Đường dẫn truy cập

Ai, tin vào điều gì, trong một cuộc bầu cử?


Tuần hành ủng hộ TT Trump tại D.C.
Tuần hành ủng hộ TT Trump tại D.C.

Điều rõ ràng có thể thấy qua cuộc bầu cử tổng thống 2020 ở Hoa Kỳ là có rất nhiều người Việt bao gồm cả các nhà hoạt động vì dân chủ coi Tổng thống Donald Trump là người hùng hay thần tượng của mình.

Người Việt nhìn thấy ở ông một tỷ phú có vợ đẹp, con khôn, cá tính mạnh mẽ và là người vì họ mà đấu tranh, dù là trước các thể chế họ cho là vô dụng hay trước một Trung Quốc đang hung hăng trỗi dậy.

Và họ sẵn sàng xem nhẹ các vấn đề khác, như trái đất nóng dần lên, hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TTP…

Nhưng rõ ràng ông Trump đã thuyết phục được các ủng hộ viên của ông về hình ảnh một thế giới khác, trong đó ông đương đầu với nhiều thế lực đang chống lại ông và những điều ông theo đuổi. Con số trên 72 triệu cử tri bỏ phiếu với hy vọng đem đến cho đương kim tổng thống một nhiệm kỳ nữa cho thấy ông Trump đã khá thành công trong chiến dịch tạo ra niềm tin vào tương lai.

Cho đến thời điểm này, mặc báo giới đã xướng danh “tổng thống tân cử” Biden, ông Trump vẫn chưa chấp nhận thua cuộc, vì theo ông, cuộc bầu cử có quá nhiều gian lận.

Bầu cử ‘an toàn nhất’

Chính các cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức và bảo vệ an toàn bầu cử hôm 12/11 đã đưa ra tuyên bố hoàn toàn ngược lại với những gì vị tổng thống đã nói.

Tuyên bố của Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Hạ tầng, Hội Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang, tức những người giám sát bầu cử cùng một loạt các tổ chức khác viết:

“Cuộc bầu cử hôm 3/11 là an toàn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ…

“Tất cả các bang với kết quả sít sao trong cuộc tranh cử tổng thống 2020 có hồ sơ giấy của từng phiếu bầu, cho phép quay lại và đếm từng lá phiếu nếu cần.”

Thông báo còn im đậm câu: “Không có bằng chứng về chuyện có bất kỳ hệ thống bỏ phiếu nào bị xoá hay mất phiếu bầu, thay đổi phiếu, hoặc bị phương hại bằng bất kỳ hình thức nào.”

Tuyên bố này gián tiếp nói rằng gian lận trong bầu cử hay thay đổi kết quả bầu cử là chuyện bất khả thi.

‘Chắc chắn tôi vẫn sống’

Một trong những tin đồn được tung đi khắp nơi là nhiều người chết đã bỏ phiếu cho ông Joe Biden. Các phóng viên của BBC đã lấy vài chục người từ danh sách được cho là 10.000 người chết vẫn bỏ phiếu ở Michigan và thấy rằng nhiều người vẫn còn sống. Một trong số họ, nhà giáo đã nghỉ hưu Roberto Garcia, nói với BBC: “Chắc chắn tôi vẫn sống và chắc chắn tôi bỏ phiếu cho ông Biden – tôi phải chết rồi mới đi bỏ phiếu cho Trump.”

BBC cũng nói họ tìm thấy một cụ bà đã 100 tuổi mà theo danh sách đã chết từ năm 1982. Tuy nhiên bà vẫn sống và hiện đang ở trong một nhà dưỡng lão ở Michigan.

Trong số hơn 30 người mà BBC chọn để kiểm tra, có ba người quả thực đã chết, một người cách đây vài tuần và hai người đã khá lâu. Đối với trường hợp cụ bà mới qua đời cách đây vài tuần, BBC không xác định được phiếu của bà có được kiểm không. Các quan chức bầu cử nói họ thường so sánh danh sách người đi bầu với danh sách đăng ký khai tử để loại ra những phiếu mà người gửi đi sau đó qua đời.

Đối với hai người đàn ông qua đời đã lâu, BBC phát hiện rằng hai người con trai của hai ông có cùng tên với bố và sống ở cùng địa chỉ. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp phiếu bầu đã được gửi cho người bố đã mất. Các quan chức bầu cử nói một trong hai phiếu đã được kiểm nhưng trong trường hợp đó họ không thấy phiếu của người con. Còn trong trường hợp còn lại, thực ra chính người con đã bỏ phiếu nhưng lỗi nhập dữ liệu đã ghi là của người bố cùng tên.

BBC cho rằng những người ủng hộ ông Trump đã lấy dữ liệu bầu cử của một bang để so sánh với dữ liệu người chết trên toàn quốc. Khả năng có những người trùng tên và trùng tháng sinh trên toàn quốc là nhiều và đó là lý do giải thích tại sao nhiều người được cho là đã chết và vẫn đi bầu thực ra vẫn sống.

Lý do mà nhiều người tin và chia sẻ những tin như thế này là họ không còn tin vào truyền thông chính thống và chỉ muốn tin vào những gì hợp với niềm tin sẵn có của họ. Báo New York Times nói chỉ có 13% số người thuộc phe ông Trump tin vào truyền thông, giảm từ mức 25% của năm 2015. Trong cùng giai đoạn những người thuộc phe thiên tả tin vào truyền thông lại tăng từ 35% lên 39%.

Nhiều người hâm mộ ông Trump hiển nhiên sẽ chọn tin vào những gì ông nói. Điều này một lần nữa cho thấy độ khả tín của nguồn tin đã mất đi tầm quan trọng đối với nhiều người. Họ tin vào điều họ muốn tin hơn là độ khả tín của thông tin, nhất là khi thông tin này đi ngược với cảm xúc và niềm tin của họ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG