dầu tòa án Ấn Độ cho rằng ông không dính líu tới vụ bạo loạn đó.
Tổng thống Obama đã đề cập tới vụ nổ súng gây chết người tại một ngôi đền của người Sikh ở tiểu bang Wisconsin năm 2012 và nhắc lại một câu nói của Thánh Gandhi là “những tôn giáo khác nhau là những bông hoa xinh đẹp trong cùng một khu vườn.”
Sau khi đọc bài diễn văn này, Tổng thống Obama kết thúc chuyến công du Ấn Độ và lên đường đi Ả rập Xê-út để chia buồn với gia đình của cố Quốc vương Abdullah.