Đường dẫn truy cập

Trần Mẫn Nhĩ: đi lên từ tỉnh nghèo khó Quý Châu


Ông Trần Mẫn Nhĩ là ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc
Ông Trần Mẫn Nhĩ là ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc

Trần Mẫn Nhĩ, người mới đây được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và có nhiều khả năng tham gia vào thế hệ lãnh đạo thứ sáu sau ông Tập Cận Bình, đã trải qua thời gian công tác tại một trong những vùng nghèo khó nhất Trung Quốc.

Tỉnh Quý Châu ở miền tây nam đã từng là địa bàn để các lãnh đạo tiềm năng của Trung Quốc thử thách năng lực. Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng làm việc ở tỉnh này trước khi thăng tiến lên các vị trí cao hơn.

Tờ New York Times nhận định rằng giờ đây Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiếp tục chọn một người đã được rèn luyện ở Quý Châu là ông Trần Mẫn Nhĩ để đề bạt vào cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng. Nếu điều này trở thành hiện thực ở Đại hội 19 tới đây thì ông Trần nhiều khả năng sẽ là ứng viên tiềm năng để kế nhiệm ông Tập Cận Bình.

Ông Trần hiện nay 56 tuổi. Ông từng là sinh viên văn khoa và làm việc ở bộ phận tuyên truyền. Ông gần như chắc chắn sẽ vào Bộ Chính trị tại Đại hội sắp tới.

“Ông Trần rõ ràng là người thăng tiến rất nhanh và tôi cho rằng một ngày nào đó ông ấy sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị,” ông Christopher K. Johnson, một chuyên gia về chính trị cấp cao Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định với New York Times. “Tôi không tin việc đó sẽ xảy ra vào lúc này nhưng ông Tập Cận Bình có thể dùng ảnh hưởng của mình để cất nhắc ông ấy sớm như là một cách để khẳng định quyền lãnh đạo tối cao của mình.”

Ông Trần có một số lợi thế trong cuộc đua quyền lực hiện nay. Ông là một trong những người được ông Tập đỡ đầu. Ông có một thời gian công tác ở tỉnh Chiết Giang, một tỉnh giàu có ở miền đông Trung Quốc, dưới quyền của thư tỉnh ủy lúc đó là ông Tập. Mùa hè năm nay, ông Trần đã được giao cho một vị trí quan trọng là Bí thư của Trùng Khánh, một thành phố rộng lớn với 30 triệu dân, để chứng tỏ khả năng lãnh đạo của ông.

Trước đó, ông đã có năm năm rưỡi làm việc ở Quý Châu, trong đó có hai năm làm bí thư tỉnh ủy. Phục vụ tại một tỉnh nghèo với đa phần là nông thôn là rất quan trọng cho triển vọng thăng tiến của ông Trần. Nó cho ông kinh nghiệm ở cấp cơ sở chắc chắn để trở thành lãnh đạo quốc gia khi mà tương lai của 590 triệu người dân nông thôn ở Trung Quốc đang ngày càng trở thành một vấn đề cấp bách của Chính phủ.

Ở Quý Châu, ông Trần đã thúc đẩy việc sát nhập ruộng đất nhỏ lẻ của các hộ vào hợp tác xã. Nông dân sẽ cùng đóng góp ruộng đất, tiền bạc và công sức. Ý tưởng này đã được thử nghiệm ở các tỉnh khác trong nhiều năm nhưng chính ông Trần là người thúc đẩy mạnh mẽ.

Ông Tập cũng từng bắt đầu sự nghiệp tại một xã nông thôn dưới thời của Mao và có ba năm làm phó bí thư một huyện miền núi ở miền bắc Trung Quốc. Ở tỉnh Chiết Giang, ông Tập đã thúc đẩy một chương trình hợp tác hóa tương tự như chương trình mà ông Trần đang thực hiện.

Ông Tập đã nói rằng ông sẽ tham gia Đại hội Đảng sắp tới với tư cách là đại biểu của tỉnh Quý Châu mặc dù ông chưa bao giờ làm việc ở tỉnh này. Các quan chức ở Quý Châu mừng rỡ trước sự ủng hộ mà ông Tập dành cho ông Trần, theo New York Times.

“Quý Châu là địa bàn rất tốt cho những nhân vật triển vọng thử thách trong một vài năm,” ông Đinh Học Lương, giáo sư Chính trị Trung Quốc tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong, cho biết. “Anh đến công tác tại một trong những địa bàn nghèo khổ nhất, khó khăn nhất và gánh trách nhiệm thay đổi nó. Điều đó sẽ giúp anh ghi điểm để sau này được cất nhắc cao hơn.”

Ông Bruce J. Dickson, một nhà khoa học chính trị tại Đại học George Washington, cho biết các cán bộ trong Đảng thường được rèn luyện cho các vị trí cao hơn bằng cách luân chuyển qua những địa bàn kém phát triển. “Có sự nhìn nhận rộng rãi rằng sự bất bình đẳng đang lan rộng và nâng cao mức sống người dân ở nông thôn là một cách cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách thu nhập.”

Tình hình kinh tế của Quý Châu đã cải thiện và đời sống nông thôn ở đây đã tốt hơn so với 10 năm trước, nhưng tình trạng nghèo đói triền miên ở khu vực miền núi lâu nay vẫn là điểm nghẽn trong lời hứa của ông Tập chấm dứt nghèo đói ở nông thôn cho đến năm 2020. Ông Trần đã nhận thách thức này với lòng nhiệt tình. “Đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo đúng kế hoạch là một cuộc chiến gian khổ mà Quý Châu không thể thua,” ông phát biểu hồi tháng Ba. “Nếu chúng ta thua, chúng ta sẽ thất hứa và để mất niềm tin của công chúng.”

Ông La Tiểu Bằng, một quan chức về chính sách nông thôn đã về hưu và từng có thời gian dài làm việc ở các dự án giảm nghèo ở tỉnh Quý Châu, nhận định rằng các chính sách nóng vội của ông Trần có thể có tác dụng ngược. Chẳng hạn như, nông dân có thể bị dụ tham gia vào những dự án tốn kém và đầy rủi ro để rồi cuối cùng bị mất đất sau vài năm. “Tôi không nghĩ rằng cách làm này là hiểu được các vấn đề căn bản của nông thôn Trung Quốc,” ông La nói.

Tuy nhiên ông Trần sẽ không còn ở Quý Châu nữa để thấy được tác động lâu dài của những chính sách của ông. Ông đã được chuyển đến nhiệm vụ mới quan trọng hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG