Đường dẫn truy cập

Trả nhà, bỏ tiệm vì Covid kéo dài


Ảnh tư liệu - Nhân viên y tế thực hiện việc kiểm soát và khử khuẩn tại một nhà hàng ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Ảnh tư liệu - Nhân viên y tế thực hiện việc kiểm soát và khử khuẩn tại một nhà hàng ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)

Đại dịch Covid tới nay đã kéo dài hơn một năm. Thoạt đầu, với nỗi lo bệnh tật, phần lớn người dân Việt Nam đều chấp nhận hạn chế ra đường, hạn chế chi tiêu và tiết kiệm đến mức tối đa để duy trì cuộc sống gia đình. Nhưng hơn một năm đã trôi qua, chính sách đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại đã giúp kiếm soát dịch bệnh tốt hơn nhưng đang khiến cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người kinh doanh nhỏ lẻ, đang dần cùng kiệt vì tình trạng ế ẩm kéo dài.

Tại Hà Nội, những con phố trung tâm như Hàng Bông, Phùng Hưng, Cầu Gỗ, Hàng Hành và Nguyễn Thái Học… tình trạng chủ tiệm trả nhà, trả mặt bằng kinh doanh ào ạt. Cứ 10 nhà thì có đến phân nửa trả mặt bằng do làm ăn thua lỗ, theo nhìn nhận của nhiều người.

Bà Nguyễn Mỹ Loan, chủ mặt bằng tại khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, cho biết gia đình bà may mắn khi cho thuê lại căn nhà mặt tiền đã khá lâu, người thuê cũng mới đầu tư sửa chữa lại để kinh doanh homestay cho khách nước ngoài nên không nỡ bỏ. Hiện thì tiền thuê mỗi tháng bà chỉ lấy 1-2 triệu đồng, bằng 1/10 so với thời điểm trước dịch để gọi là san sẻ gánh nặng cho chủ kinh doanh. Bà Loan kể một người bạn khác của bà, vốn là chủ một tiệm cà phê có tiếng tại Hàng Hành, sau khi cho thuê được mặt bằng với giá 10.000 đô la/tháng thì dịch Covid ập đến. Người thuê cầm cự được thêm 4 -5 tháng thì nay đã phải chào thua, trả lại mặt bằng. Ước mơ được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già của bà chủ quán bỗng chốc tan tành. Giờ ở tuổi gần thất thập bà phải tính toán mở lại tiệm cà phê để kiếm sống qua ngày mà cũng không có gì là chắc chắn sẽ có lợi nhuận nếu đại dịch Covid tiếp tục kéo dài.

Những người cho thuê mặt bằng đã như vậy, những người đi thuê mặt bằng để kinh doanh thì còn khó khăn hơn nhiều.

“Dân đi thuê mặt bằng làm ăn thực sự là chết hết. Bạn mình thuê một khách sạn tận 36 phòng tại phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm) nhưng giờ đã phải trả lại. Làm gì có khách, làm sao mà tồn tại, duy trì và chi trả rất nhiều chi phí khác nhau được cơ chứ?” bà Loan chia sẻ với VOA.

Trên nhiều con phố lác đác đã có những gia đình bán nhà, tìm nơi khác sinh sống vì việc làm ăn không đem lại lợi nhuận, không thu nhập kéo dài, mà tiền tiết kiệm đã tiêu hết.

Chị Đỗ Hoàng Liên, một chủ tiệm kinh doanh tại quận Ba Đình, cho biết từ vài tháng nay, việc phá sản, trả mặt bằng kinh doanh là chuyện thường tình trên con phố chị sinh sống. Cửa tiệm của chị do là nhà của gia đình, không mất tiền thuê, lại có gia đình mẹ chị hỗ trợ, nên chị vẫn gắng gượng mở cửa. Có khách nào hay khách đấy, chứ các cửa tiệm xung quanh đã đóng cửa gần hết, chị cho biết.

“Ngay nhà bà tổ trưởng khu phố này làm biển quảng cáo. Nhà mặt phố của bà ấy hẳn hoi, nhưng mới đây bà ấy cũng bán nhà chuyển đi nơi khác rồi, vì suốt cả năm nay không có ai đến đặt biển, làm cái gì cả. Nhà nước đóng cửa du lịch, khách sạn. Người ta làm gì có khách? Hạn chế người dân ra đường, nhà hàng làm gì có ai tới ăn uống? Khách sạn nhà hàng làm gì có tiền mà người ta tới đặt biển quảng cáo hay cái gì. Cái này nó dẫn tới cái kia. Bây giờ buồn lắm, chết đói đến nơi rồi ấy chứ,” chị Liên than thở.

Giữa bối cảnh đồng lương không theo kịp vật giá đời sống, nhiều cư dân tại các đô thị lớn như Hà Nội phải trông vào thu nhập từ việc kinh doanh nhỏ. Người có điều kiện thì có sẵn mặt bằng, người không có điều kiện thì đi thuê mặt bằng để kinh doanh nuôi sống gia đình. Đại dịch Covid ập đến và những biện pháp phòng dịch hà khắc tại Việt Nam có thể nói đã tạo ra những hậu quả nặng nề cho đời sống của nhiều người.

Chị Liên cho biết cuộc sống của những gia đình kinh doanh mặt phố như chị đang thực sự khó khăn, có ngày mở cửa từ sáng tới tối chẳng có khách nào ghé qua. Không biết nhà nước nói tăng trưởng ở đâu, chứ ở đây, hiện cuộc sống phải “giật gấu vá vai” từng ngày trông chờ đại dịch kết thúc, chị ca thán.

VOA Express

XS
SM
MD
LG