Trung Quốc tuyên bố quan hệ với Philippines xuống ‘thấp nhất trong lịch sử’ sau khi tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc chấp nhận vụ Manila kiện bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh và tàu Mỹ tuần tra các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Bắc Kinh ngày 30/10 bác bỏ hai thách thức lớn đang đối mặt trong tranh chấp Biển Đông: hành động thực tiễn từ Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào vùng biển Trung Quốc nhận chủ quyền và biện pháp pháp lý của Philippines khi tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc tuyên bố có quyền phân xử vụ Manila kiện bản đồ 9 đoạn ở Biển Đông.
Sau khi chỉ trích các cuộc tuần tra của Mỹ là ‘táo tợn’ và ‘khiêu khích’, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên án quyết định của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc là ‘vô giá trị, phi hiệu lực, không có tác động bắt buộc đối với Trung Quốc’.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "Trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải, Trung Quốc sẽ không công nhận bất kỳ giải pháp nào áp đặt lên Trung Quốc hoặc bất kỳ kế sách đơn phương nào mưu tìm một sự dàn xếp từ một bên thứ ba".
Cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc nói hành động của Philippines làm phương hại tới lòng tin giữa Bắc Kinh với Manila và cảnh cáo Philippines chớ sa lầy ra khỏi con đường thương lượng song phương.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên tiếng thúc giục Manila quay lại đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Đáp lại, Philippines hoan nghênh quyết định của tòa trọng tài và cho biết đã sẵn sàng đệ trình các hồ sơ luận cứ của mình.
Một giới chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận xét phán quyết của tòa cho thấy phân xử các vấn đề tranh chấp dựa trên luật lệ và thực hành của quốc tế là khả dĩ để xử lý mâu thuẫn nếu không giải quyết được chúng.
Việt Nam, nước cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, chưa lên tiếng bình luận về vụ việc.
Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược của hai đồng minh Mỹ và Philippines áp lực Trung Quốc phải xác minh các tuyên bố chủ quyền mơ hồ của họ ở Biển Đông dựa trên luật quốc tế.
Học giả Richard Javad Heydaria chuyên nghiên cứu về an ninh khu vực tại đại học De La Salle ở Manila nhận định Washington và Manila đang phối hợp hiệu quả trên bàn cờ Biển Đông.
Tuy nhiên, ít khả năng những diễn tiến này sẽ khiến Trung Quốc phải bẻ lái cho dù tòa có tuyên bố Philippines thắng kiện đi chăng nữa.
Phân tích gia về an ninh William Chooong thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược cho rằng "Không có gì đảm bảo là Trung Quốc sẽ tuân thủ bất kỳ phán quyết nào của tòa bất lợi cho họ".
Tòa án ở La Haye tối ngày 29/10 tuyên bố có quyền tài phán trong vụ kiện của Manila chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và bác lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp Biển Đông nằm ngoài thẩm quyền phân xử của tòa.
Theo Reuters,Manila Bulletin, Wall Street Journal.