Các quan chức Việt Nam nói rằng Trung Quốc cố tình dán mác “Made in Vietnam” lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ và yêu cầu các cơ quan kiểm tra gắt gao hơn việc chứng nhận nguồn gốc hàng hóa.
Theo các giới chức Việt Nam được trích dẫn trong bản tin ra ngày 9/6 trên trang điện tử của Chính phủ Việt Nam, thì các công ty Trung Quốc trước hết xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, sau đó hàng hóa được thay bao bì và ghi “Made in Vietnam” trước khi xuất sang Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu.
Các nhà xuất khẩu đã bắt đầu chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh mức thuế 25% do Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh trên hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Hàng chục vụ gian lận giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp đã bị cơ quan hải quan phát hiện và xử lý trong thời gian qua, theo bà Hoàng Thị Thủy, trưởng phòng Giám sát quản lý C/O và sở hữu trí tuệ, Cục giám sát quản lý thị trường của Tổng cục Hải quan.
Hải quan cho biết việc giả mạo xuất xứ thường xảy ra đối với hàng dệt may, thủy sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép…, theo bản tin “Ngăn chặn hàng nước ngoài ‘đội lốt’ hàng Việt sang Mỹ" của báo Chính phủ.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu INTERWYSE đã tìm cách “đội lốt” hàng trăm “củ loa” và “sạc điện thoại mới” có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc bằng nhãn “Made in Vietnam.”Tổng cục Hải quan Việt Nam
Trường hợp điển hình được Tổng cục Hải quan nêu ra là việc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu INTERWYSE đã tìm cách “đội lốt” hàng trăm “củ loa” và “sạc điện thoại mới” có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc bằng nhãn “Made in Vietnam.”
Tổng cục Hải quan còn lưu ý về việc Hải quan Mỹ từng phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam.
Tuần trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam lên tiếng, khẳng định nước này không dán tem hàng Việt Nam lên hàng Trung Quốc để né thuế quan Mỹ.
“Các hiện tượng, hành vi này đã ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí có nguy cơ khiến hàng hóa trong nước bị xem xét khi xuất khẩu vào một số thị trường nước ngoài vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu (của) nền kinh tế nước ta,” Phó thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói tại một phiên chất vấn ở Quốc hội hôm 6/6.
Các hiện tượng, hành vi này đã ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, ...đến hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế nước ta.Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam hay “Made in Vietnam”. Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, các quy định hiện nay chỉ yêu cầu các loại hàng hóa được sản xuất một phần hoặc toàn bộ ở Việt Nam nhưng không có một cơ chế nào để xác định tính trung thực của nhãn mác.
Trong phần chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Việt Nam khóa 14, nhiều đại biểu cũng đặt ra câu hỏi về vấn đề hàng hóa không rõ nguồn gốc, sản xuất bên ngoài nhưng lấy nhãn hiệu Việt Nam.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cảnh báo khả năng Mỹ có thể “trừng phạt Việt Nam bởi mặc dù gắn nhãn ‘Made in Vietnam’ nhưng bản chất là hàng của nước khác.”
Việt Nam hiện đang bị chú ý sau khi Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần theo dõi về thao túng tiền tệ vào tháng trước.
Tuy nhiên Việt Nam đang được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất từ sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo dữ liệu về ngoại thương do Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ công bố tuần trước, thuế quan của Tổng thống Trump đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Thống kê này cho biết, hàng nhập khẩu Mỹ từ Việt Nam tăng gần 40% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.